WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu: Việt Nam khẳng định có đủ năng lực để kiểm soát dịch bệnh

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 15/03/2020 10:22 GMT+7

VTV.vn - Tại Việt Nam, tinh thần "chống dịch như chống giặc" đã được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nhiều lần trong những cuộc họp về dịch COVID-19.

Chủ đề nổi bật nhất trên các mặt báo, chiếm trọn sự quan tâm, theo dõi của toàn xã hội trong tuần này vẫn là COVID-19, dịch bệnh mà WHO đã phải chính thức tuyên bố là Đại dịch toàn cầu vào giữa tuần. Đến nay, dịch bệnh lan rộng đến hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 150.000 người mắc phải, hơn 5500 người tử vong. Thế giới thật sự đang điêu đứng vì COVID-19.

Còn ở Việt Nam, sau khi chữa khỏi cho 16 ca đầu tiên, những ngày qua, Việt Nam lại ghi nhận thêm những ca mắc mới. Gần 2 tháng qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Việt Nam đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, với nhiều giải pháp mạnh, hành động quyết liệt và trách nhiệm.

Tinh thần "chống dịch như chống giặc" được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại trong tất cả các cuộc họp về dịch COVID-19. Và trong cuộc họp mới nhất của thường trực chính phủ với với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch vào ngày 13/3, Thủ tướng một lần nữa khẳng định Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh dù những ngày tới, số ca nhiễm có thể tăng lên.

Một quan điểm nhất quán của Chính phủ được Thủ tướng nhắc lại trong cuộc họp này, đó là Việt Nam chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân. Sức khỏe người dân là điều quan trọng nhất. Chính phủ cũng đặt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội, giữ ổn định xã hội, không để thất nghiệp xảy ra.

Không chỉ trong cuộc họp này, trong các cuộc họp của Thường trực Chính phủ trước đó, Chính phủ luôn lo lắng và đặt vấn đề bảo vệ sức khỏe của nhân dân lên trước tiên. Và tinh thần "vì dân" ấy đã được tiếp nối, lan tỏa đến tất cả các bộ ngành, địa phương trong cả nước.

Các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã hành động kịp thời, quyết liệt để bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân. Nhưng để chiến thắng được dịch bệnh này, thì không thể không có cần sự góp sức và cũng là ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân. Đó là gì? Là tự bảo vệ mình, sàng lọc, tiếp nhận thông tin tỉnh táo, tránh hoang mang, lo sợ quá mức; chấp hành tốt hướng dẫn phòng bệnh của ngành y tế.

Trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội cũng là một trong những vấn đề mà nhiều tờ báo dành "đất" bàn luận khi viết về dịch COVID-19, bởi nó không đơn giản chỉ là câu chuyện riêng lẻ của một vài cá nhân. Như trường hợp bệnh nhân số 17 trên chuyến bay VN0054 là ví dụ điển hìn, vì thiếu trách nhiệm, thiếu trung thực khi khai báo y tế mà đã để lại những hậu họa nặng nề, chưa thể đong đếm được cho đất nước và xã hội.

Trong khi cả nước đang nỗ lực gồng mình ngăn chặn dịch bệnh lây lan thì một số người từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam lại khai báo gian dối, trốn, né hoặc không tuân thủ quy định cách ly…, khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Một khía cạnh khác cũng cần được nhắc tới trong thời điểm này khi bàn về trách nhiệm xã hội, đó chính là việc chúng ta đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin về dịch COVID-19 trên các trang mạng xã hội. Nhiều người do thiếu tỉnh táo, thiếu hiểu biết đã góp nhặt, chia sẻ những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, chưa được kiểm chứng, thậm chí là thông tin của các trang mạng phản động.

Bên cạnh đó có những trường hợp câu view, câu like, tăng sự tương tác, thể hiện cái tôi của mình và phục vụ cả việc… bán hàng online. Chỉ riêng trong đợt dịch này, Bộ Công an đã làm việc với hơn 650 trường hợp đưa tin sai sự thật. Thế nên, có ý kiến cho rằng, ngoài việc chiến đấu với đại dịch COVID-19, chúng ta còn phải đối phó với đại dịch tin giả, với những tác hại khôn lường.

Tờ Lao động gọi đây là Cuộc chiến chống virus dưới bàn phím, đi kèm với hình ảnh cơ quan công an làm việc với một số đối tượng tung tin giả. Tờ báo bình luận: quan trọng hơn cả, vẫn là người tiếp cận thông tin. Phải là người dùng mạng xã hội thông minh, tỉnh táo, biết nhận định những thông tin không chính xác để không lan truyền những thứ độc hại. Nói không với tin giả cũng là chung tay chống dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước