Trăn trở đào tạo nghề cho nông dân

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 25/12/2017 12:15 GMT+7

VTV.vn - Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hỗ trợ trên 3 triệu lượt lao động nông thôn học nghề với 43% người học nghề nông nghiệp và trên 57% học nghề phi nông nghiệp.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) với tổng kinh phí 25.980 tỷ đồng kéo dài từ 2010-2020 với mục tiêu ban đầu mỗi năm đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn, nhưng sau 2 năm triển khai đã phải hạ thấp chỉ tiêu đào tạo xuống vì nhiều lý do.

Số lượng lao động nông thôn được đào tạo ngày càng tăng nhưng đời sống người nông dân lại không mấy thay đổi sau các lớp dạy nghề. Việc triển khai dạy nghề ồ ạt ở các làng quê đã gây ra lãng phí lớn khi người học không áp dụng được những kiến thức đã học như câu chuyện từng xảy ra tại tỉnh Đăk Lăk. Sau gần 8 năm thực hiện Đề án 1956, công tác đào tạo nghề ở địa phương này vẫn tồn tại nhiều bất cập, không sát với thực tế và yêu cầu của thị trường lao động.

Năm qua, Đề án đã hỗ trợ trên 3 triệu lượt lao động nông thôn học nghề với 43% người học nghề nông nghiệp và trên 57% học nghề phi nông nghiệp. Bình quân mỗi lao động được hỗ trợ khoảng 2,5 triệu đồng trong 3 tháng học nghề.

Khoản hỗ trợ này sẽ rất lãng phí về ngân sách và thời gian của những người nông dân nếu như công tác dạy nghề không phù hợp với thực tế và dạy nghề theo kiểu một chiều, áp đặt. Nếu chỉ dạy nghề bó hẹp theo kế hoạch và để giải ngân thì chắc chắn, việc dạy nghề cho lao động ở nông thôn sẽ đi vào ngõ cụt ...

Để dạy nghề ở nông thôn thực sự có hiệu quả, tỉnh Nam Định đã đưa ra một phương thức mới trong đào tạo nghề đó là chuyển giao việc dạy nghề cho lao động nông thôn cho chính các doanh nghiệp trên địa bàn. Không còn những lớp học tập trung ở sân hợp tác xã hay hội trường ủy ban, hay trung tâm dạy nghề mà bây giờ lớp học chính là nhà máy.

Đào tạo nghề tại doanh nghiệp là cách làm mới, có tính ưu việt hơn hẳn hình thức đào tạo truyền thống nhưng hiện nay, số địa phương thực hiện cách này chưa nhiều, chủ yếu ở những tỉnh đồng bằng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phương thức dạy nghề ở nông thôn thời gian qua đã cho thấy một số bất cập bởi cách thức thực hiện. Học nhiều nghề khác nhau nhưng nghề thực dụng lại không có nhiều, không phù hợp với thực tế của nông thôn, đòi hỏi phải có sự thay đổi toàn diện về phương thức, giúp lao động nông thôn thực sự được đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu của thị trường lao động.

Dạy nghề cho lao động nông thôn là một hướng đi đúng nhằm giúp lực lượng lao động ở nông thôn có tay nghề, có kỹ thuật và giúp nhiều người có công việc, thu nhập ổn định, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động phi chính thức ở nông thôn hiện nay. Nếu việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ chú trọng đến mục tiêu dạy nghề thì sẽ không đảm bảo được tính an sinh xã hội của đề án này.

Cơ hội đào tạo nghề miễn phí tại Đức Cơ hội đào tạo nghề miễn phí tại Đức Đào tạo nghề theo yêu cầu doanh nghiệp Đào tạo nghề theo yêu cầu doanh nghiệp Nghịch lý doanh nghiệp cần thợ lành nghề, trường đào tạo nghề “ế” người học Nghịch lý doanh nghiệp cần thợ lành nghề, trường đào tạo nghề “ế” người học

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước