Triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt - Pháp

Phương Mai, Quang Hiệu (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 26/03/2018 21:39 GMT+7

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.

VTV.vn - Trên báo Thế giới Le Monde của Pháp đã đăng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tiêu đề "Triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt - Pháp".

Nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ở thăm chính thức Cộng hòa Pháp, trên báo Thế giới Le Monde của Pháp đã đăng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tiêu đề "Triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt - Pháp" với nội dung nhìn lại những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước để tin tưởng rằng quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp sẽ tiếp tục phát triển bền vững, toàn diện và hiệu quả trong những thập kỷ tới.

Trước hết, trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tầm quan trọng địa chính trị của châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới, trong đó Việt Nam và các nước Đông Nam Á có vị trí hết sức quan trọng trong các tiến trình hợp tác ở khu vực này.

Điểm lại những thành tựu của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng khá cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại mở rộng và đi vào chiều sâu, Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam đang vươn lên trở thành một nền kinh tế phát triển nhanh và năng động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả cho hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhìn lại mối quan hệ rất đặc biệt giữa Việt Nam và Pháp. Tuy ở hai châu lục khác nhau nhưng gắn bó mật thiết về lịch sử, văn hoá và xã hội.

Trong chặng đường 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng Bí thư đã điểm lại một số dấu ấn để thấy rằng: Quan hệ hai nước đã có nhiều tiến triển quan trọng.

Trước hết, sự kiện có ý nghĩa to lớn là chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng năm 1977 đã mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước. Quan hệ kinh tế, thương mại, hợp tác trao đổi văn hoá, giáo dục được thúc đẩy mạnh mẽ. Đặc biệt, trong thập kỷ 1980, thời kỳ Việt Nam bị bao vây cấm vận, Pháp vẫn là nước Phương Tây duy nhất duy trì quan hệ hợp tác văn hoá, khoa học - kỹ thuật, giáo dục và đào tạo với Việt Nam.

Đặc biệt khi công cuộc đổi mới của Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển phong phú, đa dạng được đánh dấu bằng các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mit-tơ-răng và chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng vào năm 1993.

Có thể nói, từ đó trở đi, Pháp đã thực hiện chính sách nhất quán coi Việt Nam là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình ở châu Á - Thái Bình Dương, như Bộ trưởng Ngoại giao A. Juppe đã từng nói: "Nước Pháp nằm ở giữa lục địa châu Âu, một châu Âu đang ngày càng trở nên thống nhất và nước Việt Nam nằm ở giữa lục địa châu Á, một châu Á đã được hoà giải và đang tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Hai nước chúng ta có thể cùng nhau làm nên nhiều việc lớn".

Điểm lại những kết quả hợp tác có hiệu quả giữa hai nước trên các lĩnh vực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết hai nước cũng đang hướng tới những hình thức hợp tác mới thông qua các dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu hay phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy còn rất nhiều tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước chưa được khai thác hết.

Với những nền tảng thuận lợi của mối quan hệ Việt - Pháp trong 45 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong giai đoạn hiện nay, hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần tạo động lực mới làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp; tăng cường tin cậy chính trị, đẩy mạnh trao đổi, tiếp xúc cấp cao, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, năng lượng, y tế, văn hoá, giáo dục, du lịch, tư pháp, bảo vệ môi trường v.v...; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác giữa các địa phương, hợp tác về môi trường và chống biến đổi khí hậu. Đồng thời là các thành viên nòng cốt trong EU và ASEAN, mỗi nước cần đóng vai trò đặc biệt trong việc thúc đẩy quan hệ EU - ASEAN.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng cho rằng: Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng và phức tạp hiện nay, hơn bao giờ hết, hai nước cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Việt Nam và Pháp đều chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới đa cực và chủ nghĩa đa phương dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, công bằng, hợp tác trên tinh thần cùng có lợi, cùng nỗ lực phấn đấu vì hoà bình và phát triển bền vững bao trùm, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước.

Và đặc biệt, hai nước đều ủng hộ nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Kết thúc bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Tất cả những điều đó cho phép chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, triển vọng của quan hệ Việt - Pháp là rất tốt đẹp; mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp sẽ tiếp tục phát triển bền vững, toàn diện và hiệu quả trong những thập kỷ tới của thế kỷ 21.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước