Mục đích của việc giảm giờ làm là để cải thiện sức khỏe và tinh thần của người lao động. Tuy nhiên Hiệp hội các doanh nghiệp phản ứng mạnh mẽ, vì cho rằng giảm giờ làm sẽ khiến chi phí lao động tăng cao và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cả nền kinh tế.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng các cơ quan Nhà nước được nghỉ cả ngày thứ Bảy mà doanh nghiệp không được nghỉ là không công bằng. Với đề xuất giảm giờ làm chỉ còn 44giờ/tuần nghĩa là người lao động trong khu vực doanh nghiệp sẽ được nghỉ từ chiều thứ Bảy, có điều kiện chăm sóc, phục hồi sức khỏe tốt hơn. Hơn nữa, nhiều công ty đã cho người lao động nghỉ nửa ngày hoặc cả ngày thứ Bảy nên cần có quy định cho thống nhất.
Thực tế ở các nhà máy, dù đã làm 8 giờ/ngày, nhưng công nhân thường muốn tăng ca để có thêm thu nhập. Doanh nghiệp không tăng ca cũng đồng nghĩa với việc khó giữ chân lao động.
Với đề xuất giảm giờ làm việc chính thức xuống còn 44h/tuần, mỗi năm, doanh nghiệp mất 216 giờ hoạt động. Nếu giảm giờ làm, mỗi khi tăng ca, doanh nghiệp phải trả lương giờ làm thêm với chi phí rất lớn. Theo tính toán của VCCI nếu áp dụng sẽ làm doanh nghiệp mất từ 8% - 15% doanh thu.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh năng suất lao động còn thấp cần duy trì giờ làm việc chính thức như hiện tại và việc nghỉ ngày thứ Bảy lúc này chưa hợp lý.
Được biết, các nước ASEAN đều duy trì làm việc ngày thứ Bảy, chỉ có Indonesia cho nghỉ vì thiếu việc làm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!