Thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi vào sáng nay (20/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa.
Tại phiên họp, đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, tức là cao hơn 100 giờ so với quy định hiện hành bởi việc tăng số giờ làm thêm không làm tăng năng suất và đi ngược với xu hướng thế giới.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, do việc tăng giờ làm thêm là phương án Chính phủ mong muốn nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình hai phương án để các đại biểu Quốc hội thảo luận và quyết định.
Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ. Đến năm 2028, lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 62 tuổi và đến năm 2035 thì lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!