Người dân cho biết, 2 xưởng gỗ gây ô nhiễm này chuyên tận dụng các phế phẩm gỗ công nghiệp bỏ đi để làm nguyên liệu đốt lò. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của hàng hộ dân địa phương.
Phóng viên VTV đã đặt câu hỏi cho lãnh đạo UBND Long Xuyên rằng: Tại sao lại để 2 xưởng gỗ gây ô nhiễm hoạt động trong suốt nhiều năm qua mà không giải quyết được?
Lý giải về thực tế trên, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội cho hay: "Vì 2 xưởng sản xuất này là nơi tráng ván để cung cấp toàn bộ nguyên liệu cho hơn 100 hộ sản xuất kinh doanh. Nếu 2 xưởng này ngừng hoạt động, toàn bộ hơn 100 hộ sản xuất kinh doanh tại địa phương không có nguyên liệu để sản xuất, cũng có cái khó cho địa phương. Ngoài ra, Nếu 2 xưởng gỗ đóng cửa sản xuất, tất cả hơn 100 hộ trong địa phương sẽ không có công ăn việc làm".
Như vậy, địa phương đang chấp thuận đánh đổi ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để lấy việc làm. Nhưng những thiệt hại hàng ngàycác hộ dân bị khói bụi ô nhiễm phải gánh chịu, cũng những bệnh tật phát sinh do ô nhiễm thì các hộ sản xuất có gánh chịu hay không?
Cũng theo người dân địa phương, 2 xưởng gỗ này hoàn toàn có thể sử dụng điện hoặc gas để vận hành lò ép gỗ nhằm hạn chế thấp nhất ô nhiễm cho môi trường nhưng họ đã chọn cách tiết kiệm chi phí, không màng đến người dân. Vấn đề ô nhiễm không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, mà còn tiếp tục gây nguy hại khi sản phẩm hoàn thiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!