Việt Nam - Nhật Bản từ tin cậy chính trị tới quan hệ kinh tế sâu sắc

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 11/10/2018 20:58 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

VTV.vn - Đêm 10/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản.

Chuyến công du một nước nhưng đạt được 3 mục tiêu đã góp phần củng cố thêm sự tin cậy chiến lược về chính trị và từ đó tạo nên nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam, cũng như cùng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu.

Đây là năm thứ ba liên tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và dự các hội nghị quốc tế tại Nhật Bản. Vì vậy, Thủ tướng Shinzo Abe luôn gọi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người bạn thân thiết của ông. Đây là điều không thường xảy ra trong quan hệ giữa các nước nhưng cũng dễ hiểu nếu nhìn vào quan hệ giữa hai nước gần đây. Bởi 3 năm qua, ngoài các cuộc hội đàm chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe còn có chuyến thăm phố cổ Hội An sau Hội nghị Cấp cao APEC vào cuối năm 2017. Câu chuyện về Hội An và Chùa cầu đã được Thủ tướng nhiều lần nhắc lại trong chuyến thăm Nhật Bản lần này và coi đây là biểu tượng của mối quan hệ có từ nhiều thế kỷ trước.

Chính từ sự tương đồng về văn hóa và mối quan hệ từ rất lâu đời đã tạo nền tảng cho mối quan hệ rất sâu sắc về kinh tế và tin cậy cao về chính trị giữa hai nước. Điều này được thể hiện qua việc Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam và chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Nhật Bản coi như chuyến thăm chính thức với lễ đón trọng thể.

Sự nồng ấm của quan hệ hai nước còn được thể hiện qua cuộc tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước Mekong. Nhà vua Nhật Bản đã dành thời gian lâu hơn với Thủ tướng Việt Nam để nhắc lại những kỷ niệm về Việt Nam, nhất là tại Cố đô Huế bởi Nhà vua và Hoàng Hậu đã cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân tới thăm mảnh đất kinh kỳ này trong chuyến thăm lần đầu tiên tới Việt Nam. Cuộc gặp đã để lại nhiều cảm xúc về tấm lòng chân thành, sự quan tâm sâu sắc của Nhà vua đối với Việt Nam. Điều này được Thủ tướng coi như một thông điệp về mối quan hệ hết sức tốt đẹp giữa hai nước.

Chủ tịch Hạ viện Tadamori Oshima cũng bày tỏ sự trân trọng tình cảm của các bạn trẻ Việt Nam đối với Nhật Bản. Ông cho biết Hạ viện sẽ lắng nghe ý kiến của nhân dân và xem xét cải tiến những thủ tục nhập cảnh Nhật Bản cho công dân Việt Nam, đồng thời ủng hộ các bạn trẻ Việt Nam theo học tại Nhật Bản. Đây đều là những vấn đề được Thủ tướng nêu ra với lãnh đạo Nhật Bản. Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Chuichi Date khẳng định Quốc hội sẽ ủng hộ Chính phủ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam.

Cùng với tăng cường quan hệ song phương, chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản còn là để cùng với 4 nước Mekong khác nâng tầm mối quan hệ giữa hai bên lên đối tác chiến lược. Các nhà lãnh đạo của 6 nước còn quyết định một chiến lược hợp tác mới giữa Nhật Bản và các nước Mekong trong 3 năm tới. Theo đó, Nhật Bản cam kết tài trợ cho khoảng 100 dự án về xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực và phát triển bền vững cho 5 nước Mekong. Đối với Việt Nam, sau dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, thời gian tới sẽ là sân bay Long Thành và tuyến cao tốc Hà Nội - Vientiane, cùng một số dự án lớn khác sẽ nhận được hỗ trợ từ Nhật Bản. 3 năm qua, riêng Nhật Bản đã dành 7 tỷ USD cho cơ chế hợp tác này.

Bên cạnh các vấn đề về hợp tác chính trị và kinh tế, tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản và tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Shinzo Abe, các nhà lãnh đạo tiếp tục đưa ra thông điệp mạnh mẽ về việc duy trì khu vực Biển Đông dựa trên luật lệ nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không.

Một phần quan trọng trong chuyến công du Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là xúc tiến đầu tư và thương mại. Chỉ hơn 2 ngày, Thủ tướng đã tham dự 5 cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin cùng nhiều cuộc tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản. Thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại các cuộc đối thoại và nhất là tại Hội nghị xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với 1.200 doanh nghiệp Nhật Bản tham dự là hãy tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, công nghiệp điện tử, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và logistic.

Trước đông đảo các nhà doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng cho biết lãnh đạo cấp cao hai nước có mối quan hệ tin cậy chiến lược và là những người bạn thân quý, rất hiểu nhau sẵn sàng hỗ trợ tích cực doanh nghiệp hai nước. Đây là tài sản quý giá của hai nước và đó cũng là tài sản của doanh nghiệp vì sẽ góp phần làm tăng giá trị tài sản của doanh nghiệp hai nước có mối quan hệ hợp tác và đầu tư. Nếu tại cuộc xúc tiến đầu tư năm 2017, số hợp đồng và thỏa thuận được trao lên đến 12 tỷ USD thì tại cuộc xúc tiến năm 2018 giá trị của các hợp đồng và thỏa thuận cũng lên đến gần 10 tỷ USD. Đặc biệt, có những thỏa thuận để đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào chuỗi bán lẻ của Nhật Bản và các nước.

Việc hợp tác với AEON thể hiện Việt Nam và Nhật Bản đang rất nghiêm túc và có tham vọng rất lớn trong việc hình thành những chuỗi cung ứng mới, cả doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đều có vị trí. Ngày 10/10, Bộ Công Thương ký với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sáng kiến xây dựng chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo biến thực phẩm. Qua đó, Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ và tạo môi trường để doanh nghiệp hai nước liên kết và kết nối. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng có nhiều cuộc làm việc với các tập đoàn lớn của Nhật Bản để kêu gọi đầu tư và thúc đẩy triển khai các dự án đã được ký, trong đó có khu đô thị thông minh ở Đông Anh, được cấp phép trong chuyến thăm Nhật Bản giữa năm 2017 của Thủ tướng.

Chỉ hơn 2 ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự hơn 30 hoạt động song phương và đa phương, trong đó hơn một nửa là các cuộc gặp với các tập đoàn kinh tế. Đây có thể coi là chuyến công du "3 trong 1" vì Thủ tướng không chỉ thăm Nhật Bản mà còn dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản và tham dự một đợt xúc tiến thương mại đầu tư có quy mô lớn, nhằm khẳng định việc Việt Nam tiếp tục coi trọng sự hỗ trợ của Nhật Bản trong phát triển cơ sở hạ tầng cũng như thu hút thêm các dự án công nghệ cao để Việt Nam thích ứng được với cuộc Cách mạng 4.0.

Năm 2017, sau hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất mà Việt Nam tổ chức ở Nhật Bản, nước này đã vươn lên thành nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam với số vốn lên tới 9 tỷ USD. Còn trong 8 tháng đầu năm 2018, Nhật Bản vẫn ở vị trí dẫn đầu với 7 tỷ USD. Với 19 thỏa thuận và hợp đồng trị giá gần 10 tỷ USD được trao trong chuyến thăm này, dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì và tăng lên trong thời gian tới và nhiều việc làm sẽ được tạo ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước