Trò chuyện trực tuyến với nhà báo Thu Uyên

VTV News-Thứ năm, ngày 26/09/2013 09:09 GMT+7

Để hiểu rõ hơn về chương trình Trở về từ kí ức, loạt phóng sự về các nhà ngoại cảm cũng như những câu chuyện đằng sau đó, báo điện tử VTV News đã có buổi trò chuyện trực tuyến với nhà báo Thu Uyên..

Hiện, nhà báo Thu Uyên là Chủ nhiệm, MC chương trình Trở về từ ký ức của kênh VTV9 - Trung tâm THVN tại TP.HCM. Theo ê-kíp sản xuất, Trở về từ ký ức ra đời từ thôi thúc muốn giúp nhiều gia đình liệt sĩ tìm lại thông tin về những người cha, người con đã hi sinh trong chiến tranh. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và VTV4 lúc 14h15 Chủ nhật tuần thứ hai hàng tháng, từ ngày 15/1.

Trở về từ ký ức đã nỗ lực tìm lại tên, quê hương và họ hàng thân thích cho các liệt sĩ đến nay còn nằm dưới những nấm mồ khuyết danh. Nhà báo Thu Uyên cho biết có rất nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình bởi "Trở về từ ký ức là cuộc tìm kiếm những người đã khuất, những người không bao giờ còn tự lên tiếng được", theo lời của chị.

Đặc biệt, trong số 22 của chương trình Trở về từ ký ức phát sóng ngày 20/10, nhà báo Thu Uyên cùng ê-kíp chương trình đã thực hiện phóng sự về các nhà ngoại cảm. Phóng sự tiết lộ nhiều thông tin bất ngờ và gây xôn xao dư luận về sự thật trong việc đi tìm mộ liệt sĩ của các nhà ngoại cảm. Phóng sự cũng đưa ra những con số khiến dư luận phải giật mình.

"105 mộ trong nghĩa trang Liệt sĩ của 3 tỉnh chứa xương động vật. 4 đợt khai quật trái chức năng, trái các quy định của Đảng và Nhà nước nhưng được các UBND tỉnh hậu thuẫn. 75 triệu đồng/"hài cốt" liệt sĩ được giải ngân từ Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam cho một kẻ lừa đảo" (trích phóng sự).

Để hiểu rõ hơn về chương trình Trở về từ kí ức, loạt phóng sự về các nhà ngoại cảm cũng như những câu chuyện đằng sau đó, báo điện tử VTV News sẽ có buổi trò chuyện trực tuyến với nhà báo Thu Uyên tại địa chỉ VTV.vn. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện trực tuyến với nhà báo Thu Uyên.

‘ Nhà báo Thu Uyên tại VTV News (Ảnh: VTV News)


Tôi đã theo dõi chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly và giờ là Trở về từ ký ức của nhà báo Thu Uyên. Tôi rẩt cảm động mỗi khi xem chị dẫn và tôi cảm nhận được cảm xúc thật của chị trong đó. Nhưng tôi có thắc mắc, như trong Như chưa hề có cuộc chia ly, chị đã khóc rất nhiều và có bao giờ chị mệt mỏi vì điều đó? (Hải Lý, haily@yahoo.com, )

Nhà báo Thu Uyên: Khi thấy các gia đình được đoàn tụ, cảm xúc của chúng tôi rất lạ lùng, chúng tôi chảy nước mắt và cười, tôi nói như thế thay cho cả ê-kíp cả chương trình chúng tôi. Để làm nên một cuộc đoàn tụ, mất rất nhiều thời gian và trong cả quá trình đấy, chúng tôi vì có rất nhiều việc phải làm nên không phải khóc nhiều lắm dù đó là những câu chuyện rất bi thương. Mệt mỏi thì có mệt mỏi nhưng vì nghĩ không thể để những người gửi thư cho chương trình phải chờ đợi lâu và thất vọng nên chúng tôi rất cố gắng. Và thật kỳ lạ là chúng tôi càng cố gắng làm thì dường như càng có thêm sức.

Đúng là việc tìm lại hài cốt cho các liệt sĩ thực sự là một công việc vô cùng khó khăn và vất vả. Vì sao nhà báo Thu Uyên và các anh chị phóng viên khác lại quyết định thực hiện chương trình Trở về từ ký ức, không phải trước đó có rất nhiều cuộc tìm kiếm vô vọng trong bao nhiêu năm rồi sao? (Phan Lộc, , Lê Chân, Hải Phòng)

Nhà báo Thu Uyên: Xin cảm ơn độc giả của VTV News đã gửi câu hỏi cho tôi.

Sự ra đời của chương trình Trở về từ ký ức từ sau khi chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly đã hoạt động được 4 năm. Trong quá trình đó, chúng tôi cũng nhận được nhiều thư của khán giả, dù biết chương trình chỉ tìm cho những người sống nhưng vì quá mong muốn tìm được chahoặc anh hoặc con của mình đã hi sinh trong chiến tranh nên họ vẫn cứ gửi, mong chương trình một lúc nào đó nhớ đến họ. Trong giai đoạn đầu tiên, chúng tôi thường gửi đơn thư của khán giả sang truyền hình Quân đội, báo Cựu chiến binh, đài phát thanh... nhưng vì lượng đơn thư rất nhiều và có những câu chuyện làm chúng tôi rất xúc động cho nên chúng tôi mới bắt đầu tìm hiểu liệu có khả năng để giúp không, vì đúng như chị nói đã có rất nhiều cuộc tìm kiếm vô vọng trong mấy chục năm. Chúng tôi biết là từ kinh nghiệm của Như chưa hề có cuộc chia ly thì việc kết nối và xử lý thông tin có thể mang lại nhiều điều kỳ diệu. Khi đọc nhiều bức thư, chúng tôi thấy có nhiều người rất bức xúc vì đã tin một số người xưng danh là nhà ngoại cảm mà bị mất tiền bạc, mất công sức và thậm chí đón nhầm liệt sĩ về. Chính vì vậy, chúng tôi biết dù vô cùng khó khăn và phải khai thác khả năng của mình hơn nữa, chúng tôi vẫn quyết định trình bày với lãnh đạo Đài để cho ra chương trình Trở về từ ký ức.

Thông tin lừa gạt của các nhà ngoại cảm gây chấn động dư luận. Chúng tôi rất bức xúc và chắc hẳn người nhà của các liệt sĩ cũng rất hoang mang, vậy chị có lời khuyên gì dành cho các gia đình liệt sĩ đã tìm thấy mộ bằng việc nhờ các nhà ngoại cảm? (Nguyễn Thị Liên, , Giao Thủy, Nam Định)

Nhà báo Thu Uyên: Tôi được biết rằng tại một nghĩa trang liệt sĩ, một khu mộ được đưa về từ một mặt trận có hơn 1.000 ngôi mộ. Vì các liệt sĩ hi sinh tại mặt trận đó đều được ghi danh và lưu giữ đầy đủ thông tin cho nên việc tìm kiếm các gia đình đã được Ban liên lạc làm gần trọn vẹn. Điều đau lòng là gần 300 gia đình trong số đó đã theo ngoại cảm mà đưa "liệt sĩ" về. Nạn ngoại cảm đã là vấn nạn chung mà rất nhiều trong số nửa triệu gia đình liệt sĩ đã gặp phải. Hậu quả đối với mỗi gia đình một khác. Hậu quả về tiền bạc, công sức chỉ là một phần. Mà nỗi đau về sự bẽ bàng, về sự mất mát lần thứ 2 này mới là khủng khiếp. Điều mà chúng tôi rất muốn được chia sẻ với các gia đình là các bác, các anh chị đã làm hết những gì mình có thể làm để đi tìm liệt sĩ. Chúng ta cần cảm thấy an lòng vì điều đó. Và chính vì các bác và các anh chị đã làm hết sức nên không có gì để phải day dứt. Chưa đón được liệt sĩ về chưa có nghĩa là mất hết hy vọng.

‘ Nhà báo Thu Uyên ơi, gia đình chúng tôi cũng tìm mộ anh trai tôi là liệt sĩ bằng cách nhờ nhà ngoại cảm, mà không mang đi kiểm định. Giờ chúng tôi phải biết làm sao để xác định được đây khi đã đưa hài cốt về an táng? (Trần Giao)

Nhà báo Thu Uyên: Chúng tôi tin rằng anh linh của các liệt sĩ là sống mãi đối với thân nhân và tất cả những ai biết ơn sự hi sinh của họ để tạo nên những ngày hòa bình hiện nay. Các chú, các anh đã chấp nhận cống hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc thì không có lý gìlại mưu cầu điều gì cho bản thân. Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trước hết vì chúng ta biết ơn những người ngã xuống và vì những người thân của liệt sĩ còn đang sống.Chúng ta đang nói đến niềm tin và sự an lòng của những người sống, cho nên nếu anh đã thấy lương tâm thanh thản, thì hãy coi là chúng ta đã làm tròn được công việc. Còn nếu ngược lại, nghĩa là cuộc tìm kiếm đã không mang lại sự bình yên cho gia đình mà còn gây bất an trong anh, thì anh có thể đề nghị giám định pháp y và giám định ADN.

Sau loạt phóng sự làm rõ bộ mặt của các nhà ngoại cảm và NH CSXH thì nhà báo Thu Uyên đã lên kế hoạch nào mang tính thời sự, gây chấn động dự luận trong thời gian tới không? Cảm ơn! (Tuấn, trungtuan0209@yahoo.com, Hà Nội)

Nhà báo Thu Uyên: Cho phép tôi được nói rõ đối tượng của phóng sự mà chúng tôi đã thực hiện là những kẻ lừa đảo. Việc vạch mặt chỉ tên những hành vi lừa đảo là một trách nhiệm của báo chí cũng là một định hướng mà lãnh đạo của Đài THVN giao cho các phóng viên. Sắp tới, sẽ có một phóng sự điều tra nữa về việc lừa đảo nhân danh tâm linh làm giả hài cốt liệt sĩ.

Tất cả những người tự xưng là ngoại cảm 100/100 đều là người lừa đảo. Vậy sau khi vạch mặt Phan Thị Bích Hằng trong vụ tìm hài cốt đồng Chí Phùng Chí Kiên thì chị lại có vẻ né tránh khi Bích Hằng phản công lại? (Lương Văn Vang, vanglv@gmail.com, 35 Nguyễn Thái Bình, Vũng Tàu)

Nhà báo Thu Uyên: Tôi không có ý kiến gì về quan điểm của anh đánh giá 100% những người tự xưng là ngoại cảm đều lừa đảo. Khi nói một người lừa đảo thì phải có đầy đủ bằng chứng để buộc tội.

Về vụ việc liên quan đến tướng Phùng Chí Kiên: Cho đến lúc này tôi không thấy có sự giải thích trực tiếp nào vào sự việc. Còn việc thủ cấp được tìm thấy gồm có chiếc răng lợn là một sự hiển nhiên và điều này đã được đưa lên báo chí, được giải quyết trong một cuộc họp chính thức từ tháng 2/2009, có sự tham gia của gia đình, chính quyền địa phương. Chúng tôi dựa vào các văn bản, giấy tờ. Nếu mà nói sự thật này không đáng tin thì phải hỏi Bộ quốc phòng vì tất cả những quy trình giám định của Bộ đều được thực hiện rất chặt chẽ.

‘ Hi chị Thu Uyên. Cảm ơn chị và các đồng nghiệp đã làm chương trình Trở về từ ký ức. Rất cảm động, vừa nhân văn, vừa bi tráng. Tôi cũng là thân nhân liệt sĩ nên rất hiểu cảm giác mong chờ của các gia đình liệt sĩ. Trong khi thông tin về liệt sĩ vừa sơ sài lại vừa không đồng bộ, không được hệ thống hóa. (Duy, tdd58@yahoo.com , Australia)

Nhà báo Thu Uyên: Xin chia sẻ với anh là chúng tôi cũng có đúng tâm trạng như vậy khi được gặp rất nhiều thân nhân liệt sĩ cùng hoàn cảnh như thế. Phải nói là dù sinh sau đẻ muộn và có vẻ như chẳng liên quan gì đến những sai sót mà anh đã nêu, nhưng chúng tôi luôn cảm thấy mình cũng có lỗi khi các gia đình liệt sĩ còn chơi vơi, vô vọng như vậy. Chúng tôi chỉ nghĩ là nếu một vài người lên tiếng, không át lại nổi những tiếng ma mị, nếu một vài người hành động thì cũng không ngăn lại được những hành vi lừa đảo đã thành hệ thống. Vậy, sao anh không nói lên những câu chuyện của gia đình mình, để giúp cho các thân nhân liệt sĩ khác.

Xem vụ việc lừa đảo của ngân hàng Chính sách xã hội, tôi thực sự cảm thấy quá là bức xúc. Vì sao những kẻ đó ngang nhiên làm việc tày đình như vậy. Nhà báo có nghĩ họ phải đi tù, thậm chí trả giả đắt hơn không? (Phương Hà , Thái Bình)

Nhà báo Thu Uyên: Việc điều tra và kết án là việc của cơ quan an ninh. Còn chúng tôi chỉ nghĩ sai phạm là các cá nhân, trước hết họ đã phải chịu tòa án lương tâm rồi. Mặt khác, một Đảng bộ mà mê tín như Đảng bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội là vi phạm kỷ luật Đảng. Một công đoàn mà sử dụng tiền quỹ vào những việc bất minh như công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội là sai trái. Giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và "cậu Thủy" đã có một văn bản kí kết về việc trả công cho một "hài cốt" được tìm thấy là 75 triệu đồng. Riêng văn bản này thôi đã cho thấy sự non kém về nghiệp vụ tài chính của cả một tập thể lãnh đạo Ngân hàng, vì vậy hóa đơn chứng từ quyết toán ra sao, thuế má thế nào... Liệu mỗi người dân chúng ta có thể tin tưởng giao cho Ban lãnh đạo một quỹ tài chính của Nhà nước là Ngân hàng Chính sách xã hội, một khoản ngân sách khổng lồ mỗi năm để quản lý và sử dụng hay không.

Gia đình chúng tôi nghèo lắm, cũng có hy vọng tột cùng mong muốn tìm lại mộ liệt sĩ một người thân trong gia đình, nhưng không có tiền mời nhà ngoại cảm. Chúng tôi muốn tham gia chương trình Trở về từ ký ức thì phải làm thế nào, có dễ dàng và có mất tiền không? (Ngọc Mai)

Nhà báo Thu Uyên: Xin chia sẻ với gia đình về hoàn cảnh hiện nay. Chúng tôi cũng tha thiết mong được giúp những gia đình như gia đình chị. Chị hãy gọi điện cho tổng đài của chúng tôi 08.62605555 vào giờ hành chính để được hướng dẫn lập hồ sơ, sau khi nhận được thông tin về liệt sĩ như giấy báo tử, trích lục, những thông tin về đồng đội mà gia đình có, chúng tôi sẽ đi tìm. Tất cả mọi trường hợp liên hệ và tìm kiếm được liệt sĩ thông qua chương trình Trở về từ ký ức đều không phải góp một chi phí nào.

Ngoài nhờ ngoại cảm, có những cách nào để tìm mộ liệt sĩ thưa nhà báo Thu Uyên? (Trần Nguyễn Thanh Tùng, SV ĐH Thương Mại)

Nhà báo Thu Uyên: Cách mà chúng tôi kính mong các gia đình liệt sĩ áp dụng là bình tĩnh chờ đợi Bộ quốc phòng tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ từ Lào, Campuchia và từ các chiến trường cũ (việc này được tiến hành không ngừng nghỉ, và trong bất cứ một chương trình Trở về từ ký ức nào, khán giả cũng nhận được những thông tin về những cuộc quy tập như vậy). Chúng tôi cũng mong các gia đình bình tĩnh chờ đợi những việc khớp nối thông tin, những cuộc giám định ADN quy mô mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tiến hành. Và các gia đình cũng có thể đặt một phần hy vọng vào Trở về từ ký ức và những nhân chứng, một lúc nào đó sẽ báo tin về cho gia đình rằng Liệt sĩ của gia đình hiện đang nằm tại nơi đâu. Trong lúc chờ đợi, mong các gia đình chủ động tìm thông tin từ các đồng đội còn sống của liệt sĩ. Đây là nguồn thông tin quý giá để chúng ta tiếp tục xác minh và tìm ra liệt sĩ.

Những vụ lừa đảo của nhà ngoại cảm khiến người dân bức xúc và bị lừa gạt bao nhiêu năm qua. Đáng lẽ phóng sự của chị phải lên sóng từ lâu rồi. Sau khi phát sóng, chị nhận định được sức ép dư luận nhạy cảm như vậy chứ? (Trịnh Tiến Nam, , Thanh Hóa)

Nhà báo Thu Uyên: Mong anh thông cảm vì những việc này vốn không nằm trong sự quan tâm của tôi cho tới khi tôi không thể phớt lờ mà không tìm hiểu về nó. Về những vụ lừa đảo như vậy, nhiều phóng viên, nhà báo đã đi trước tôi và hiện nay cũng rất nhiều người đang viết về những chuyện này. Phóng sự của chúng tôi về các vụ quy tập hài cốt liệt sĩ giả do Nguyễn Thanh Thúy và Ngân hàng Chính sách xã hội tiến hành đã được khán giả đánh giá cao, đặc biệt là các cấp lãnh đạo và các thân nhân liệt sĩ, các đồng nghiệp.

