Ngày 12/12, Thỏa thuận Paris - một thỏa thuận toàn cầu mang tính lịch sử nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu - đã đạt được sự đồng thuận của 195 quốc gia trên thế giới. Đây được coi là bước đột phá sau gần hai thập kỷ đàm phán để đi đến một thỏa thuận chung trong nỗ lực cứu Trái đất. Thế giới hiện nay đã có một hệ thống pháp lý mới ràng buộc các nước tham gia nỗ lực giảm bớt lượng khí thải, đồng thời mang lại những cơ hội cho các nước đang phát triển ít phát thải khí nhà kính nhưng phải chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu như Việt Nam thực hiện các giải pháp giảm thiểu.
Mặc dù là quốc gia đang phát triển, chưa có nghĩa vụ phải cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như: cơ chế phát triển sạch, tiết kiệm năng lượng, trồng rừng....nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và có thể cắt giảm tới 25% nếu có nguồn hỗ trợ quốc tế. Là một trong số ít những quốc gia được dự báo chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam cần một nguồn lực tài chính đủ lớn để thực hiện các giải pháp ứng phó. Việc thực hiện Thỏa thuận Paris là cơ hội cho Việt Nam tiếp cận với các nguồn lực tài chính, kỹ thuật để thực hiện các giải pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Việt Nam, góp phần chống lại những biểu hiện tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.