Theo TS. Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng: thông thường các vết nứt bê tông chỉ xuất hiện trong vòng 3 năm sau khi đổ bê tông. Việc vết nứt xuất hiện sau nhiều năm như thế này là tương đối hiếm và cần kiểm tra kỹ vì sao sau 4, 5 năm lại có những vết nứt.
Vết nứt trên cầu Vĩnh Tuy là vết nứt dọc theo trụ cầu. Loạt vết nứt dọc thông thường thì không nguy hiểm. (Nứt xiên, nứt chéo là nghiêm trọng và cần báo cáo ngay). Tuy nhiên, độ mở vết nứt trên cầu Vĩnh Tuy đã quá giới hạn để bảo vệ được an toàn cốt thép (gần 2mm - trong khi quy phạm cho phép chỉ là 0,3-0,4 mm), nguyên nhân gây nứt cần các đơn vị tư vấn có trình độ cao để đánh giá.
Bởi vậy, Bộ Xây dựng đã phải vào cuộc và yêu cầu yêu cầu Sở Giao thông vận tải Hà Nội phải thuê cơ quan tư vấn độc lập đánh giá tình trạng của cây cầu. Việc đầu tiên là đánh giá tại thời điểm hiện tại các vết nứt có nguy hiểm tới an toàn công trình không và có cho phép lưu thông tiếp hay không. Đến cuối tháng 3, sẽ có kết quả kiểm định của đơn vị tư vấn độc lập về tình trạng chung của cầu Vĩnh Tuy. Một số chuyên gia đầu ngành ngành cầu đường của thế giới từ Nhật Bản cũng sẽ sang Việt Nam để kiểm tra, phản biện kết quả của đơn vị tư vấn độc lập, từ đó đưa ra kết luận xử lý.
Về vấn đề các vết nứt có từ năm 2010 mà hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân, theo ông Hùng đây là thiếu sót của đơn vị chủ quản lý sử dụng (sở GTVT HN), cho rằng vết nứt nhỏ, chỉ cần theo dõi thêm, không cần báo cáo.