Trong hầu hết các vụ việc, những người trực tiếp gây ra hành vi sai trái đều không có hiểu biết về pháp luật và đều cảm thấy sẽ không bị trừng trị hoặc hình phạt sẽ nhẹ. Một nguyên nhân quan trọng phải kể đến là việc giám sát, quản lý các cơ sở mầm non tư thục các cơ sở trông trẻ, nhóm trẻ gia đình bị buông lỏng nhiều năm nay.
Báo chí cũng nêu một thực tế đó là những em bé bị bạo hành tại các cơ sở giữ trẻ đa phần là con em công nhân nghèo, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Có nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em, nhưng các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn thường xuyên diễn ra. Khi có sự việc xảy ra thì chưa thấy cơ quan, tổ chức nào nhận trách nhiệm về mình. Thực trạng này được tờ Tiền Phong nêu trong bài viết: Bảo vệ trẻ em: Lắm mối đổ lỗi cho nhau.
Trong phiên họp Chính phủ ngày 1/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc bạo hành trẻ em đã lập đi lập lại nhiều lần, vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Tài chính cần sớm tìm kiếm giải pháp để đầu tư xây dựng thêm các trường mầm non bằng cả vốn ngân sách và xã hội hóa, cũng như sớm tổ chức hội nghị bàn giải pháp tổng thể về giáo dục mầm non. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải quan tâm đến nhân cách, đạo đức và trình độ của các cô giáo và người giữ trẻ mầm non. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi bạo hành trẻ em.
Một số vụ bạo hành trẻ em thời gian gần đây:
Một vết cháy hằn sâu trên mặt bé gái chưa đầy 8 tuổi ở Kiên Giang nghi do chính cha ruột của em dùng sắt nung đỏ gây ra.
Công an Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã bắt khẩn cấp một phụ nữ giúp việc nhà bạo hành bé gái chưa đầy 2 tháng tuổi.
Phóng sự điều tra của báo Tuổi trẻ phơi bày thực trạng những người trông giữ trẻ ở 1 cơ sở tư nhân có cái tên rất nhân văn là Mầm xanh, nhưng lại đối xử với các cháu bé tàn nhẫn…
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!