Hà Nội sau những ồn ào về việc không thực hiện nghiêm quy hoạch là câu chuyện về sự thiếu nhất quán. Nếu như ở vào thời điểm giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã không cho xây quá 5 tầng trong khu vực nội thành. Đến năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không cho xây quá 8 tầng.
Nhưng từ cuối nhiệm kỳ trước như những gì mà báo chí phản ánh thời gian gần đây và chương trình Báo chí toàn cảnh kỳ trước đã đề cập, khu vực nội đô của Hà Nội đã được cấp phép xây dựng những khu chung cư cao tới 50 tầng. Rõ ràng là chính sách thiếu tính nhất quán.
Một điểm lạ trong quy hoạch của Hà Nội, theo phát hiện của báo Tiền phong là đa số các nhà đầu tư được "lập quy hoạch", tự đề xuất quy hoạch chi tiết chứ không phải là cơ quan chuyên môn hay nhà quản lý. Hà Nội đã có quy hoạch chung nhưng đến chi tiết lại không đầy đủ. Và khi nhà đầu tư "lập quy hoạch" cũng có nghĩa là lợi nhuận và lợi ích được tính toán làm sao có lợi nhất cho họ. Thực tế này khiến cho Hà Nội đang nhạt nhòa dần, mất dần bản sắc.
Khi đưa ra những lý do đặc thù, có thể cho phép một hoặc hai dự án điều chỉnh quy hoạch thì được, nhưng đồng loạt thay đổi lại thành câu chuyện khác. Quy hoạch của Hà Nội kể cả quy hoạch lõi đang có vấn đề và đang đi chệch hướng. Báo chí trong tuần khi đề cập đến vấn đề này đã đưa ra nhận định rằng, có lợi ích nhóm ở đây.
Thế nên mới có chuyện một con đường mới mở là đã có "xi nhan" chỉ trỏ bán mua đất đai loạn xạ như Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng thẳn thắn chỉ ra khi ông làm việc với Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội vào tuần trước.
Quy hoạch Hà Nội không được thực hiện nghiêm chỉ phản ánh một phần những bất cập trong công tác quy hoạch hiện nay. Trong tuần này, Bộ trưởng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phản ứng rất bất ngờ và đầy bức xúc tại Ủy ban thường vụ Quốc hội khi dự thảo Luật Quy hoạch được bàn nhiều, đã lấy ý kiến của đủ các thành viên Chính phủ và được Chính phủ biểu quyết thông qua, nhưng khi trình ra Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, đại diện 4 Bộ không đồng tình và còn phản đối.
Trong khi dự Luật Quy hoạch buộc giảm bớt các quy hoạch nhưng một số Bộ lại cứ muốn giữ lại. Bộ Nông nghiệp nói cần có quy hoạch kiểm soát kiểm dịch động vật, nhưng người chủ trì soạn thảo dự Luật này là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng không phù hợp, "Chỉ khi nào có dịch thì lập lên, xong rồi bỏ đi thôi. Ta phải mạnh dạn gạt bỏ những điều không thực sự cần".
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng dẫn chứng là "nếu ở các nước làm luật là do một cơ quan riêng biệt độc lập, không bị chi phối bởi ai thì ở ta, luật do các cơ quan làm, các cơ quan chỉ chủ yếu xem có ảnh hưởng gì đến cơ quan của mình hay không? ảnh hưởng lợi ích của mình hay không, chứ ít theo hướng, thay đổi để tốt hơn cho xã hội".
Báo Đại đoàn kết đã nhắc lại câu chuyện của năm 2008 khi nhiều địa phương đua nhau xây dựng sân golf tại những vị trí "bờ xôi ruộng mật" đẩy người nông dân ra xa cánh đồng. Hội chứng sân golf căng đến mức, Chính phủ đã phải có Quyết định Quy hoạch sân golf đến năm 2020, để chấn chỉnh "một sự thiếu quy hoạch, một sự thiếu tầm nhìn".
Đã đến lúc cần phải có sự đột phá như chính lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói. Thay đổi, giải quyết bất cập sẽ có đụng chạm đến một cơ quan, nhóm người nào đó. Có thể họ chưa hiểu hết nên chưa đồng tình, nên trì trệ. Nhưng quan trọng hơn cả là phải tránh cho được tư duy lợi ích nhóm mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ rõ khi xem xét dự thảo Luật Quy hoạch.
Đó là: "Không thể để tồn tại việc ngành ngành quy hoạch, mỗi tỉnh quy hoạch riêng mà không liên kết với nhau. Một địa phương có kho lại không liên kết với địa phương lân cận. Một nơi có cảng biển, không liên kết để nơi kế bên làm cảng biển nữa. Nó lãng phí, chia cắt không gian hành chính của tỉnh, vùng".
Còn tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra trong tuần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành khá nhiều thời gian để nói về công tác quy hoạch. Thủ tướng cho hay: "Chính phủ sẽ kiểm điểm các Bộ về vấn đề này. Tinh thần của Chính phủ là phải đổi mới, dù đổi mới không phải là dễ nhưng không đổi mới là chết".
Thủ tướng cũng nêu đích danh những bộ, ngành giữ lợi ích cục bộ trong quy hoạch là Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương.
Với tiêu đề Quy hoạch phải trên tinh thần kiến tạo, báo Thanh Niên nhấn mạnh tới yêu cầu của Thủ tướng là việc lập kế hoạch, quy hoạch phải trên tinh thần kiến tạo chứ không phải tiện cho việc quản lý, kiểm soát, kìm hãm, tạo cơ hội xin - cho.
Thông điệp của Thủ tướng đã được đưa ra - theo tờ Đại doàn kết là dù ở bất cứ việc nào cũng phải hướng tới mẫu số chung. Đó là lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia chứ không phải của riêng bộ, ngành, tỉnh thành nào.
Lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân phải luôn được đặt lên hàng đầu, trong đó có sự hoạch định và điều chỉnh chính sách. Trước đó, tại Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng bộ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mạnh mẽ yêu cầu trong tham mưu, đề xuất các chính sách phải tuyệt đối tránh "lợi ích nhóm", chống "tham nhũng chính sách".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!