Quy trình xử lý bùn đất nhiễm dioxin và hệ thống ống thu gom nước và khí sau khi tẩy rửa. Ảnh: VTC
Theo USAID, tính đến thời điểm này, việc thi công hệ thống bể chứa đất ô nhiễm cần xử lý đã đạt hơn 50% khối lượng công việc và hơn 3.200 m3 đất, bùn bị ô nhiễm dioxin đã được tập kết tại sân phơi trước khi đưa vào xử lý giai đoạn 1. Các hạng mục khác phục vụ cho hoạt động xử lý cũng đang được xúc tiến thi công. Đặc biệt, USAID vừa ký hợp đồng thứ ba và cũng là hợp đồng cuối cùng để thực hiện xử lý nhiệt. Tất cả các nhà thầu cũng đã có mặt trên công trường nhiều tháng qua để thực hiện phần việc của mình, đảm bảo tiến độ dự án.
Ông Joakim Parker, Giám đốc cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: “Tôi rất hài lòng với sự hợp tác giữa các bên, trong đó có Bộ Quốc phòng Việt Nam, với cơ sở đó thì dự án đang đi đúng tiên độ, dự kiến hoàn thành vào 2016”.
Theo cơ quan thực hiện dự án, quá trình xây dựng hạ tầng, hệ thống xử lý đất, bùn ô nhiễm dioxin sẽ hoàn tất trong năm nay. Sang năm 2014, dự án sẽ chính thức bước vào xử lý giai đoạn 1, sau đó cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành lấy mẫu đất đã xử lý ở giai đoạn 1 để khẳng định hiệu quả xử lý. Giai đoạn 2 của việc xử lý sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2015 và 2016.
Thiếu tướng Lê Huy Vịnh, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng cho biết: “Chúng tôi đã có định hướng theo hàng năm, từng năm, hàng tháng đều giao ban đánh giá kết quả thực hiện, đề ra nhiệm vụ tiếp theo. Chúng tôi cho rằng, cách hợp tác như vậy là chặt chẽ, hiệu quả”.
Hiện 6 khu vực thuộc sân bay quốc tế Đà Nẵng nằm trong căn cứ quân sự được xác định là có hàm lượng dioxin cao cần phải xử lý, các khu vực khác ở sân bay mà hành khách có thể tiếp cận dễ dàng thì không bị nhiễm. Hơn nữa, qua các phân tích, không có khu vực nào bên ngoài toàn bộ chu vi sân bay có hàm lượng dioxin cao cần xử lý.
Dự kiến sẽ có khoảng 73.000 m3 đất và bùn ô nhiễm được làm sạch bằng công nghệ hấp thu nhiệt, dự án sẽ kết thúc vào cuối năm 2016.