Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng: Mối nguy hiểm thường trực

Theo VOV-Thứ sáu, ngày 31/01/2020 17:37 GMT+7

Hơn 1/3 số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên trong độ tuổi 15-24. (Ảnh: VOV)

VTV.vn - Việt Nam là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và Youtube cao nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tin, ảnh và clip xấu độc ảnh hưởng đến trẻ em.

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức We are the Social Media cho thấy, Việt Nam đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người sử dụng mạng xã hội và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và Youtube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn. Những thông tin, hình ảnh, video clip xấu độc tràn lan trên mạng ảnh đang ảnh hưởng không nhỏ tới trẻ em.

Theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin, hơn 1/3 số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên trong độ tuổi 15-24. Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng nhưng cũng không thể đo đếm được về mức độ phổ biến, quy mô của xâm hại trẻ em trên mạng.

Phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (60%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Cứ 1 trong 4 trẻ được khảo sát chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Cứ 1 trong 3 trẻ sử dụng mạng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, các thông tin, hình ảnh, video clip xấu độc đang ảnh hưởng nghiêm trong tới trẻ em và việc xây dựng "rào chắn" bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đang là việc làm cấp bách.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết: "Trong quy định pháp lý cũng như trong thực tế, chúng ta phải quy định cụ thể quy trình hỗ trợ và can thiệp các nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên mạng, giống như là các quy định của Nghị định 56, giống như đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại trong đời thực.

Từ việc phối hợp, chuyển tuyến các dịch vụ; phối hợp trong việc hỗ trợ, xác minh, điều tra và xử lý để làm sao chúng ta tăng cường tính phòng ngừa, can thiệp ngay từ khi có nguy cơ. Kinh nghiệm của các quốc gia rất nhiều, ví dụ như ở Anh có một đơn vị chuyên bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng từ 10 năm nay rồi. Chúng tôi cho rằng quy trình hộ trợ, can thiệp này rất quan trọng"

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, không gian mạng không chỉ có máy tính, điện thoại thông minh mà còn cả tivi thông minh. Trong các giải pháp nêu ra, ông Lâm nhấn mạnh vai trò truyền thông, nâng cao kỹ năng cho các bậc phụ huynh để bảo vệ trẻ em và đến lúc nào đó trẻ em tự bảo vệ mình. Bởi việc ngăn chặn trẻ em tham gia không gian mạng là hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin của trẻ. Nếu cha mẹ, thầy cô không dẫn dắt trẻ thì đi đúng hướng thì vô số đối tượng trên thế giới ảo sẽ dẫn dụ các em vào những con đường mà chúng ta không lường được.

Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: "Bộ Thông tin Truyền thông sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa kỹ năng số vào trường học, bao gồm nội hàm rộng, không chỉ có việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó có vai trò của truyền thông, nhà trường, gia đình. Việc tham khảo các mô hình quốc tế của các đất nước mà đã có bề dầy, cách làm hay, kinh nghiệm tốt sẽ giúp chúng ta rút ngắn thời, giảm thiểu chi phí để có kết quả tốt".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước