Ngài Michel Sidibe, Phó Tổng thư ký LHQ đến thăm Trung tâm chăm sóc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS. (Ảnh: TTXVN)
Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phát động hưởng ứng mục tiêu này của Liên Hợp Quốc. Trong 5 năm trở lại đây, dịch HIV/AIDS tại Việt Nam có xu hướng giảm cả 3 mục tiêu là: số người nhiễm mới; số bệnh nhân chuyển sang AIDS và số người tử vong do AIDS.
Đại diện Liên Hợp Quốc cho biết, để đạt được mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 đòi hỏi mỗi quốc gia phải đạt được mục tiêu 90-90-90 là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục suốt đời; 90% số người được điều trị ARV đáp ứng tốt để không lây nhiễm HIV cho người khác. Việt Nam có khoảng 260.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng, trong đó chỉ có 56% biết tình trạng HIV của họ và tỷ lệ người nhiễm HIV được sử dụng thuốc ARV chỉ 32%.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, vấn đề khó khăn tại Việt Nam hiện nay là thái độ kỳ thị và phân biệt đối sử với người nhiễm HIV/AIDS khiến người nhiễm HIV khó tiếp cận đến các dịch vụ về HIV/AIDS để được chẩn đoán và chăm sóc, điều trị.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án “đảm bảo tài chính bền vững trong phòng chống HIV/AIDS” và cùng Bảo hiểm xã hội đưa việc đưa thuốc ARV vào bảo hiểm y tế. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi từ phòng, chống AIDS dựa vào viện trợ sang huy động và đầu tư đa dạng từ các nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương hay xã hội hóa.