Cảng cá, khu neo đậu, âu thuyền tránh trú bão là những hạ tầng thiết yếu để phát triển kinh tế khu vực ven biển. Trên thực tế, việc đầu tư hạ tầng lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro nên rất khó để xã hội hóa, thu hút, kêu gọi đầu tư, chủ yếu vẫn là đầu tư từ nguồn ngân sách.
Việc cắt giảm đầu tư công thời gian qua đã khiến những dự án hậu cần nghề cá bị cắt hoặc kéo dài tiến độ đầu tư không mấy hợp lý, dẫn đến sự lãng phí.
Tại công trình mở rộng cảng cá và neo đậu tránh trú bão Thuận An, công nhân làm việc thưa thớt, mặc dù thời điểm này thời tiết đang thuận lợi cho xây dựng. Nhìn thực tế này, những ngư dân lo lắng và sốt ruột hơn cả.
Theo kế hoạch dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Thuận An và neo đậu tránh trú bão được triển khai thực hiện từ 2014 - 2018, phân làm 2 giai đoạn, với tổng kinh phí 178 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương nhưng đến nay mới cấp được 30/39 tỷ đồng cho giai đoạn 1, gồm: các hạng mục như xây dựng đê, kè chắn sóng phía Đông dài 352m, đường dẫn vào cảng, nạo vét vũng neo đậu. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ đầu tư vào năm 2020.
Câu hỏi đặt ra là với sự khắc nghiệt của khí hậu, mưa bão ở miền Trung, liệu các hạng mục đã đầu tư xây dựng có không bị sạt lở, xuống cấp sau 4 năm nữa? Và như thế việc kết nối đầu tư giai đoạn tiếp theo sau năm 2020 liệu có khả thi? Chưa kể, các hạng mục đã xong, với giá trị đầu tư 39 tỷ đồng, nhưng chưa hoàn thiện sẽ phơi mưa, phơi nắng mà không thể đưa vào sử dụng, đó cũng là một sự lãng phí lớn. Trong khi, cảng cá Thuận An cũ luôn trong tình trạng quá tải và đang xuống cấp từng ngày, sau hơn 15 năm đưa vào hoạt động. Thực trạng này càng áp lực hơn, khi 2 năm trở lại đây đội tàu cá xa bờ - công suất từ 90 CV trở lên của TT-Huế đang tăng nhanh từ hơn 300 chiếc, lên gần 700 chiếc.
Thực tế cho thấy, rõ ràng dự án mở rộng cảng cá Thuận An và tránh trú bão là hết sức cấp thiết. Vì vậy, các Bộ ngành Trung ương cần quan tâm để đầu tư dứt điểm, tránh dàn trải, gây lãng phí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!