Trời mưa, đường trơn, những bậc thang lên núi cao không cản bước chân của những du khách hành hương về Lễ hội Yên Tử, Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh để chiêm bái và tỏ lòng tôn kính với Phật hoàng Trần Nhân Tông.
“Chưa đến Yên Tử thì chưa đến đất Phật”. Câu nói ấy đã được thực chứng từ hơn 700 năm nay và bất kỳ ai cũng cảm nhận được điều đó sâu sắc hơn khi đến lễ hội Yên Tử. Không quản ngại thời tiết và đường sá, dòng người từ Nam ra Bắc, từ già đến trẻ đổ về đất Phật để cảm nhận không gian tâm linh đầu xuân, thắp nén nhang cầu an và tưởng nhớ đến vị Vua đã rời bỏ ngai vàng, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm mang đậm bản sắc Việt Nam - một di sản tín ngưỡng giá trị của dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Thiện, huyện Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng nói: “Đến đây chúng tôi thấy một dân tộc Việt Nam hướng đạo, đoàn kết. Và chúng tôi cảm nhận được gương mặt từ các cụ già đến con trẻ ai cũng hào hứng tươi vui, hướng về cõi linh thiêng”.
Ban tổ chức lễ hội cho biết, từ đầu xuân Quý Tỵ đến nay, Yên Tử đã đón hơn 300.000 lượt du khách thập phương. Lường trước lượng khách có thể lên tới con số vài triệu trong mùa lễ hội năm nay, nhất là sau khi Khu di tích danh thắng Yên Tử được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, Thành phố Uông Bí và các ban ngành tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị một số phương án để tổ chức và quản lý lễ hội một cách trật tự, an toàn, lành mạnh.
Ông Nguyễn Thành Phố, Chủ tịch UBND Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Để đảm bảo vệ sinh môi trường, chúng tôi huy động rất đông lực lượng thu gom rác khỏi khu di tích ngay trong ngày. Chúng tôi đầu tư và huy động hàng trăm hướng dẫn viên du lịch từ Sở Văn hóa và các trường Đại học Văn hóa để hướng dẫn du khách hiểu hơn về giá trị của Yên Tử”.
Quy hoạch tổng thể Khu di tích danh thắng Yên Tử vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tiền đề quan trọng để tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của Yên Tử - Trung tâm phật giáo của Việt Nam đang được lập hồ sơ trình UNESCO xét công nhận là Di sản thế giới.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá, xuân Nhâm Thìn, lễ hội Yên Tử là một điểm sáng trong khâu tổ chức lễ hội. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, số lượng hòm công đức - hòm giọt dầu tại các chùa thuộc khu Yên Tử được đặt quá nhiều, gấp nhiều lần so với Quy định của Bộ Văn hóa là tối đa ba hòm tại một điểm di tích.