Chỉ trong một tuần trở lại đây, tại nhiều địa phương liên tiếp đã xảy ra các vụ tai nạn khiến trẻ đuối nước rất thương tâm. Mới đây nhất sáng 14/5, 4 em học sinh bị đuối nước trên đoạn sông Sêrêpốk thuộc địa bàn huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk khi rủ nhau chơi và tắm ở đoạn sông này.
‘ Khu vực các em học sinh tỉnh Quảng Bình gặp nạn hôm 15/5. (Ảnh: Báo Quảng Bình)
Sáng 15/5, hai bé gái trường tiểu học Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội cũng bị đuối nước thương tâm khi rủ nhau vào 1 khu sinh thái gần trường chơi, bị ngã xuống hồ và tử vong.
Cùng ngày 15/5, 2 em học sinh trung học tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã bị nước cuốn đi khi rủ nhau tắm tại cửa biển Nhật Lệ. Đây là vụ đuối nước thứ hai trong vòng một tuần qua tại Quảng Bình. Trước đó, ngày 12/5, hai em nhỏ ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch rủ nhau ra sông Son tắm, cũng đã bị đuối nước, thiệt mạng.
Hầu hết các vụ đuối nước đều xuất phát từ việc trẻ đi bắt ốc, móc cáy, hoặc đi chơi, chụp ảnh rồi tắm ở sông, suối nên xảy chân ngã và bị nước cuốn trôi. Những vụ tai nạn cũng thường rơi vào thời điểm các trường chuẩn bị kết thúc năm học, cho phép học sinh nghỉ tiết; trong khi đó các bậc phụ huynh vẫn nghĩ con em đang học tập, vui chơi ở trường nên không quan tâm quản lý.
Lâu nay, khẩu hiệu và thông điệp về giảm tai nạn thương tích ở trẻ liên tục được phát đi. Cơ quan chức năng năm nào cũng họp đánh giá, tổng kết và rút kinh nghiệm…. nhưng thực tế cho thấy, số trẻ đuối nước vẫn tiếp tục tăng cao. Vấn đề này trở thành nỗi đau, nhức nhối của toàn xã hội.