Xã hội hóa đầu tư để giải bài toán nước sạch tại Hà Nội

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 31/10/2019 10:58 GMT+7

VTV.vn - Trong điều kiện ngân sách hạn chế, việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất từ nguồn nước mặt sông được xem là lời giải cho bài toán nước sạch của Hà Nội.

Theo quy hoạch cấp nước của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giai đoạn đến năm 2020, đầu tư cho sản xuất và cung cấp nước sạch sẽ vào khoảng 50.000 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách hạn chế, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt được xem là lời giải hợp lý. Nhà máy nước mặt (NMNM) sông Đuống, sông Đà, sông Hồng và Xuân Mai là 4 dự án sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt đã được Hà Nội kêu gọi tham gia xã hội hóa. Các nhà máy nêu trên đều đã được triển khai với mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, NMNM sông Đuống và sông Đà đã đi vào hoạt động và đã cấp nước cho hàng trăm nghìn hộ dân của thủ đô.

Xã hội hóa đầu tư để giải bài toán nước sạch tại Hà Nội - Ảnh 1.

TP. Hà Nội giải bài toán nước sạch bằng chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nước sạch

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty nước mặt sông Đuống cho biết với tổng công suất sau khi khánh thành giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm thì NMNM sông Đuống hiện đang cung cấp khoảng hơn 130.000-140.000 m3/ngày đêm, phục vụ được khoảng hơn 1 triệu dân. Theo ông Hùng, khi nhu cầu dùng nước cao hơn thì NMNM sông Đuống có thể sản xuất tăng công suất của nhà máy lên 20%, tương ứng với cấp thêm cho 2-3 triệu dân nữa.

Xã hội hóa đầu tư để giải bài toán nước sạch tại Hà Nội - Ảnh 2.

Là một trong các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư nước sạch, NMNM sông Đuống có thể cấp phát cho khoảng 3 triệu dân thủ đô khi nhu cầu lên cao

Là chủ trương đúng đắn, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư nước sạch cũng cần cân nhắc cả trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư bên cạnh các yếu tố về năng lực và mục tiêu lợi nhuận. Theo đó, bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, cho rằng cần lựa chọn các doanh nghiệp có đủ điều kiện, đặc biệt là điều kiện về tài chính, con người, công nghệ. Và phương thức tham gia xã hội hóa sẽ là đấu thầu công khai minh bạch.

Trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực sản xuất nước sạch đi liền với việc quản lý, giám sát chất lượng nguồn nước và lưu lượng nước cấp cho người dân. Tại NMNM sông Đuống, doanh nghiệp đã tự đầu tư các trạm quan trắc để giám sát chặt chẽ các quy trình xử lý.

Xã hội hóa đầu tư để giải bài toán nước sạch tại Hà Nội - Ảnh 3.

NMNM sông Đuống chủ động xây dựng các trạm quan trắc để phối hợp giám sát chặt chẽ các quy trình xử lý nước

Ông Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định: "Phải có hệ thống về mặt công cụ để cùng với nhà sản xuất quan trắc cảnh báo trước những rủi ro, nguy cơ có thể gây đến ô nhiễm nguồn nước, nếu như có sự phối hợp như thế thì tôi cho rằng chính quyền sẽ hỗ trợ rất tích cực và có hiệu quả cho các đơn vị sản xuất và cung cấp nước."

Nước được xem là một loại hàng hóa, dịch vụ công, do đó, khi doanh nghiệp tham gia xã hội hóa thì cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương để giám sát chặt chẽ, sao cho người dân được sử dụng loại dịch vụ công này một cách hiệu quả. Theo các chuyên gia, chính quyền địa phương sẽ phải tham gia cùng với nhà sản xuất giám sát quy trình kỹ thuật và công khai chất lượng nước đầu vào và đầu ra. Chính quyền địa phương cũng cần duy trì các công cụ pháp luật để đảm bảo cho hệ thống sản xuất, kiểm soát chất lượng và dự phòng của các nhà máy hoạt động hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước