Những ngày qua, vụ việc em học sinh H.L.N (lớp 6.2 Trường THCS xã Duy Ninh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) bị cô giáo chủ nhiệm bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp vì lý do nói tục ngoài sân trường, khiến nạn nhân phải nhập viện đã gây xôn xao dư luận. Sự việc đã phản ánh rất rõ câu chuyện "bệnh thành tích" của các nhà trường, gánh nặng thi đua đặt nặng lên vai học sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Theo các chuyên gia tâm lý, việc em N bị phạt tát 231 cái sẽ gây những tổn thương về thể chất và tinh thần, đặc biệt là khi bị người khác bạo hành trước đám đông sẽ tạo nên cú sốc rất khó vượt qua.
Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Phương Hoa (ĐH Sư phạm Thái Nguyên) cho biết, đối với em N, việc bị tát nhiều cái ngay tại lớp học sẽ khiến trẻ bị tổn thương, thậm chí là mất niềm tin vào những người xung quanh và môi trường đang sống. Việc cô giáo chỉ đạo phạt tát bạn cũng sẽ khiến em N mất cảm giác an toàn khi đến trường, thậm chí mất niềm tin đối với các giáo viên.
Về mặt tâm lý sau cú sốc, nhiều em học sinh sau khi bị bạo hành sẽ có xu hướng sống thu mình, sợ hãi giáo viên và các bạn, cảm giác mất cân bằng trong cuộc sống, không dám vui chơi, nô đùa cùng các bạn vì cảm thấy mình "thua kém", bị đánh trước mọi người. Hoặc nhiều trường hợp học sinh cá tính, sau sự việc rất dễ có xu hướng phản ứng tiêu cực, cáu gắt, khó chịu để đối phó với những người xung quanh, thậm chí sử dụng cả bạo lực để giải quyết vấn đề. Đây chính là hệ quả của việc các em không được giáo dục bằng tình thương và lòng bao dung của thầy cô.
Nguyên nhân gây nên tình trạng này cũng bởi một phần do giáo viên chịu áp lực cao về thành tích thi đua của trường lớp. Không chỉ cô giáo có lỗi, ngay cả nhà trường cũng sẽ phải chịu trách nhiệm khi không có sự định hướng giáo viên, để cô giáo xử phạt học sinh theo cảm tính. Đáng nhẽ, nhà trường cần phát hiện sớm những hành động này của cô giáo, gặp mặt trao đổi để nhắc nhở, kỷ luật thay vì chạy theo thành tích của nhà trường.
Chuyên gia tâm lý cũng nhận định, giáo viên không chỉ là người dẫn dắt, dạy dỗ các em học sinh mà còn là tấm gương để các em noi theo. Dù trẻ có hành vi nói tục hay đánh bạn thì người làm giáo viên cần phải có cách xử lý đúng mực, hòa giải, mềm dẻo để làm thay đổi nhận thức học sinh, thay vì sử dụng đến biện pháp bạo lực.
TS Lê Thị Phương Hoa cũng cho hay, để tâm lý em N được ổn định trở lại, gia đình đóng vai trò rất quan trọng, cần thường xuyên vỗ về, an ủi để mang lại cảm giác an toàn cho trẻ; nên dạy cho trẻ cách bao dung, tha thứ cho lỗi lầm của bạn bè, cô giáo để sớm hòa nhập với cuộc sống.
Ngoài ra, cần theo dõi trẻ sát sao để phát hiện sớm những biểu hiện bất thường về tâm lý như ngủ kém, lo sợ, căng thẳng, giật mình thường xuyên... để khám tâm lý kịp thời. Nếu trẻ cảm thấy sợ hãi và khó hòa nhập trở lại ở trường học thì nên chuyển trường cho trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!