Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Bình, nơi đưa ra quyết định loại 80 giáo viên từ biên chế sang hợp đồng. (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)
Tại sao lại có sự dôi dư giáo viên nhiều đến thế tại một tỉnh miền núi. Tại sao cùng một lúc UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái lại ra quyết định quyết liệt với ngần ấy con người. Nhóm phóng viên thời sự đã tìm hiểu câu chuyện từ phía các giáo viên và cả những nhà báo theo dõi vụ việc từ đầu để làm rõ hơn câu chuyện này.
Tiếp xúc với phóng viên, các cô giáo ở huyện Yên Bình đã cung cấp hình ảnh được ghi lại tại một trong các buổi họp, chính xác hơn là buổi làm công tác tư tưởng thông báo về việc hủy biên chế của họ. Lý do đơn giản và chung chung là: Tuyển dụng sai.
Tại các cuộc gặp này, lãnh đạo huyện Yên Bình muốn thuyết phục các giáo viên ký vào hợp đồng lao động mới bằng cách khẳng định rằng, những người chịu trách nhiệm tuyển dụng sai trước kia đã bị kỷ luật.
Lãnh đạo huyện Yên Bình nói: “Quy trình tuyển dụng thì không sai, nhưng đối tượng tuyển dụng vào vùng đó là sai, chính vì vậy mà những người làm việc đó đã bị xử lý. Các đồng chí làm thế nào thì làm, hôm nay đồng chí nào ký thì ký, còn không ký tôi sẽ ghi lại báo cáo cấp trên”.
Liên quan đến vụ việc này, Tỉnh uỷ Yên Bái đã thành lập đoàn kiểm tra, kết quả là 16 cán bộ liên quan bị kỷ luật. Thế nhưng kết quả kỷ luật đã làm tất cả mọi người bất ngờ, đặc biệt là Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người đã theo dõi và có nhiều loạt bài viết về vụ việc này.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói: “Tôi quá ngạc nhiên và tôi cũng không đánh giá nữa, tôi sợ mang tiếng hồ đồ, tôi xin trích công văn của ông Lê Văn Lương, Chủ tịch huyện và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gửi tới tôi: Có 16 người bị xử lý kỷ luật, nhưng kết quả là, ông Phó Chủ tịch huyện bị kỷ luật thì lên làm Chủ tịch huyện, ông Bí thư Huyện uỷ lên làm Phó Chủ tịch tỉnh, ông Trưởng phòng Nội vụ sau khi bị kỷ luật lên làm Phó Chủ tịch chính cái huyện đó để xử lý vụ việc”.
Người bị kỷ luật thì lên chức, chỉ còn lại các giáo viên phải gánh chịu hậu quả. Ra khỏi biên chế nhà nước nghĩa là cuộc sống sẽ bấp bênh hơn, lương và những quyền lợi, chế độ khác cũng sẽ thay đổi. Và đặc biệt, tâm huyết sau nhiều năm bám trường vùng cao của các thầy cô bị tổn thương nghiêm trọng.
Cô giáo Nguyễn Thuỳ Yến bức xúc: “Các cấp lãnh đạo đưa chỉ tiêu xuống thì chúng tôi thực hiện theo, các cấp lãnh đạo nghiên cứu công văn sai, sao bây giờ lại đổ cho chúng tôi chịu hậu quả đó”.
Cô giáo Nguyễn Huyền Sâm nói: “Lãnh đạo cứ thuyết phục chúng em là ra hợp đồng là hợp lý. Nhưng em chỉ thấy hợp lý với lãnh đạo thôi, chứ với chúng em thì không hợp lý chút nào”.
Qua điều tra của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, huyện Yên Bình đã nhận thừa tới 212 giáo viên và các thầy cô giáo ở đây chỉ có thể hiểu, việc huyện hủy biên chế với 80 người trong số họ là một trong những động thái để giải quyết hậu quả.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Lao động cho rằng: “Chúng ta đã có cơ chế quản lý giám sát thế nào để người ta nhận thừa, tại sao người ta nhận thừa vì lợi ích của người ta, vì những trò tham ô tham nhũng, những trò ma quỷ của người ta… chúng ta nói sau. Nhưng khi đã xảy ra rồi thì không thể đổ cái sai lầm ấy lên đầu người khác bằng cách đơn phương, tôi nói là đơn phương đẩy họ ra khỏi biên chế. Cần phải tôn trọng họ. Họ là những kỹ sư tâm hồn, là những người được đào tạo, tuyển dụng đúng quy trình, họ là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là người đóng góp 15 năm cho chính cái huyện đấy rồi. Nếu đó là vợ bạn, là em gái bạn thì bạn nghĩ sao?".
Ngày 8/1, một cô giáo trong số 80 cô bị ép ra khỏi biên chế đã điện thoại cho phóng viên: 79 trên tổng số số 80 giáo viên đã đồng ý với phương án mà lãnh đạo huyện đưa ra, họ chấp nhận ký hợp đồng, nghĩa là chấp nhận sự bất công để có việc làm, sự công bằng và lòng tự trọng đôi khi phải nhường chỗ cho những giá trị khác thiết thực hơn. Người duy nhất không ký và tất nhiên là phải nghỉ việc, đó là người đã gọi điện cho phóng viên, chị chấp nhận ở nhà phụ giúp gia đình sau gần 10 năm đứng trên bục giảng.