Vượt đèn vàng bị phạt như đèn đỏ gây tranh cãi

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 29/07/2016 19:57 GMT+7

VTV.vn - Nhiều người cho rằng, Nghị định 46 quy định hành vi vượt đèn vàng và đèn đỏ bị phạt tiền như nhau là không đúng so với tính chất của hai màu đèn tín hiệu giao thông.

Tăng mức xử phạt là nội dung chính trong Nghị định 46 và được kỳ vọng là sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, cũng như giảm thiểu tai nạn giao thông. Trong đó, nhóm vi phạm hiệu lệnh tín hiệu đèn, nồng độ cồn, vi phạm tốc độ được thay đổi nhiều nhất. Đây cũng là nhóm hành vi vi phạm mà người tham gia giao thông thường xuyên mắc phải khi lưu thông trên đường.

Theo đó, người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ. Tài xế ôtô vi phạm, mức phạt 2 triệu đồng so với Nghị định 171 hiện hành, lỗi này bị phạt tối đa 1,2 triệu đồng. Người đi môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), vượt đèn vàng bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng.

Người điều khiển ôtô vi phạm về nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3) có thể bị phạt đến 18 triệu đồng (so với mức phạt cũ tối đa 15 triệu đồng).và bị tước GPLX tối đa 6 tháng. Đối với người điều khiển môtô vi phạm lỗi này sẽ bị phạt tối đa 4 triệu đồng (so với 3 triệu đồng trước đó), đồng thời tài xế bị tước GPLX 5 tháng (mức cũ 2 tháng).

Người điều khiển ôtô vi phạm tốc độ vẫn giữ nguyên mức phạt đến 8 triệu đồng nhưng sẽ bị tước GPLX đến 5 tháng. Còn người điều khiển xe máy chạy vượt quá tốc độ trên 20km/h có thể bị phạt đến 4 triệu đồng và tước GPLX 3 tháng.

Người đi môtô, xe gắn máy vào đường cao tốc có thể bị phạt đến 7 triệu đồng, tước GPLX đến 3 tháng. Người đi bộ đi vào đường cao tốc cũng bị phạt tiền đến 200.000 đồng. Người điều khiển ôtô không tuân thủ các quy định dừng đỗ, quay đầu, đi ngược chiều trên cao tốc có thể bị phạt đến 6 triệu đồng...

Nghị định 46 cũng đưa nhiều quy định mới vào khung phạt. Cụ thể, hành vi ném gạch, đất, cát, đá hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ, có thể bị phạt đến 1 triệu đồng; hành vi rải, đổ hóa chất gây hỏng đường bộ bị đến 7 triệu đồng với cá nhân, 14 triệu đồng với tổ chức.

Có thể thấy, mức phạt tiền cho các lỗi vi phạm gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng người điều khiển xe và những người tham gia giao thông xung quanh đều tăng rất nặng, thậm chí là tăng gấp đôi. Tuy nhiên, bên cạnh những chế tài và mức xử phạt rõ ràng, vẫn có những quy định mới trong Nghị định 46 gây tranh cãi trong dư luận.

Vẫn có khá nhiều quy định mà người dân cho rằng gây khó hiểu như: đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại cũng bị phạt, hay cả quy định phạt 3 triệu khi để chân chống quệt xuống. Bên cạnh đó, rất nhiều người cho rằng việc phạt cần có lộ trình. Và cũng nhiều người cho rằng, việc tăng mức xử phạt dễ kéo theo việc sẽ có thêm nhiều tiêu cực.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước