Sáng nay (5/11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cùng lãnh đạo của nhiều nước đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Hồng Kiều và lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy thương mại cân bằng và bền vững với các nước.
Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất là 1 trong 4 sự kiện đối ngoại lớn nhất của Trung Quốc trong năm nay, do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào tháng 5/2017. Cùng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội chợ lần này có sự tham gia của nhiều nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước, trong đó Tổng thống Czech, Tổng thống Dominica, Tổng thống Kenya, Thủ tướng Croatia, Thủ tướng Ai Cập, Thủ tướng Hungary và Thủ tướng Pakistan. Đây sẽ là hội chợ định kỳ hàng năm, thông qua qua đó, Trung Quốc thể hiện sự ủng hộ đối với tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường với thế giới.
Tính đến năm 2017, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 94 tỷ USD, chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tiếp tục duy trì xu hướng giảm, nếu như năm 2016 giảm trên 13%, năm 2017 giảm gần 19%, nhưng vẫn còn mức gần 23 tỷ USD; còn trong 8 tháng đầu năm nay giảm 3%. Do đó, một trong những ưu tiên của Chính phủ hiện nay là mở rộng thị trường Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là nông sản Trung Quốc. Vì vậy, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần này nhằm tạo thêm xung lực mới cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản vào thị trường hơn 1,3 tỷ người tiêu dùng này.
Cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Khu gian hàng quốc gia Việt Nam - nước tham dự hội chợ trong vai trò quốc gia danh dự, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tỏ ra rất thích thú với các loại hàng thủ công và nông sản của Việt Nam, thậm chí ông còn đề nghị được thử cà phê Việt Nam - một sản phẩm đang trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc, đồng thời khen gạo Việt Nam rất ngon.
Trong số 172 quốc gia và vùng lãnh thổ với 3.600 doanh nghiệp tham dự Hội chợ, Việt Nam có 25 doanh nghiệp thuộc 2 nhóm ngành hàng là nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và dịch vụ công nghệ thông tin. Trong đó, Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro), TH True Milk, gạo Tấn Vương, dừa Lương Quới và FPT trưng bày các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Hội chợ này diễn ra vào thời điểm Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, nhất là nông, thủy sản sang Trung Quốc. Ngoài các sản phẩm sữa, gần đây, hoa quả tươi và gạo cũng đang được xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc, giúp giảm bớt nhập siêu. Chỉ riêng Hapro hiện nay đang giao dịch với hơn 30 khách hàng lớn tại Trung Quốc. Trong đó, năm nay công ty này sẽ tăng gấp đôi lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc lên 26.000 tấn, đạt kim ngạch 18 triệu USD.
Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Hồng Kiều và lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong 40 năm cải cách mở cửa vừa qua, ngoài những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Trung Quốc còn tích cực đề xuất và triển khai nhiều sáng kiến hợp tác nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối khu vực. Thủ tướng cũng đánh giá cao nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới này tổ chức Hội chợ nhập khẩu quốc tế, thể hiện tư duy hợp tác cùng thắng, cùng có lợi trong hợp tác kinh tế, thương mại. Sự kiện này sẽ tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế của khu vực và toàn cầu, bởi trong bối cảnh các tranh chấp thương mại đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi các bên cần đối thoại, tăng cường lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế và hợp tác bình đẳng.
Trước lãnh đạo các nước và hàng nhìn doanh nghiệp từ 5 châu lục tham dự Hội nghị nhập khẩu quốc tế Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau hơn 30 năm đổi mới và sau hơn 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, xếp hạng của Việt Nam về môi trường đầu tư và kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo đã được cải thiện mạnh mẽ. Quy mô xuất nhập khẩu đến năm nay ước đạt 500 tỷ USD và nằm trong nhóm 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới. Và hiện nay Việt Nam cũng đã có 16 Hiệp định thương mại tự do với 60 nước.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh việc Trung Quốc tổ chức Hội chợ nhập khẩu quốc tế là thể hiện sự ủng hộ của nước này đối với tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường với thế giới. Ông cũng khẳng định Trung Quốc sẵn sàng thông qua việc tổ chức Hội chợ nhập khẩu để cùng các nước chung tay xây dựng diễn đàn mới về hợp tác kinh tế thương mại, cùng giữ gìn thể chế thương mại đa phương và toàn cầu hóa kinh tế, thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển theo hướng cởi mở và bao trùm hơn, các bên đều được hưởng lợi, cân bằng và cùng thắng.
Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong 15 năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ các nước khoảng 40.000 tỷ USD, giờ đây, nền kinh tế Trung Quốc là biển cả chứ không phải là một cái ao, và các trận bão có thể làm lật một cái ao chứ không bao giờ lật được biển cả. Vì vậy, dù bất cứ lý do nào đi chăng nữa, tương lai của nền kinh tế Trung Quốc hoàn toàn đáng tin tưởng.
Cũng trong chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và bán lẻ hàng hóa, nông sản. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp của Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, nhất là nông sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!