WHO: Chủng cúm H7N9 gây tử vong cao

Kim Xuân -Thứ bảy, ngày 06/04/2013 07:00 GMT+7

Ảnh minh họa

 Theo WHO, chủng cúm H7N9 có độc lực khá mạnh, gây tử vong cao, tương đương với virus cúm H5N1. Nghiên cứu mới nhất cho thấy, virus cúm A/H7N9 có trên chim bồ câu và chưa có bằng chứng nào về sự lây lan từ người sang người.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Việt Nam cho biết, đến thời điểm này đã có 14 trường hợp mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, chủng cúm H7N9 lần đầu tiên xuất hiện trong thời gian gần đây có độc lực khá mạnh, gây tử vong cao, tương đương với virus cúm H5N1.

Các nghiên cứu mới nhất đã tìm thấy virus cúm A/H7N9 trên chim bồ câu và chưa có bằng chứng nào về sự lây lan từ người sang người trong số các trường hợp được xác nhận, bao gồm cả người có tiếp xúc với bệnh nhân. Hiện cơ chế lây lan là qua đường không khí, đường hô hấp, môi trường và những người tiếp xúc với gia cầm.

Bác sĩ Babatunde Olowokure, Trưởng nhóm giám sát và ứng phó bệnh dịch mới nổi, WHO tại Việt Nam cho biết: “Cơ chế lây lan chủ yếu là từ chất thải của gia cầm ra môi trường và từ môi trường lây lan sang người, đặc biệt với những người trực tiếp giết mổ, chế biến gia cầm, nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Bằng chứng là tất cả 14 người mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đều làm công việc liên quan đến giết mổ gia cầm, có các biểu hiện ho, chóng mặt, sốt, khó thở… Do đặc tính của virus cúm là đột biến và biến đổi cao nên thường có độc lực cao và khi đã có bất thường, rất dễ lây lan từ người sang người, tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng cúm A/H7N9 lây từ người sang người”.

Liên quan tới phác đồ điều trị đối với bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, về cơ bản phác đồ điều trị này vẫn chủ yếu bằng thuốc chống cúm Tamiflu.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định, người dân cần tự bảo vệ mình bằng cách giữ vệ sinh bản thân và môi trường. “Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là phòng ngừa, không tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm không an toàn, chỉ sử dụng các sản phẩm đã qua nấu chín. Virus cúm gia cầm được bất hoạt ở nhiệt độ cao qua nấu chín thức ăn. Không có bằng chứng dịch tễ học nào cho thấy người sử dụng sản phẩm gia cầm chín bị lây nhiễm với virus cúm gia cầm”.

Hiện các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới đã cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung Quốc nghiên cứu về cơ chế lây bệnh và độc lực của loại virus này. Các nghiên cứu cho thấy, virus cúm A/H7N9 trong 50 năm qua đã thường xuyên xuất hiện các vụ dịch. Trong 10 năm trở lại đây đã xảy ra 6 vụ dịch có chủng cúm H7N1, H7N2, H7N3… và đến nay là những ca mắc cúm A/H7N9 đầu tiên tại Trung Quốc.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước