Với hơn 700.000 hình ảnh, video xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện trên mạng trong năm qua, Việt Nam xếp thứ 2 trong khối ASEAN về số lượng những hình ảnh này. Điều này cho thấy trẻ em Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ cao bị xâm hại trên môi trường mạng.
Để hạn chế nguy cơ trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì xây dựng đề án bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, trong đó có đề ra những giải pháp mới, chú trọng vào việc hỗ trợ các em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Cách đây 2 tuần, Bảo Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị kẻ lạ bắt nạt trên môi trường mạng khi tham gia trao đổi dự án với nhóm bạn quốc tế. Phương đã phải nghe những lời lẽ tục tĩu phân biệt giữa học sinh châu Á và học sinh bản địa làm em rất sốc. Ngay cả khi học trực tuyến, bạn bè Phương cũng phải đối mặt với nguy cơ bị kẻ lạ cướp đường link lớp học, không thể học được.
"Có người xâm nhập và họ đã nói những lời rất tục tĩu để phá buổi học của chúng con. Ngoài ra, họ còn gửi những đường hình ảnh nhạy cảm về trẻ con hoặc động vật bị đánh đập", Phương cho hay.
Năm qua, số trẻ bị xâm hại trên mạng lên tới 1.800 trẻ. Trong vài năm gần đây, chỉ riêng lực lượng công an đã xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Môi trường mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với trẻ em như: Tiếp xúc với nội dung bạo lực, xúi giục tự tử, bắt nạt trực tuyến, nghiện chơi điện tử trên mạng, xâm hại tình dục, hình ảnh bị xâm hại được quay, chụp và phát tán trên mạng.
Bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam - nói: "Trên thế giới, mỗi ngày có tới 750.000 nam giới đang tìm kiếm trên mạng những thông tin để xâm hại tình dục trẻ em. Điều đáng lo ngại là 70% trẻ em hiện nay chưa có kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp khi bị xâm hại trên mạng, mà đang tự loay hoay một mình giải quyết. Trẻ em chưa ý thức được nguy hại khi kết bạn với người lạ trên mạng".
Theo các chuyên gia, thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là lập các phòng chat ảo, tham gia các trang web, các mạng trò chơi trực tuyến, các diễn đàn trên mạng để tìm kiếm trẻ em và từ đó nhắn tin làm quen. Việc ra đời hệ sinh thái bảo vệ trẻ em là hết sức cần thiết.
Các chuyên gia khuyến cáo thế giới ảo nhưng tổn thương là thật. Do vậy, cha mẹ và nhà trường cần nhanh chóng trang bị cho các em kỹ năng phòng chống xâm hại trên mạng để trẻ em biết được trong những tình huống đó, các em sẽ phải xử lý thế nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!