Tháng 11/2018, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi Trung tâm Quản lý giao thông công cộng để nhắc việc nộp hồ sơ, báo cáo quyết toán tình hình sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước về trợ giá xe bus. Theo Sở GTVT thành phố, đến nay Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ, báo cáo quyết toán kinh phí trợ giá xe bus từ năm 2012 - 2016. Riêng đối với năm 2011, sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị quyết toán của trung tâm, Sở đã thực hiện việc kiểm tra và đề nghị trung tâm bổ sung hồ sơ, thuyết minh giải trình một số nội dung liên quan đến số liệu đề nghị quyết toán nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồ sơ bổ sung. Điều này đã dẫn đến việc quyết toán của trung tâm từ năm 2011 - 2016 chưa được xét duyệt và Sở cũng chưa lập được báo cáo quyết toán của toàn Sở từ năm 2011 - 2017.
Theo quyết định của UBND TP.HCM, công thức trợ giá một chuyến xe bằng tổng chi phí trừ doanh thu đặt hàng. Nếu doanh thu đặt hàng tăng, tiền trợ giá sẽ giảm và ngược lại. Trong khi đó, yếu tố doanh thu đặt hàng quyết định lớn đến tỉ lệ trợ giá thì lại chưa có tiêu chí rõ ràng, do đó đơn vị quản lý xe bus vẫn "thoải mái" áp cho các hợp tác xã.
Trả lời về vấn đề trợ giá xe bus bất thường trong cuộc họp tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm của thành phố, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết, ngoài những khó khăn chung về bến bãi, hạ tầng, năng lực điều hành quản lý, ngành Giao thông còn đối mặt với khó khăn mới là giá nhiên liệu tăng. Bên cạnh đó, thành phố vừa đưa vào sử dụng 1.000 xe bus mới. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng định mức mới vốn đang gây tranh cãi giữa các hợp tác xã.
Nhiều chuyên gia giao thông nhận định, để giải quyết khủng hoảng phải có sự can thiệp của Sở GTVT TP.HCM, hay cao hơn là từ thành phố chứ không thể từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng. Nếu vẫn tiếp tục theo cách này, việc trợ giá xe bus sẽ làm gia tăng gánh nặng ngân sách của thành phố và không tạo ra tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!