Một trong những em nhỏ xã Tam Dị, huyện Lục Nam rơi vào cảnh chưa có giấy khai sinh, vì có mẹ đã kết hôn với người ngoại quốc.
40 cặp vợ chồng đã ly hôn hoặc trong tình trạng rạn nứt. Nhiều gia đình đầu tiên là tạm vắng bóng bàn tay người mẹ, người vợ trong vài năm, nay thì vắng hẳn... 8 năm, những bức ảnh gia đình anh Nguyễn Xuân Hải, thôn Đông Thịnh, xã Tam Dị, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang luôn chỉ có hai cha con. Ngày chị Lương - vợ anh trở về, tờ giấy chứng nhận gia đình văn hoá đã không còn giá trị. Ly dị vờ để vợ kết hôn với người Đài Loan, đi làm kinh tế giúp gia đình, giờ chuyện giả đã thành thật.
“Nghèo thì có nhau, còn khi giàu thì hết, mỗi người mỗi nơi. Đoạn này người ta gọi là nhà giàu cũng khóc. Giàu để làm gì, giàu mà mất nhau thì để làm gì. Đói mà có cuộc sống bình yên, hạnh phúc mà có nhau còn hơn”, anh Hải xót xa chia sẻ.
Ở xã Tam Dị của anh, những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, những con đường bê tông trải dài đến từng thôn xóm, làng có nhiều ô tô, xe máy hơn. Thế nhưng tại một ngôi làng vốn dĩ rất thanh bình đó đang có những hệ lụy kéo dài để rồi có những mái ấm đã không còn ấm nữa. Hàng trăm đứa trẻ hiện đang không làm được giấy khai sinh.
Ví dụ như một bé tên Gia Linh. Giấy khai sinh của Linh được cấp tại Hàn Quốc, nhưng lại đăng ký dưới cái tên khác, tên người mẹ cũng là tên khác. Vì trước khi bố mẹ Gia Linh lấy nhau, mẹ em đã đăng ký kết hôn với 1 người Hàn Quốc. Tức về mặt luật pháp, bố mẹ em không thể đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho con mình.
Trò chuyện với chúng tôi, một người dân xã Tam Dị chia sẻ: “Do hoàn cảnh, bọn em không có nghề nghiệp gì, ở nhà cũng buồn nên nghe mấy cô tư vấn nói cũng xuôi. Người ta nói chỉ 2-3 năm, người ta sẽ làm ly dị cho mình. Bọn em cũng không biết thế nào, thấy người ta nói thế thì cũng tin như vậy. Nhưng sang đấy mới biết, người Hàn họ lấy vợ muộn và có người không lấy. Biết rồi cũng không làm được gì nữa, người môi giới nói, đường dây bị lộ rồi nên họ trốn, họ không ra mặt nữa”.
Chuyện những cô gái ở Bắc Giang có chồng ngoại quốc trên giấy tờ phổ biến đến mức, gia đình nhà chồng của họ cũng xem đây là chuyện bình thường, họ chấp nhận cuộc hôn nhân của con trai và con dâu không được pháp luật thừa nhận. Về tình trạng này, ông Trần Đình Hương, trưởng thôn Đông Thịnh, xã Tam Dị cũng khá lo lắng: “Cháu thì không có mẹ, cháu thì không có cha, mang lại hậu quả rất lớn cho xã hội. Cứ như thế này vài năm nữa, 5 cô đi, 4 cô bỏ chồng…”.
Xã Tam Dị có tới hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh giống hoặc gần giống với bé Gia Linh - chưa có giấy khai sinh, vì có mẹ đã kết hôn với người ngoại quốc, trong khi chẳng mấy chốc các em sẽ đến tuổi đi học. Còn những ngôi nhà kiên cố, kín cổng cao tường… nhưng chẳng biết đang tồn tại bao nhiêu “rạn nứt”? Những ông chồng chót để vợ ra nước ngoài kiếm tiền bằng con đường kết hôn giả, giờ đang lo ngay ngáy…
Câu chuyện trên chính là hệ lụy của những biến đổi về kinh tế - xã hội tại nhiều làng quê hiện nay. Còn trước mắt, chuyện của hàng trăm em nhỏ nơi đây là làm sao có giấy khai sinh cho các em để các em có thể đến trường khi đến tuổi.
Bộ Tư pháp cho biết, đối tượng người lao động Việt Nam vẫn đang làm việc tại nước ngoài gặp tình trạng trên cần đến Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia này, xin xác nhận tình trạng hôn nhân hiện tại thì mới có thể hợp thức hoá quan hệ hôn nhân với người chồng Việt Nam và khai sinh cho con. Còn với những lao động đã về nước, gia đình phải nhờ sự can thiệp của Toà án nhân dân tỉnh để làm thủ tục ly hôn người chồng nước ngoài và xác định ADN để chứng minh đứa con này không phải là con người chồng theo đăng ký kết hôn mà là của người đàn ông đang chung sống với người mẹ. Sau khi gia đình làm thủ tục nhận cha-mẹ-con thì trẻ mới được đăng ký khai sinh.
Mời quý khán giả theo dõi Video: Kết hôn giả