Trên Youtube, nhan nhản các kênh sản xuất tin tức nhưng không biết ai đứng sau. Có người dẫn, hình cắt hình hiệu đầy đủ, cung cấp mọi thể loại tin tức trong ngày nhưng thông tin đưa ra không ai kiểm chứng, kiểm duyệt.
Thậm chí, có những clip nội dung được cắt ghép từ các bản tin của Đài truyền hình quốc gia nhưng che đi logo, rồi chèn thêm quảng cáo hoặc thêm vào những thông tin không biết là thật hay giả.
Chủ biên cuốn sách mới xuất bản về Mạng xã hội, PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, các nghiên cứu cho thấy: một bộ phận người dùng hiện nay chưa có ý thức trong việc thẩm định thông tin trên mạng xã hội nhưng đã vội vàng chia sẻ.
Khi mà xu hướng đọc tin trên mạng xã hội đang gia tăng thì có một con số đáng lo ngại theo khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và mạng xã hội cho thấy, gần 47% người dùng mạng ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những thông tin vu khống, bịa đặt.
Tin giả có thể núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau như những dòng trạng thái bàn chuyện ô nhiễm tại một địa phương nhưng lại dùng hình ảnh tận bên kia địa cầu, xảy ra từ lâu trong quá khứ hay một bức hình của quan chức cao cấp bị gắn với một phát ngôn gây sốc, mọi người chia sẻ và bình luận mà không quan tâm xem nội dung đó có bị xuyên tạc hay không.
Tạo dựng clip, cắt ghép thông tin không có thật, dùng công nghệ để phát tán nhanh, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đó là những cách mà các đối tượng đang sử dụng để lan truyền những thông tin giả hiện nay trên mạng Internet.
Theo các chuyên gia, các đối tượng xấu sẽ sử dụng các robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm lan truyền rất nhanh những thông tin giả.
Mặt khác, những thông tin giả đều gắn mã độc, khi người xem click vào các đường link, các thiết bị máy tính, điện thoại của người xem sẽ bị kiểm soát dẫn tới thường xuyên nhận được thông tin giả.
Ở một thủ đoạn khác, để tạo niềm tin của người xem, các đối tượng còn tạo dựng những website, tài khoản mạng xã hội với những thông tin đúng trong thời gian đầu nhằm thu hút số lượng người xem nhưng sau đó, các đối tượng sẽ lồng ghép các thông tin giả để người xem không còn phân biệt được đâu thật, đâu giả.
Nghiêm trọng hơn là tình trạng giả mạo các cơ quan, tổ chức. Ví như mới đây, kẻ xấu đã giả mạo trang Facebook của Ban Tuyên giáo Trung ương đưa thông tin sai sự thật.
Mới đây nhất, tại buổi tiếp tiếp xúc với cử tri quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, hiện nhiều trang mạng đưa ra thông tin không chính xác nhưng lại chi phối nhận thức của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Ngay cả bà cũng bị mạo danh, tạo trang cá nhân trên mạng.
Trước thực trạng này, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Nhiều đối tượng tung tin giả mạo, xuyên tạc bịa đặt đã bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Ngoài việc tung tin giả, nhiều đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để đăng tin xuyên tạc, bịa đặt, vu khống chống lại Đảng, Nhà nước. Chỉ riêng năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện 250 trang mạng, blog, gần 500 tài khoản Facebook, 50 kênh Youtube có hành vi này.
Tung tin giả nhưng sẽ bị phạt thật và sẽ có biện pháp để tìm ra tên tuổi cụ thể những người tung tin giả. Đây sẽ là lời cảnh báo cho không ít đối tượng đã, đang và sẽ thực hiện các hành vi sai trái này.
Thực trạng tin giả tấn công cộng đồng đang ngày càng báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa với các nhà cung cấp dịch vụ và những đối tượng xấu.
Còn người dùng mạng xã hội cũng cần phải có kỹ năng và có trách nhiệm cao với mỗi hoạt động của mình, trên tinh thần "thượng tôn pháp luật", phù hợp với chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử, tránh bị cả tin, lôi kéo và mắc bẫy các đối tượng xấu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!