Ý nghĩa nghi thức “Bông hồng cài áo” mùa Vu Lan

V.A (Tổng hợp)-Thứ năm, ngày 11/08/2016 12:33 GMT+7

Cài hoa hồng lên áo trong ngày lễ Vu Lan thể hiện lòng biết ơn, kính trọng tới đấng sinh thành. (Ảnh: vomedia)

VTV.vn - Nghi thức “Bông hồng cài áo” được xem là một phần nghi thức quan trọng, trở thành nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong ngày lễ Vu Lan.

Vu Lan báo hiếu là lễ hội văn hóa tâm linh có từ lâu đời trong truyền thống của Phật giáo được tổ chức vào tháng 7 âm lịch (15/7) hàng năm. Mùa lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở mỗi người con trong gia đình phải hiếu thuận với cha mẹ, đong đầy thêm tình cảm hiếu đễ, lòng biết ơn tổ tiên, cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước.

Trong dịp lễ này có một nghi thức đặc biệt, thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành, đó là nghi thức “Bông hồng cài áo”.

Nghi thức cài bông hồng lên áo được xem là một lễ hội đối với người Việt nói chung và giới Tăng Ni, Phật tử nói riêng, thường được tổ chức trong ngày lễ Vu Lan ở các ngôi chùa. Tuy nhiên, buổi lễ này không chỉ dành cho Phật tử mà tất cả mọi người không theo đạo vẫn có thể tham dự.

Nghi thức “Bông hồng cài áo” xuất phát từ ý tưởng của GS. TS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc TT Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam. Ý tưởng này được lấy từ áng văn về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, viết vào năm 1960.

Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư thấy lạ khi người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của hành động này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông hồng cài áo” vào năm 1962.

Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến những người làm cha, làm mẹ.

Với ý nghĩa đó, mỗi mùa lễ Vu Lan, nhiều người Việt đều cài một bông hoa hồng trên áo. Bông hồng màu đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng trắng cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời.

Cũng từ đó, nghi thức “Bông hồng cài áo” trong ngày Vu Lan được phổ thông hóa và trở thành ngày lễ trong Phật giáo, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt, hữu hiệu trong việc giáo dục mỗi con người về lòng hiếu thảo và tình người.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước