Thực tế, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, số người bị ngộ độc rượu phải nhập viện cấp cứu, thậm chí là tử vong thường tăng rất cao. Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, có đến khoảng 50% số ca tử vong vì rượu là do người dân uống phải rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol.
Vì hám lợi, một số cơ sở sản xuất rượu đã pha cồn công nghiệp methanol, với tỷ lệ cao hơn nhiều lần giới hạn cho phép vào rượu. Thậm chí, những cơ sở này còn dùng các nguyên liệu khác không rõ nguồn gốc, hoặc men nhập lậu để làm tăng độ cồn, tăng số lượng rượu.
Ghi nhận tại một gia đình làm rượu thủ công có uy tín tại thôn Đại Lâm (xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh), men được sử dụng làm rượu là men Bắc, thời gian ủ lâu hơn 8 - 10 ngày và cho ít rượu hơn men Trung Quốc. Nhưng ở đây, có cả loại rượu không cần men, không cần ủ, không cần bếp.
Nước lã, cồn và một ít rượu sắn khoắng với nhau tạo thành rượu cồn. Theo kinh nghiệm người dân địa phương, cách để phân biệt rượu pha cồn và rượu gạo là đổ một ít ra tay, xoa nếu còn mùi rượu là rượu thật, càng để lâu càng thơm mùi, còn rượu cồn, khi xoa vào tay một lúc sẽ không còn mùi.
Đáng lo ngại, dù hiện nay đã có tới gần 100 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm soát được việc pha chế rượu từ cồn công nghiệp methanol, cũng như rượu nấu thủ công trong các hộ gia đình. Bởi vậy, việc sản xuất, buôn bán, ngộ độc rượu, năm nào cũng diễn ra.
Dưới đây là phản ánh chi tiết của phóng viên VTV:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!