“Trung ương dành ưu tiên cao phát triển khu vực đông đồng bào dân tộc ít người”

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 24/07/2019 19:24 GMT+7

VTV.vn - Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo của 9 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc cùng với tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, TP Hà Nội.

Hôm nay (24/7), Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã làm việc với lãnh đạo của 9 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc cùng với tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, thành phố Hà Nội. 

Phát biểu sau hơn 6 giờ lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tới đây, Trung ương sẽ dành ưu tiên cao để phát triển khu vực có đông đồng bào dân tộc ít người, nhưng cũng là vùng còn đang nghèo nhất cả nước này.

Đây là cuộc làm việc thứ 5 của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội với các tỉnh, thành trong quá trình dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phương hướng, nhiệm vụ từ 2021 đến năm 2025.

“Trung ương dành ưu tiên cao phát triển khu vực đông đồng bào dân tộc ít người” - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Lãnh đạo của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc cho rằng thách thức lớn nhất của các tỉnh này hiện nay cũng như những năm tới vẫn là chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động và hạ tầng giao thông. Bởi như Cao Bằng có tới 95% dân số là đồng bào các dân tộc ít người, Yên Bái hơn 55% với trên 30 dân tộc, nên đây cũng là vùng nghèo nhất, chiếm tới gần 2/3 số hộ nghèo cả nước. 

Theo số liệu mới nhất, các tỉnh trong khu vực này có từ 9 - 30% người dưới 15 tuổi chưa đi học. Đây cũng là vùng dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lũ và sạt lở đất. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong nhiệm kỳ này, một số tỉnh đều phát triển mạnh và thu ngân sách tăng cao. Như Yên Bái, với mục tiêu đổi mới, ổn định và phát triển, trong đó tập trung cải cách môi trường kinh doanh nên đã thu hút được 157 dự án đầu tư, với gần 160.000 tỷ đồng, trong đó lần đầu tiên đã có nhà đầu tư nước ngoài đến với Yên Bái. Thậm chí, Yên Bái còn bắt đầu xây dựng đô thị thông minh và có số xã đạt chuẩn nông thôn mới, gấp đôi so với mục tiêu; thu ngân sách đạt 3.250 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với đầu nhiệm kỳ. Còn một số tỉnh khác như Lào Cai, hiện chỉ còn phải nhận 40% ngân sách từ trung ương, số hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo chỉ còn 25%.

Từ thực tiễn phát triển của các địa phương trong vùng, lãnh đạo các tỉnh đều kiến nghị với Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, trong 5 và 10 năm tới cần có chính sách phát triển đặc thù cho riêng khu vực này, để có thể đuổi gần kịp miền xuôi; cần đặt mục tiêu đến năm 2025 không còn hộ nghèo để tập trung nguồn lực thực hiện, trước hết là sắp xếp lại dân cư để tập trung đầu tư đồng bộ về hạ tầng và bảo vệ lá phổi xanh cho cả nước. Đặc biệt, nếu giải quyết được vấn đề giao thông thì sẽ mở được cánh cửa cho phát triển về du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp theo chuỗi, đi cùng với liên kết được giữa các tỉnh trong vùng với Hà Nội và với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc.

“Trung ương dành ưu tiên cao phát triển khu vực đông đồng bào dân tộc ít người” - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

Biểu dương Đảng bộ và nhân dân 9 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc cùng với Nghệ An và Thanh Hóa, là 2 tỉnh có đông đồng bào dân tộc ít người ở miền núi phía Tây đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để đạt được kết quả khá toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội trong 2 nhiệm kỳ gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh kết quả này đã khẳng định dù là các tỉnh nghèo, nhưng khi biết cách làm thì hoàn toàn tăng được quy mô kinh tế và thu ngân sách, đời sống của nhân dân được cải thiện, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.

Ghi nhận các ý kiến rất phong phú ở tầm văn kiện của lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, để gỡ nút thắt về giao thông cho vùng, Chính phủ sẽ không chờ đến nhiệm kỳ sau, mà tới đây Thường trực Chính phủ sẽ thảo luận về tính khả thi của việc xây dựng sân bay Sa Pa và nâng cấp sân bay Điện Biên theo hình thức xã hội hóa, cùng với việc giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giải phóng mặt bằng cho một số sân bay. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ để khởi động dự án đường cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng và xem xét đầu tư tuyến đường Hòa Bình - Mộc Châu theo hình thức đối tác công - tư. 

Thủ tướng cho biết, tới đây Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị dự thảo Nghị quyết phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, bao gồm cả miền Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An; đồng thời giao các bộ xây dựng Đề án để gỡ nút thắt về giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ cho vùng này. Điển hình như Sơn La khi áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp đã phát triển được các vùng cây ăn quả và xuất khẩu được 150 triệu USD. Vì vậy, ngoài hỗ trợ từ trung ương, phần còn lại đòi hỏi các địa phương phải có ý chí và quyết tâm cao.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ khó khăn, mất mát với đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái trong trận lũ lớn cách đây 4 ngày, đồng thời biểu dương lãnh đạo tỉnh và các địa phương đã kịp thời chỉ đạo, giúp dân khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt. 

Thủ tướng cũng nhắc lãnh đạo các tỉnh miền núi phía Bắc cùng với Thanh Hóa và Nghệ An quan tâm chỉ đạo phòng chống thiên tai, cũng như khắc phục hậu quả của mưa lớn, sạt lở đất, nhất là lũ quét, lũ ống, với tinh thần không để ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của nhân dân.

Đồng bào dân tộc thoát nghèo từ nông thôn mới Đồng bào dân tộc thoát nghèo từ nông thôn mới

VTV.vn - Tại tỉnh Yên Bái, một xã miền núi có tới hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số đã chuẩn bị về đích nông thôn mới, đó là xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước