Ảnh: Nhóm PV, BTV, cộng tác viên Đài THVN thường trú tại Mỹ đang thực hiện cuộc GLTT với độc giả VTV.vn. Trưởng Văn phòng đại diện - PV Đức Hoàng (giữa), PV Lê Minh (ngoài cùng bên phải), quay phim Tô Dũng (ngoài cùng bên trái).
Cuối tháng 4/2009, nhóm PV Ban Thời sự Đài THVN gồm nhà báo Đức Hoàng, Lê Minh và Tô Dũng đã lên đường sang Mỹ để thực hiện nhiệm kỳ công tác đầu tiên. Những ngày đầu đặt chân lên đất Mỹ, mọi thứ đều bỡ ngỡ với họ, trong đó có việc thích ứng với việc lệch múi giờ 12 tiếng. Ngay thời điểm đó, dịch cúm ở Mỹ đang có chiều hướng lan rộng nhưng thẻ hành nghề, văn phòng, ô tô đều chưa có... nên nhóm đã không có điều kiện tác nghiệp ngay.
Mọi khó khăn cũng dần qua, đến nay, văn phòng thường trú đã ổn định và đi vào hoạt động khá hiệu quả. Suốt 3 năm qua, ngoài việc theo dõi các sự kiện tại Mỹ được cả thế giới quan tâm thì mảng thông tin cộng đồng Việt kiều cũng được phóng viên chú trọng và truyền đạt bằng những phóng sự nóng hổi, cập nhật kịp thời.
Việc đặt nền móng hoạt động cho một cơ quan báo chí vô cùng vất vả, may mắn là những người của VTV đầu tiên có “biên chế” trong Văn phòng thường trú tại Mỹ đã nỗ lực để xây dựng được mối quan hệ thật tốt với các cơ quan sở tại và các cơ quan Việt Nam tại đây.
Tết Nhâm Thìn này là Tết thứ 3 trên đất Mỹ của các phóng viên thường trú. Họ sẽ đón Tết trên đất bạn ra sao? Những chuyện hậu trường tác nghiệp tại Mỹ?... sẽ được Nhà báo Đức Hoàng, PV Lê Minh, quay phim Tô Dũng chia sẻ trong buổi GLTT với độc giả VTV.vn vào 9h ngày 17/1.
Mời quí vị đặt câu hỏi cho nhóm Phóng viên thường trú của Đài THVN tại Mỹ ngay từ bây giờ tại ô “Ý kiến bạn đọc” dưới đây.

‘ Trưởng Văn phòng đại diện Đức Hoàng
Hoàng Minh Trường: Anh Đức Hoàng có thể chia sẻ về kỉ niệm mà anh nhớ nhất trong thời gian tác nghiệp tại Mỹ?
Nhà báo Đức Hoàng: Thay mặt anh em cơ quan thường trú tại Mỹ, tôi xin được cảm ơn tất cả các bạn, những bạn đang theo dõi chúng tôi hàng ngày qua truyền hình, đó là sự động viên giúp chúng tôi luôn phấn đấu để làm việc. Tết đến, xin chúc các bạn luôn có sức khỏe, nhiều niềm vui.
Kinh nghiệm thì nhiều lắm! có lẽ tôi chỉ kể 1 kỷ niệm mà tôi muốn chia sẻ. Đó là khi dàn nhạc giao hưởng việt nam biểu diễn ngay giữa thành phố NY của nước Mỹ. Tôi đã khóc. Khi đó giàn nhạc ta chơi bài Lý con sáo để tạm biệt khán giả. Nó làm tôi bật khóc. Khóc như 1 đưa trẻ đến mức các bạn Mỹ ngồi cạnh phải hỏi sao tôi lại khóc. tôi nói rằng nó làm tôi nhớ đến ngày bé mẹ tôi thường hát ru tôi bài này và em tôi nữa. Và tôi không thể kìm lòng được khi giữa nước Mỹ mà được nghe lại bài ấy với một không gian âm nạhc kinh điển. Nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, bạn bè và đất nước trào dâng trong tôi.
Leona: Xin chào phóng viên Lê Minh! Vợ và 2 con anh cũng được sang Mỹ chứ ạ? 2 bé giai nhà anh năm nay bao nhiêu tuổi rồi? cho con sang đó liệu có sợ môi trường Mỹ sẽ quên văn hóa của Việt Nam không anh?
Phóng viên Lê Minh: Chào bạn! Cũng xác định là có nhiều khó khăn giai đoạn đầu, nhưng vì cũng thấy nếu không có người trợ giúp thì cũng sẽ còn khó khăn hơn nên mình quyết định đưa cả vợ và hai con trai theo. Hiện cháu thứ nhất đã 8 tuổi và cháu thứ 2 năm tuổi. Việc duy trì cho các cháu giữ gìn văn hóa, tiếng nói dân tộc Việt Nam luôn là yêu cầu và là yếu tố tất yếu tất cả các anh em luôn chú trọng. Cám ơn bạn!
Như An: Cháu chào chú Đức Hoàng! Cháu biết chú là một nhà báo nổi tiếng của VTV. Cháu cũng rất muốn trở thành một nhà báo và theo đuổi con đường này. Chú có thể chia sẻ với cháu một chút kinh nghiệm để thành công như chú được không ạ? Chú ăn tết bên đó vui vẻ nha. Cháu cám ơn chú nhiều!
Nhà báo Đức Hoàng: Cảm ơn bạn! Tôi nghĩ rằng nghề báo cũng như tất cả các nghề khác. Nghề nào cũng đòi hỏi phải có đam mê. Nếu bạn không đam mê công việc mình đang làm thì chắc chắn bạn khó đạt đến thành công bằng chính năng lực của mình. Nghề báo cũng chứng kiến cảnh bao nhà báo bỏ nghề, đài THVN cũng chứng kiến nhiều người làm ở đài rồi cũng đi nơi khác (tất nhiên tôi muốn nói đến người rời đài để đi làm nghề khác). Tôi vẫn đam mê nghề báo và tôi luôn cố gắng để trở thành 1 người làm báo có ích cho xã hội.
Kiều Trang (Hà Nam): Em xin gửi 2 câu hỏi cho các anh là: Cường độ làm việc của các anh bên đó có căng thẳng không? Mỗi khi mệt mỏi, các anh xả stress như thế nào?
Quay phim Tô Dũng: Cảm ơn bạn. rất căng thẳng. Mỗi khi stress mình thường chơi thể thao
Diễm Hằng: Anh Tô Dũng có thể chia sẻ về lần tác nghiệm mà anh ấn tượng nhất?
Quay phim Tô Dũng: Lần tác nghiệp ấn tượng nhất của mình là vào mùa đông năm ngoái. Đúng vào đợt bão tuyết lịch sử của nước Mỹ. Hôm đó trời rất lạnh, gió to và tuyết rất dày tới 1m.
Đào Vũ: Khó khăn mà các anh gặp phải khi thường trú tại Mỹ là gì? nhân dịp năm mới chúc các anh luôn mạnh khỏe và công tác tốt.
Nhà báo Đức Hoàng: Khó khăn làm báo ở Mỹ đó là chúng ta là một Đài còn nhỏ. Ở Mỹ có lẽ là đất nước tập trung nhiều hãng thông tấn, các kênh truyền hình lớn nhất thế giới. Chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để có thể tìm kiếm được một chỗ đứng (để người ta biết đến) dù là rất nhỏ thôi. Đó là một khó khăn. Khó khăn nữa là nước Mỹ rộng lớn quá. Mỗi Bang gần như một quốc gia với rất nhiều đặc thù riêng và những vấn đề liên quan đến thời sự cũng trải rộng trên toàn nước Mỹ. Chúng tôi chỉ cố gắng truyền tải những cái thực sự cần thiết và nóng hổi đến khán giả THVN. Cảm ơn lời chúc của bạn. Tôi cũng xin chúc bạn năm mới nhiều niềm vui và sức khỏe!

‘ Quay phim Tô Dũng và nhà báo Đức Hoàng
Nguyễn Văn Phú: Những ngày đầu dặt chân lên đất Mỹ, anh cảm thấy thế nào? anh có thấy nhớ nhà không?
Quay phim Tô Dũng: Những ngày đầu thực sự tôi ko thấy nhớ nhà lắm vì tôi đã xa nhà 10 năm rồi.
Mít Ướt (Hà Tĩnh): Trước khi trở thành nhà báo, anh đã làm công việc gì? Cơ duyên nào đưa anh đến với báo chí? Dùng 1 câu để nói về tình yêu anh dành cho nó như thế nào?
Nhà báo Đức Hoàng: Trước khi là nhà báo tôi là sinh viên báo chí. Ra trường là tôi về làm tại Ban Thời sự Đài THVN ngay cho đến bây giờ. Đối với tôi làm báo không phải là cơ duyên theo kiểu đùng 1 cái ai đó bảo làm báo đi, mình thử và làm được. Duyên của tôi có lẽ bắt đầu từ khi tôi còn học từ cấp 1 khi mà bố tôi (1 giảng viên văn đại học tổng hợp chuyên dạy về hiện thực phê phán) giảng cho sinh viên nghe tại nhà. Tôi luôn chui xuống gầm bàn để nghe về các tác phẩm của các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao... Tôi mê báo từ ngày đó. Và tôi luôn mong làm báo với tính chân thực, có ích. Tôi có lẽ không dùng 1 câu khi nói về tình yêu nghề, tôi xin dùng 1 từ thôi: ĐAM MÊ.
Hồng Vân: Nhìn lại một năm đã qua, các anh có thể điểm qua những gì đã làm được và chưa làm được trong năm 2011?Và những dự định trong năm 2012?
Quay phim Tô Dũng: trong năm vừa rồi, chúng tôi đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình đó là công tác tuyên truyền phục vụ đồng bào trong nước cúng như nước ngoài. Còn những việc chưa làm được đó là chúng tôi cần hoàn thiện mình nhiều hơn nữa.
Tiến Lợi: Ngày đầu các anh sang Mỹ lại đúng thời điểm dịch cúm có chiều hướng lan rộng, lúc đó các anh có sợ không? (^_^) Năm mới chúc các anh mọi sự thành công.
Quay phim Tô Dũng: Cảm ơn bạn. Thực sự cũng như người dân ở đây, mình không sợ!
Bạch yến: Anh Lê Minh cho em hỏi:Ngày mới sang Mỹ, việc lệch múi giờ có khiến nhịp sinh hoạt và làm việc của anh bị đảo lộn?
PV Lê Minh: Tất nhiên là mới sang ở nơi mà chênh múi giờ với ở nhà 12 tiếng đồng hồ, hầu như ai cũng bị khó khăn cả. Tuần đầu cả nhà sang chưa có chỗ ở, cả 3 anh em ở chung một phòng khách, cứ đến 4 giờ sáng cả nhà (cả lũ trẻ nhà anh) dậy và ngồi nhìn nhau chờ trời sáng. Đến chiều, cả nhà cứ quen chờ trời sẩm tối mới đi nấu cơm, nhưng khi trời tối thì đã 9 giờ đêm rồi em ạ. Tất cả rồi cũng quen cả thôi em. ^^
Hồng Sơn: Để tác nghiệp tại nước bạn một cách có hiệu quả thì đòi hỏi PV thường trú cần phải như thế nào?
Nhà báo Đức Hoàng: Tác nghiệp ở bất cứ đâu hay bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần người phóng viên có 1 yêu cầu đó là phải giỏi nghề. Ở nước ngòai cần thêm các điều kiện đó là ngoại ngữ nơi sở tại, khả năng thích ứng nhanh và một điều rất quan trọng nữa đó là những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, những kỹ năng tối thiếu để tác nghiệp độc lập như lái xe... Ở Mỹ, chúng tôi có 3 anh em thôi. Làm tất cả các việc từ tổ chức sản xuất, tổ chức đi lại, lái xe, kỹ thuật viên... Do vậy cứ mỗi ngày trôi qua, chúng tôi lại học thêm rất nhiều điều khi đi tác nghiệp ở nước ngòai.
Mạnh Thắng: Anh Tô Dũng đã bao giờ gặp phải tai nạn nghề nghiệp chưa? Lần tác nghiệp nào anh thấy thú vị nhất?
Quay phim Tô Dũng: Tai nạn không thể tránh khỏi. Thú vị nhất là lần đi làm chương trình ở Louisiana.
Hà Giang: Anh Lê Hoàng có thể kể về 1 câu chuyện khiến anh xúc động nhất trong quá trình tác nghiệp?
Nhà báo Đức Hoàng: Xin lỗi cho tôi đính chính một chút. Tôi là Đức Hoàng, còn anh Lê Hoàng là một đạo diễn rất nỗi tiếng và có tài. Câu chuyên xúc động nhất thì tôi đã kể ở ngay câu hỏi đầu tiên, Xin cảm ơn bạn!

‘ Quay phim Tô Dũng
Nguyễn Công Đạt: Anh Tô Dũng ơi! Có một mình anh làm quay phim chắc vất vả lắm! Có lúc nào anh thấy mệt mỏi không? Nếu vất quá thì anh cho em sang đó tác nghiệp cùng anh được không? Em cũng đang học ngành quay phim đó! Hihi
Quay phim Tô Dũng: Cám ơn bạn! Mình không được phép ốm hay mệt mỏi. hi!
Thành Vinh: Em thường xuyên xem các phóng sự của anh vào bản tin Thời sự 19h trên VTV1. Nhiều phóng viên trong nước cũng mong muốn được sang thường trú và tác nghiệp tại Mỹ như anh. Anh có thấy mình may mắn không?
Nhà báo Đức Hoàng: May mắn chứ. May mắn là trong rất nhiều phóng viên ở Đài thì tôi lại có cơ hội sang Mỹ để tác nghiệp. Nhưng bên cạnh cái may mắn ấy cũng là một quá trình chịu đựng và phấn đấu. Bất cứ việc gì cũng vậy, việc nắm bắt được cơ hội đã là khó nhưng việc phát huy cơ hội đó còn khó hơn nhiều. Tôi cũng đã đi được một nhiệm kỳ 3 năm rồi. Tôi đang rất mong muốn sẽ có người sang thay tôi để nắm bắt "may mắn" như bạn nói.
Bình Diệp: Tại sao các anh chỉ có duy nhất 1 quay phim? Như vậy có thiếu thốn quá không nhỉ? Điều kiện làm việc của nhóm PV thường trú tại Mỹ có khó khăn gì về cơ sở vật chất không? Chúc các bạn luôn có những tin, bài tốt gửi về cho đồng hương!
Quay phim Tô Dũng: Cơ sở vật chất của bọn anh cũng tạm đủ. Bọn anh là những người đầu tiên sang đây, trước mắt chỉ có 1 quay phim, trong tương lai sẽ có nhiều hơn.
Đặng Bích Ngọc: Những kiến thức đã học và làm ở Việt Nam liệu có chênh khi ứng dụng tại Mỹ?
Quay phim Tô Dũng: Về chuyên môn thì mình phải học thêm rất nhiều!
Nguyễn Thị Hồng Hạnh: Trong 3 anh, còn mỗi anh Tô Dũng là chưa có gia đình. Như vậy có buồn không hả anh Dũng?:))
Quay phim Tô Dũng: Cám ơn em! Anh rất buồn đặc biệt là khi Tết đến.
Thu Loan (Hà Tĩnh): Tôi rất thích chương trình giao lưu trực tuyến của VTV. Ba anh có cảm xúc thế nào khi được nhiều khán giả quan tâm. Là một trong những phóng viên xuất sắc của VTV, các anh hãnh diện ra sao?
Quay phim Tô Dũng: Đó là điều vinh dự. Tôi đã được VTV giao cho trách nhiệm và cố hoàn thành tốt công việc.
Trần Duy Phong: Em được biết anh Hoàng có cả gia đình sang bên đó nữa. Anh có thể chia sẻ đôi chút về gia đình mình được không? Bé trai nhà anh nhìn rất đáng yêu! Sau này anh có định hướng cho các con theo nghề báo không?
Nhà báo Đức Hoàng: Cảm ơn bạn đã quan tâm. Tôi rất vui khi có cơ hội được đưa các con mình sang Mỹ từ khi còn nhỏ (cháu lớn giờ 8 tuổi và bé là 3 tuổi). Các cháu nhà tôi sang đây giờ đã quen với cuộc sống ở đây. Nói tiếng anh giỏi hơn bố. Học cùng lớp với các bạn Mỹ. Hy vọng các cháu sẽ duy trì được vốn tiếng anh đó khi về nước và sẽ sử dụng nó có hiệu quả sau này. Tuy nhiên điều đáng lo nhất là các cháu chưa viết và đọc được tiếng Việt. Đây là điều tôi băn khoăn nhất. Việc nghề nghiệp của các cháu thì còn quá sớm để nói bây giờ nhưng quan điểm của tôi là: Con cái thích nghề nào thì mình tạo điều kiện tối đa.
funteo: Gửi anh Lê Minh. Cho em hỏi một câu, anh có hay cười không? sao mỗi lần nhìn anh trên truyền hình vẻ mặt anh nghiêm lắm, không như anh Đức Hoàng vẻ mặt nghiêm nhưng nhìn vẫn thấy tươi rói.
Phóng viên Lê Minh: Cảm ơn bạn đã góp ý. Về cơ bản thì trong cuộc sống mình cũng hay cười, nhất là ngồi với bạn bè và người thân, tuy nhiên, trong công việc, mảng tin của mình là tin chính trị là chính, trong đó mình phải chọn lọc rất kỹ từng từ, từng ý khi lên hình, do đó đôi khi cũng hơi bị chú ý quá đến nội dung và quên mất phần thể hiện sao cho nhẹ nhàng hơn. Kinh nghiệm của PV Đức Hoàng là điều mình luôn cố gắng học hỏi và cần phải rèn luyện thêm nhiều.
Trịnh Minh Tâm: Phóng viên là công việc rất vất vả. Gia đình các anh có thông cảm cho công việc của mình không?
QP Tô Dũng: Gia đình luôn lo lắng và động viên tôi. Cảm ơn bạn.
Nguyễn Thị Hương: các anh đã đón 3 cái tết ở Mỹ, vậy trong ba năm đó ngày tết được các anh chuẩn bị như thế nào? cảm xúc khi không được đón tết ở nhà ra sao?
Quay phim Tô Dũng: Tết không được ở nhà ai cũng buồn. Chúng tôi thường lấy công việc ra làm niềm vui. Chúng tôi chuẩn bị tết bắng những chương trình gửi về nhà.
Trần Ngọc Diệu Linh: Xin chào anh Đức Hoàng và các phóng viên thường trú tại Mỹ. Ở nhà, hôm qua đã là 23, lễ táo quân rồi. Các anh bên đó đang chuẩn bị Tết như thế nào rồi ạ? Có gói bánh chưng không và mua được cây đào không vậy?^^.
Nhà báo Đức Hoàng: Cảm ơn bạn. Câu hỏi này lại khiến chúng tôi buồn đây. Bọn tôi vừa hạ cánh xuống DC cách đây 3 giờ đồng hồ. 5 ngày qua chúng tôi đi công tác tại Cali để ghi những hình ảnh bà con kiều bào ta ăn Tết nguyên đán. Ngày mai chúng tôi sẽ ghi hình buổi lễ tại sứ quán, sáng sớm 18 sẽ lại đi Houston để ghi hình Tổng lãnh sự quán VN tại Houston tổ chức tết cho bà con. Ngày 30 tết mới về đến nhà.
Nói như vậy để bạn hiểu rằng chúng tôi cũng không có tết. Các đồng nghiệp của chúng tôi ở VTV cũng vậy thôi. Vì Tết là thời điểm mà VTV bận rộn vô cùng. Duy chỉ có điều ở VN chúng ta, các đồng nghiệp chúng tôi còn có người thân bên cạnh, bọn tôi ở đây chỉ có mình mà thôi. Hôm qua xem trên mạng thấy không khí ông công ông táo ở nhà mà bồi hồi quá. Lúc nãy về đến nhà thấy vợ đang luộc gà để cũng 23 cũng thấy xúc động. Mình đi công tác nhưng dù sao ở nhà cũng có người lo giúp, dù không có cá chép nhưng vẫn là một cái gì đó khiến chúng tôi đỡ tủi thân.
Nhu Mì: Đã 3 năm thường trú tại Mỹ, giờ nhìn lại những ngày tháng khó khăn đã trải qua, các anh thấy mình đã nhận về được thành quả như thế nào?
QP Tô Dũng: Thành quả của mình là đưa những thông tin từ bên này về với khán giả ở Việt Nam và ngược lại. Cám ơn bạn!
Mít còi (HN): Anh Đức Hoàng cho em hỏi: Nhóm PV bên đó gồm bao nhiêu người tất cả và hiện nay, các anh chị chia nhóm làm việc theo những mảng nào? Công việc và mức độ cụ thể tin bài của mọi người thế nào? Cám ơn anh!
Nhà báo Đức Hoàng: Bọn tôi có 3 anh em gồm 2 biên tập và 1 quay phim. Nhiệm vụ của bọn tôi là cover tin tức nội bộ Mỹ có ảnh hưởng lớn đến thế giới, tin kinh tế, chứng khóan Mỹ, tin tức về các hoạt động đa phương tại nước Mỹ đặc biệt là LHQ, quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ và mảng đề tài về kiều bào ta sinh sống, làm ăn tại Mỹ. Với ngần ấy mảng đề tài, bạn cũng có thể hình dung ra khối lượng công việc của chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi cũng mới chỉ có thể thực hiện được một phần việc của mình thôi. Phần vì còn ít người quá, phần cũng là vì sống xa nhà nên quá nhiều việc chi phối mình. Nói chung chúng tôi cần phải cố gắng nhiều lắm để có thể phần nào đáp ứng được yêu cầu.
Dép lê: Anh Tô Dũng ơi! anh sinh năm bao nhiêu vậy? Tiêu chuẩn bạn gái của anh ra sao? Hehe
QP Tô Dũng: Cám ơn em! Anh sinh11-06-1982. Nói thật là anh chẳng có tiêu chuẩn nào cả. Gặp người hợp với mình là ok.
Minh Ngân: Là những phóng viên VTV đầu tiên thường trú tại Mỹ, sau 3 năm, các anh có hài lòng với những gì mình đã làm được?
QP Tô Dũng: Anh vẫn chưa hài lòng với những việc mình làm vì bọn anh có thể làm tốt hơn nữa. Cám ơn bạn!
Uyên Linh: Em chào anh Đức Hoàng, Lê Minh và Tô Dũng! Em muốn liên lạc với các anh thì làm thế nào vậy? Các anh có dùng facebook không, có thể cho em được không? Hihi
Nhà báo Đức Hoàng: Cảm ơn bạn. Địa chỉ email của tôi là: duchoang@vtv.gov.vn, Lê Minh là le_minh@vtv.gov.vn, Tô Dũng là todung82@gmail.com. Facebook của tôi:
hoangvtvnews@yahoo.com.

‘ Phóng viên Lê Minh (bên trái) đang tác nghiệp
Lala: Một ngày của chú Lê Minh diễn ra như thế nào vậy chú? Du học sinh ở Mỹ muốn làm cộng tác viên với nhóm PV của các chú có được không ạ?
PV Lê Minh: Ở bên này ngày nào mình cũng phải theo dõi tin tức, tình hình cả trong nước Mỹ và trên thế giới cũng như trong cộng đồng người Việt. Do đó hầu như ngày nào cũng vậy, công việc lôi cuối từ sáng đến tận tối khuya. Ở bên này làm việc gần như không có giới hạn thời gian, lúc nào có tin hay, chủ đề quan trọng là phải bắt tay vào tìm hiểu, liên hệ phỏng vấn và viết bài luôn. Một phần nữa cũng chính là do sự chênh lệch múi giờ, ở bên này là ban ngày mình đi làm, đến tối về viết bài và gửi về để kịp phát các bản tin trong ngày. Nhiều khi có vấn đề ở nhà quan tâm, gọi điện sang thì lại thường vào ban đêm. Để đáp ứng yêu cầu của nhà, anh em lại dậy tìm hiểu, viết bài, có nhưng lúc xong thì cũng là 7 giờ sáng.
Do đó gần như không có giới hạn về thời gian làm việc. Cộng tác viên là yếu tố luôn cần có, bởi bọn mình không thể chuyên sâu được tất cả các vấn đề. Do đó bên này bọn mình cũng có rất nhiều bạn sinh viên, du học sinh góp sức. Khi cần tìm hiểu về vấn đề gì mà mình chưa biết, mình đều phải hỏi. Cũng có một số bạn cộng tác thường xuyên, viết bài do đó nếu bạn có thể tham gia, cộng tác được thì rất tuyệt vời. Bạn liên hệ với anh Đức Hoàng, Trưởng Đại diện, vừa là người có nhiều kinh nghiệm tác nghiệp, qua địa chỉ duchoang@vtv.gov.vn nhé.
Thành Vinh (boy_of_flowers@yahoo.com.vn): Em thường xuyên xem các phóng sự của anh vào bản tin Thời sự 19h trên VTV1. Nhiều phóng viên trong nước cũng mong muốn được sang thường trú và tác nghiệp tại Mỹ như anh. Anh có thấy mình may mắn không?
PV Lê Minh: Trước hết phải nói rằng việc sang Mỹ tác nghiệp là một mơ ước của nhiều bạn phóng viên, tuy nhiên cũng có nhiều thách thức. Nhất là nhóm phóng viên đầu tiên sang mở cơ quan thường trú và tác nghiệp lâu dài bên này đòi hỏi phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Mình cũng nghĩ đây là một dịp may để mình trải nghiệm những thử thách mới và qua đó trưởng thành được nhiều hơn, nhất là trong một môi trường đòi hỏi bản lĩnh, tính chủ động, sáng tạo và đầy cạnh tranh như nước Mỹ này.
Miu: Em rất muốn xem những hình ảnh tác nghiệp của các anh bên Mỹ. vì thế, các anh có thể gửi ít ảnh cho độc giả được không ạ? Anh Đức Hoàng nhìn đẹp trai quá!0.0
Nhà báo Đức Hoàng: Cảm ơn bạn đã khen tôi đẹp trai. Tôi sẽ copy đoạn chat nay về cho vợ tôi đọc vì vợ tôi luôn nói tôi là da đen, tóc xoăn.^^ Còn ảnh thì nhiều lắm. Trên facebook của tôi đều có cả. Mời bạn cứ add tôi vào.
Bé Kẹo (Sài Gòn): Giờ giao lưu trực tuyến ở VN là 9h sáng. Còn bên đó chắc là nửa đêm phải không ạ? 3 anh có mệt không? ^^
Nhà báo Đức Hoàng: Việt Nam và nơi tôi đang giao lưu chênh nhau 12 tiếng nên giờ ở Mỹ là 9h tối. 9h tối thì vẫn còn sớm mà. Chúng tôi thường ngủ muộn hơn. Bọn tôi vừa đi công tác xa về cách đây mấy giờ thôi nhưng được giao lưu với các bạn thì còn gì vui bằng. Mệt chạy đâu hết rồi. Tôi nói hộ cả 3 anh em vì họ cũng đang như tôi.
Nhóc Tì: Một ngày bình thường của anh Hoàng diễn ra như thế nào? Sở thích của anh là gì vậy?
Nhà báo Đức Hoàng: Nếu không phải là những ngày đi công tác, chúng tôi bắt đầu buổi sáng bằng việc xem qua các báo, đi họp giao ban với sứ quán, sau đó anh em hội ý nhanh về những vấn đề đáng chú ý trong ngày. Sau đó sẽ triển khai thực hiện. Thường thì các tin tức trong ngày liên quan nhiều đến những sự kiện chính trị Mỹ và thị trường chứng khóan. Bọn tôi thường ghi hình vào buổi chiều để kịp gửi về cho bản tin buổi sáng ở nhà. Hôm nào tin tức muộn thì thức cả đêm làm kịp bản tin tối ở nhà. Như vậy là 1 ngày trôi qua. Tôi thích thể thao và chụp ảnh.
Đặng Quốc Trung: Gửi nhóm PV Đài Truyền Hình Việt Nam tại Mỹ: Xin cho mình hỏi không khí đón Tết của người Việt Nam ở Mỹ thế nào ? Các bạn có cảm thấy buồn khi phải đón Tết xa quê Hương không ? Cho mình hỏi thêm địa chỉ thường trú của các bạn ở đâu Tác nghiệp ở Mỹ các bạn có thấy gì khác so với tác nghiệp ở Việt Nam? Xin cám ơn và Chúc các bạn đón Tết vui vẻ sớm hoàn thành công việc để trở về quê Mẹ .
PV Lê Minh: Về cơ bản, cũng như các đồng nghiệp ở trong nước, thời điểm Tết thường là lúc anh em gần như bận rộn nhất. Riêng đối với anh em Thường trú Mỹ, trong 2 cái Tết vừa qua, có 1 cài Tết đầu tiên mình còn có dịp ở nhà, cái Tết thứ hai thì đang đi làm tại bang Lousiana, sau Tết mới được về nhà. Còn Tết năm nay, như anh Đức Hoàng vừa mới chia sẻ, mình sẽ đi đến ngày 30 Tết mới về. Mọi công việc chuẩn bị Tết ở nhà đều do vợ lo cả. Cũng đơn giản thôi, nhưng phải có những món ăn truyền thống nhu canh măng, nem rán, bánh trưng...
Hà Phương: Một ngày bình thường của anh Tô Dũng như thế nào? Anh có sở thích gì?
Quay phim Tô Dũng: Buổi sáng mọi người sẽ họp giao ban để cập nhật những thông tin mới. Sau đó, sẽ bàn kế hoạch để làm. Sở thích của anh là chơi thể thao và xem phim.
Funteo: Chào anh Đức Hoàng. Trên đất Mỹ rộng lớn, với cuộc sống hối hả và tất bật của một xã hội "đa sắc màu" anh có sợ cuộc sống này không? 3 năm ở bên xứ người anh có thấy công việc của BTV vất vả và sức ép hơn Việt Nam không anh?
Nhà báo Đức Hoàng: Cuộc sống này thú vị lắm. Mỗi bang lại có một nét riêng, thậm chí họ có luật riêng. Ví dụ nếu ở bang này bắt buộc phải thắt dây an tòan nở tất cả các vị trí trên xe thì bang khác lại không bắt buộc. Được tiếp xúc với nhiều đối tượng, văn hóa, đó là một niềm vui và một may mắn. Sức ép công việc thì ở đâu cũng có sức ép nhưng mỗi nơi một khác. Ở nhà dù việc khó đên đâu, vất vả đến đâu chúng tôi cũng có anh em bạn bè chia sẻ trực tiếp. Ở đây chỉ có 3 anh em. Mọi việc đều đến tay. Nhiều lúc oải lắm. Rồi gặp những vấn đề phức tạp, các chủ đề khó muốn chia sẻ cũng khó vì múi giờ VN và Hoa Kỳ chênh nhau quá. Có lẽ đó là cái mà tôi cảm thấy sức ép nhất.
Gà bông: Nếu có 3 điều ước anh sẽ ước điều gì? Năm mới chúc anh mạnh khỏe.
Quay phim Tô Dũng: Cám ơn bạn! Mình ước năm mới luôn được mạnh khỏe, công việc tốt và tìm được người bạn đời của mình. Chúc bạn năm mới có nhiều niềm vui!
Bùi Thị Lệ (Vĩnh Phúc): Anh Đức Hoàng với Lê Minh có dạy cháu nhà mình gói bánh chưng Tết không? Các con anh sang đó có mất đi đặc trưng văn hóa riêng của mình không?
Nhà báo Đức Hoàng: Hôm nay tôi có than thở trên facebook của mình là: điều mà các con tôi thiệt thòi nhất đó là chúng không được hưởng không khí tết. Nghĩa là bên này Tết buồn lắm. Ngoài những buổi tiệc do sứ quán tổ chức cho bà con thì các cháu không nhiều cơ hội đi chơi tết. Vì các cháu vẫn đi học theo lịch của Mỹ. Chúng tôi cố gắng đưa các cháu đến những khu cộng đồng người Việt để thấy có không khí nhưng cũng không thể bằng Việt Nam được. Nhìn bạn bè mình cho con cái đi tập gói bánh chưng mình thèm lắm nhưng không có điều kiện. Tôi lúc 10 tuổi đã biết gói bánh chưng. Nhưng con mình giờ 8 tuổi vẫn còn lạ lẫm lắm. Hy vọng khi hết nhiệm kỳ tôi sẽ bù đắp cho các cháu chuyện đó. Còn văn hóa Việt ư? Các con tôi vẫn là người Việt Nam mà chỉ đi xa Việt Nam vài năm thôi.
Lệ Quyên: Lời đầu tiên chúc anh năm mới hạnh phúc. Anh Dũng có sở đoản nào không?hehe. Để nói về mình anh sẽ nói j?
Quay phim Tô Dũng: Cám ơn bạn! Kể ra thì nhiều lắm, nếu bạn muốn biết thêm thì nói riêng nhé. Đây là nick của mình “camtodung”.
Tuấn còi: Anh dũng ơi, để trở thành 1 quay phim giỏi thì cần những yếu tố nào?
Quay phim Tô Dũng: Theo mình để trở thành một quay phim giỏi thì đầu tiên phải có sức khỏe. Sau đó mới là học tập và rèn luyện cho tốt.
Ngọc Hà: Em muốn hỏi anh Dũng 1 câu: tết nào anh thấy đáng nhớ nhất?
Quay phim Tô Dũng: Cám ơn bạn! Tết đáng nhớ nhất của mình là Tết đầu tiên xa quê hương. Tết năm 2009 khi mình bắt đầu thường trú tại Mỹ.
Thu Hiền (Hà Giang): anh lê Minh sang đó có béo lên không vậy anh? Cho em gửi lời chúc sk tới gia đình anh nha! Đố anh nhận ra em đó!:))
PV Lê Minh: Cảm ơn bạn, có thể qua máy quay của Tô Dũng trông mình có phần béo lên. Hôm vừa rồi về Việt Nam thăm gia đình, ai cũng kêu là chẳng béo lên tí nào, bó tay. Nhận ra bạn chứ, "bạn vẫn làm ở chỗ cũ ấy gì? Tết năm nay vẫn về quê ăn Tết chứ gì" . Đùa chút cho vui nhé.
Vũ Văn Huy: Đến bao giờ thì anh kết thúc đợt công tác tại Mỹ vậy anh Dũng?
Quay phim Tô Dũng: Cảm ơn bạn. Tới tháng 2/2015 mình sẽ kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Mỹ
Mai Hoang: chào anh Lê Minh, em xem nhiều PS của anh PV những Vip bên Mỹ, làm thế nào anh có thể PV được họ vậy em rất ngưỡng mộ, anh truyền cho em bí kíp nhé!
PV Lê Minh: Trước hết cũng phải thú nhận một điều rằng để tiếp cận và phỏng vấn được những nhân vật ấy không phải là dễ dàng. Mình cùng với anh em trong Văn phòng phải vận dụng mọi cách để có thể liên hệ được họ. Tuy nhiên khó mấy cũng phải cố gắng có được, bởi đó là một phần trong công việc quyết định chất lượng tin bài của mình.
Trường Giang: Em tò mò một chút, anh Dũng quê ở đâu nhỉ? Anh sợ nhất điều gì?
Quay phimTô Dũng: Cảm ơn bạn. Quê mình ở thành phố Hoa phượng đỏ. Mình sợ nhất là sự cô đơn.
Mai: Năm mới anh Dũng có gửi lời chúc nào đến khán giả không? Chúc anh mọi sự thành công
Quay phim Tô Dũng: Chúc khán giả của VTV năm mới luôn mạnh khỏe, gặp nhiều niềm vui và luôn ủng hộ cho VTV.
Quang Phúc (TP. HCM): Xin chào các anh! Em là một khán giả thường xuyên theo dõi hàng ngày chương trình Thời sự 19h của VTV. Em thật sự cảm phục trước những cảnh quay ấn tượng và cuộc phỏng vấn người dân Mỹ đầy xúc động trong dịp kỷ niệm 10 năm vụ khủng bố 11/9, với sự xuất hiện chủ yếu của anh Đức Hoàng & Lê Minh. Cho em hỏi trong năm mới 2012 này, các anh sẽ tiếp tục tác nghiệp các vấn đề chính trị - xã hội nóng hổi trên đất Mỹ như thế nào để có thể mang lại cho khán giả cả nước những thông tin cập nhật nhanh & ấn tượng nhất? Em xin cảm ơn các anh!
Phóng viên Lê Minh: Câu hỏi của bạn cũng là vấn đề mà anh em chúng tôi đặt ra trong cuộc họp giao ban gần đây. Nét nổi bật nhất tại Mỹ. Nét nổi bật nhất tại Mỹ năm nay là cuộc bầu cử Tổng thống và diễn biến tình hình kinh tế Mỹ. Bọn mình sẽ cố gắng bám sát dưới nhiều góc độ để giúp khán giả trong nước có được cái nhìn toàn diện nhất về các vấn đề này. Việc đưa tin nhanh và đầy đủ luôn là yêu cầu tối thượng của anh em ở đây. Cảm ơn bạn!
Trịnh Tú (Hải Dương) Bên Mỹ hay có khủng bố, các anh tác nghiệp bên đó không sợ sao? Tết năm nào các anh cũng ở bên đó chứ không được về quê nhà à? Các anh vẫn tác nghiệp đến hôm nào mới nghỉ tết vậy?( Mặc dù bên đó theo lịch dương là hết tết).
PV Lê Minh: Nói là nhiều khủng bố, nhưng cảm nhận của mình cũng giống như người dân bên này, họ quan tâm nhưng không quá lo lắng. Có những lần đi tác nghiệp ở Ground Zero, nơi cách đây 10 năm xảy ra cuộc tấn công khủng bố 11/9, cảnh báo khủng bố suốt thời gian tác nghiệp, nhưng bọn mình xay sưa với các đề tài muốn làm để truyền tải không khí buổi lễ về quê nhà nên cũng chẳng có thời gian nghĩ đến.
Khi về đến DC nơi bọn mình ở, 3 anh em mới nhìn nhau và hỏi nếu có khủng bố thực sự thì mình sẽ ra sao? và câu trả lời cũng giống nhau là "thì lại làm luôn". May mắn là năm nay mình sẽ hoàn thành chương trình làm về Tết vào chiều 30, sau đó sẽ được đón Tết cùng với gia đình và anh em trong cơ quan. Nhưng cũng chưa biết được, nếu phát hiện thêm đề tài gì hay thì anh em lại làmluôn.
Ngọc Tuyền: Học quay phim có khó lắm không anh Dũng?
Quay phim Tô Dũng: Mình rất thích quay phim nên với mình thì công việc này rất đáng yêu.
Thúy An: Sau những ngày công việc bận rộn, anh Dũng thường làm gì?
Quay phim Tô Dũng: Ngày nghỉ mình thường chơi thể thao và gặp gỡ bạn bè.
Thùy Dung: Các anh cho biết một nhiệm kỳ công tác bên đó kéo dài bao lâu? Đầu mối nguồn tin của nhóm PV thường trú lấy chủ yếu từ Đại sứ quán hay tự thu thập? Một vài kỳ niệm đáng nhớ trong khi tác nghiệp ở Mỹ. Cảm ơn các anh chị!
Phóng viên Lê Minh: Một nhiệm kỳ công tác của bọn mình thường là 3 năm, song thường cũng có thể bị kéo dài thêm theo yêu cầu công tác của Đài. Tin tức bên này, ngoài qua Đại sứ quán, phần lớn bọn mình phải tự tìm hiểu nắm bắt qua báo chí, TV và qua các cuộc họp báo, các cuộc hội thảo, các buổi nói chuyện... Cũng như anh em trong Cơ quan thường trú, mới sang tác nghiệp gặp rất nhiều điều bỡ ngỡ, có nhiều điều đáng nhớ. Song đáng nhớ nhất có lẽ là buổi anh em đi làm chương trình kỷ niệm 10 năm tấn công khủng bố 11/9. Năm nào cũng làm đề tài này, cái khó là làm cái gì mới và anh em quên mất cả cảnh báo tấn công khủng bố. Đến khi về mới nghĩ đến nó. Hú hồn, nhưng cả 3 anh em đều nbảo nếu có khủng bố thật mình sẽ lại làm luôn (mặc dù không rõ nếu khủng bố thật thì mình có còn hay không nữa)^^
Vũ Loan: Năm mới sắp tới gần, các anh mong muốn điều gì cho năm 2012?
Phóng viên Lê Minh: Ở nước Mỹ này, đầu năm nào cũng vậy, mình luôn mong muốn một ngày nào đó được về sống quây quần với người thân và gia đình, bạn bè. Ngay lúc này cũng vậy. Còn lớn lao hơn thì nhiều lắm. Mong cho người dân Việt Nam mình luôn vượt mọi khó khăn thách thức, luôn ngửng cao đầu...
Mong cho người Việt mình dù ở bất kỳ nơi đâu cũng luôn là anh em một nhà. Cái này rất có ý nghĩa khi bọn mình đi công tác xa nhà, sống trong cộng đồng người Việt Nam ở đây.
Đào Mạnh ( BĐS Kiến Vàng - Hà nội): Nếu có dịp sang Mỹ chơi, muốn ghé thăm bạn Dũng và đoàn công tác để giao lưu thì mình có thể liên lạc bằng cách nào? Chúc năm mới đoàn công tác luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ đất nước giao.
QP Tô Dũng: Cảm ơn bạn. Hãy gọi điện cho tôi: 202 679 1233. (todung82@gmail.com). Rất vui khi có thể giúp được bạn.
Minh Hải: Tết sắp đến vậy các anh sẽ đón tết trên đất bạn như thế nào?
Phóng viên Lê Minh: Chắc chắn là sẽ không được như ở nhà, song anh em luôn cố gắng để có được không khí Tết nhất. Cũng sẽ đi thăm hỏi anh em trong cơ quan, các anh chị bên Đại sứ quán và cơ quan khác bên cạnh sứ quán cho có không khí ngày Tết. Rồi cũng sẽ có các buổi cho các cháu được lì xì, mừng tuổi... và tất nhiên là sẽ có cả các món ăn đặc trưng ngày Tết (nỗ lực của các phu nhân ở đây cần phải được đánh giá cao... cao... cao mãi).
Văn Quyết: Mỗi lần xem các phóng sự, tin tức của các anh gửi về khiến em thấy rất ngưỡng mộ. Anh đã vào đài được bao nhiêu năm và phấn đấu như thế nào để được ghi nhận như bây giờ?
Phóng viên Lê Minh: Cảm ơn bạn rất nhiều. Mình vào Đài cũng chưa được lâu, khoảng 7 năm thôi. Công việc nào cũng phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều mới được. bản thân mình cũng vậy, dù làm bất kỳ tin bài nào, mình cũng luôn cố gắng hoàn thiện ở mức tốt nhất có thể, còn sự đánh giá thì tùy thuộc vào những khán giả của VTV, trong đó có bạn. Cảm ơn khán giả đã có những phản hồi, cả khen ngợi và phê phán, góp ý bởi chính qua đó chúng tôi sẽ có cơ hội được hoàn thiện hơn.
Sơn Lâm: Tại sao những ngày đầu tiên sang Mỹ mà nhóm PV lại thiếu thốn điều kiện vật chất tác nghiệp như vậy? Cách đây 3 năm, khi được cử đi công tác, các anh cảm thấy thế nào và tại sao lại quyết định đi Mỹ?
Phóng viên Lê Minh: Thực ra không phải là thiếu thốn mà cơ bản là do những thủ tục, giấy tờ cần phải hoàn thiện để có chỗ ở và điều kiện làm việc tốt đòi hỏi mất nhiều thời gian. Anh em ngay từ khi chuẩn bị đến lúc lên đường luôn nhận được sự động viên và tạo điều kiện tốt nhất của Đài, do đó chỉ sau khoảng 1 tháng là anh em bắt tay vào làm tin bài luôn. Việc được Đài cử đi nhóm mở đường này là một vinh dự lớn, song anh em cũng xác định là một thử thách lớn.
Sau gần 3 năm, anh em nhìn lại và thấy quyết định đi công tác nhiệm kỳ này là đúng đắn, qua đó anh em trưởng thành lên rất nhiều trên nhiều khía cạnh, tác nghiệp và cuộc sống.
Kim Anh: Sang Mỹ, các anh học hỏi được những gì về phong cách, kiến thức, công nghệ.... về truyền thông báo chí?
Phóng viên Lê Minh: Học được nhiều bạn ạ. Mọi thứ mình học ở trong nước là nền tảng cơ bản, sang đây mình được tác nghiệp trong môi trường đòi hỏi sự cạnh tranh cao, tính kế hoạch và đảm bảo kế hoạch một cách chặt chẽ. Ở đây cũng là nơi đòi hỏi luôn phải cập nhật khối lượng kiến thức khổng lồ, đòi hỏi mình luôn phải nỗ lực không ngừng mới đáp ứng được đòi hỏi của công việc.
Tại nước Mỹ này, công nghệ luôn là vấn đề đòi hỏi mình phải cập nhật. Song với điều kiện hiện có và ý trí, sự sáng tạo vốn có của người Việt mình, bọn mình luôn nghĩ ra được những giải pháp hiệu quả để hoàn thành tốt công việc, không để yếu tố công nghệ quá cản trở. Qua đó mình cũng học hỏi được nhiều. Ít nhất à cũng tự nâng trình độ công nghệ của mình lên chút ít. Cái khó ló cái khôn mà.
Lê Thắng: Xin chào các anh. Với sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của quan hệ Việt - Mỹ, cơ quan thường trú của VTV tại Hoa Kỳ sắp tới sẽ có định hướng phát triển về nhân sự, quy mô như thế nào? Xin cám ơn các anh!
Phóng viên Lê Minh: Đúng như bạn nói, quan hệ Việt - Mỹ đang có những bước phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt, thêm vào đó, yêu cầu của khán giả ở trong nước cũng ngày một cao hơn, chuyên sâu hơn và rộng lớn hơn. Do đó, vấn đề mở rộng quy mô của cơ quan thường trú Mỹ là điều tất yếu. Mình tin rằng với mong muốn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khán giả, VTV sẽ có những bước phát triển tương xứng.
Đào Đăng Manh: Rất ngưỡng mộ tinh thần làm việc của các anh nơi đất khách quê người. Xin các anh cho biết khó khăn nhất trong việc đi công tác xa tại Mỹ là gì? Điều kiện làm việc bên Mỹ hiện tại của các anh có khó khăn gì nhất? Chúc các anh năm mới luôn mạnh khỏe để làm tốt nhiệm vụ đưa tin , thúc đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.
Phóng viên Lê Minh: Cảm ơn bạn! Ở xa nhà, điều anh em mong muốn nhất là luôn nhận được sự động viên, khuyến khích cũng như sự góp ý chân thành của Đài và khán giả. Khó khăn nhất là làm sao luôn đưa được thông tin đầy đủ, có giá trị đến với khán giả ở nhà. Đây luôn là yếu tố anh em luôn đau đáu và do đó luôn phải nỗ lực hết mình.
Nhân dịp năm mới, thay mặt anh em thường trú VTV tại Mỹ, xin chúc các khán giả của VTV một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công trên mọi mặt. Anh em thường trú Mỹ sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực để đem đến cho khán giả của VTV ở nhà những thông tin nóng hổi nhất, có giá trị nhất, mong muốn cùng với đông nghiệp ở nhà đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của khán giả. Xin một lần nữa gửi lời chúc mừng năm mới tới quên nhà từ những người con đất Việt đang ở xa quê hương!
Phạm Tiến Hưng: Lần tác nghiệp bên Mỹ nào mà các anh thấy nguy hiểm nhất? Tôi cũng là một nhà báo đã nghỉ hưu và thật tự hào khi có những phóng viên kỳ cựu như các bạn. Chúc các bạn ngày năm mới thành công và hạnh phúc!
Nhà báo Đức Hoàng: Cảm ơn bác đã chia sẻ với chúng cháu. Bọn cháu không dám nhận là phóng viên kỳ cựu đâu ạ. Bọn cháu mới chỉ ngòai 30 và đang còn học hỏi các thế hệ đi trước nhiều lắm. Sự nguy hiểm trong nghề báo thì có rất nhiều nghĩa như bác đã biết. Tuy nhiên cháu chỉ xin phép được nhắc lại 1 kỷ niệm về sự nguy hiểm đến tính mạng thôi.
Lần đó bọn cháu đi quay bão giữa đêm. Đến nơi cây đổ, dừng lại để quay và dẫn hiện trường. Đang dẫn thì nghe tiếng cây đổ nữa ngay bên cạnh nhưng may là đó chỉ là sắp đổ. Chứ nó đổ thật thì nguy hiểm quá. Nhưng chắc những nguy hiểm như vậy không đáng sợ bằng những sự nguy hiểm về sự non kém về nghề dẫn đến tác động xấu hoặc làm ảnh hưởng tiêu cực đến những người trong các phóng sự của mình phải không bác?!
Thời điểm này cũng là thời điểm mà ai cũng hối hả chuẩn bị cho cái tết. Chúng tôi thật may mắn là được các bạn quan tâm mặc dù biết các bạn cũng bận lắm. Chính vì thế chúng tôi càng thấy mình phải làm việc hơn nữa vì khán giả. Xin thay mặt anh em Cơ quan thường trú tại Hoa Kỳ chúc tất cả các bạn một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Mong các bạn tiếp tục quan tâm, ủng hộ Đài THVN nói chung và anh em cơ quan thường trú nói riêng. Chúng tôi rất vui khi nhận được các phản hồi của các bạn về các chương trình của chúng tôi làm. Các bạn có thể gửi thẳng qua email mà chúng tôi đã trả lời ở những câu hỏi trên. Không có sự phản hồi của khán giả thì chúng tôi cũng chỉ biết "con hát mẹ khen hay" thôi. Khán giả bao giờ cũng là người công bằng và khách quan nhất. Một lần nữa xin cảm ơn các bạn!