‘ Tôi thấy buồn vì hiện nay có rất nhiều người dựa vào lòng tin của người khác để kiếm tiền, chuộc lợi. Cảm ơn nhà báo Thu Uyên, vì chị mà rất nhiều người đã tỉnh ngộ ra, nhưng giờ hình như cũng muộn rồi, cứ nghĩ đến việc có khi hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ đã lập kia đều không đúng, thì thật đau xót quá… (Mây trắng)

Nhà báo Thu Uyên: Vâng, vô cùng đau xót. Nếu như thực sự đã muộn rồi thì phải để lịch sử xem lại. Tôi cứ nghĩ 50 năm nữa chúng ta có phải đỏ mặt nhìn lại những hiện tượng đang diễn ra lúc này hay không. Nhưng báo chí lên tiếng là vì chưa phải đã kết thúc, thà muộn còn hơn không. Không một ai, không vì lý do gì, không trong một thời đại nào lại được phép xúc phạm đến lá cờ Tổ quốc đến tâm linh của người dân chúng ta.

Trong vụ Phùng Chí Kiên . Chị bảo có người nhà tham gia. Nhưng tôi mới đọc được một tin là Người nhà đồng chí Phùng Chí Kiên không công nhận kết quả giám định ADN này là đúng và có cả thư khiếu nại. (Ngọc minh, seablue955@gmail.com, Minh Khai - Hà Nội)

Nhà báo Thu Uyên: Việc này nếu anh quan tâm anh có thể hỏi Cục chính sách - Bộ quốc phòng, Ban Tổ chức Trung ương và nhiều cơ quan chức năng đã tham gia tại cuộc họp.

Chất giọng ngọt ngào của chị có phải là bẩm sinh không ạ? Chị hát có hay không và có bí quyết nào để giữ được giọng nói như vậy không ạ? (Hoàng Minh, , )

Nhà báo Thu Uyên: Tôi hát rất dở và lúc mới lên sóng, tôi nghĩ giọng tôi không thể chấp nhận được. May mắn làm sao mà lại được khán giả chấp nhận và cũng may mắn là thời gian cũng làm cho giọng tôi trầm đi, dễ nghe hơn. Cảm ơn bạn!

Gửi chị Thu Uyên! Tôi là người theo dõi chương trình Trở về từ ký ức đã bao năm qua. Tôi rất xúc động với những gì chị đã làm qua các câu chuyện cảm động. Tại sao một người con gái như chị lại tìm tòi và theo mảng đề tài khó khăn như vậy? Chúc chị luôn khỏe mạnh và công tác tốt. (Mai Hiền, loppi_jiw@gmail.com,)

Nhà báo Thu Uyên: Xin cảm ơn. Tôi cũng biết là những việc mà tôi đã và đang theo đuổi thì khó khăn và phải dò đường mà đi. Nhưng lứa tuổi của chúng tôi đều được dạy cho tinh thần về trách nhiệm công dân, thấy mà không làm là có tội. Chính vì vậy mà chúng tôi cùng nhau bước vào những công việc gian nan, nhưng bù lại, lại đáp ứng những nhu cầu có thật trong xã hội, cụ thể là tìm kiếm người thân. Chính vì vậy mà chúng tôi nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ rất lớn.

Phóng sự trong Trở về từ ký ức động chạm đến nhiều người lắm, hơn thế nữa còn thuộc về tâm linh, chị không sợ gì hay sao? (Bình Tâm, , Hàng Trống)

Nhà báo Thu Uyên: Tin vào tâm linh thì phải tin là mình làm việc thiện và có trách nhiệm là được phù hộ chứ bạn!

Chị Thu Uyên xinh và trẻ lâu quá, em vẫn cứ thắc mắc tuổi thật của chị đấy, chị có thể bật mí được không? (Em củng rất vui vì được giống tên chị) (Lương Thị Thu Uyên)

Nhà báo Thu Uyên: Chào người bạn cùng tên! Chị sinh năm 1963. 51 tuổi. Thế là em biết nhiều hơn về chị hơn là chị biết về em rồi nhé.

Vì sao chị lại quyết định đi theo nghiệp truyền hình? Em mặc dù học ngoại giao, nhưng ước mơ từ bé là được làm truyền hình nhưng lại không thực hiện được. (Linh Linh, , HV Ngoại Giao)

Nhà báo Thu Uyên: Chị cũng từng học Ngoại giao nhưng không hề ước mơ làm truyền hình. Nhưng bây giờ thì thành nghiệp rồi và chị nghĩ khó có nghề gì thích hợp với chị hơn là truyền hình. Thế nên chưa chắc ước mơ từ bé đã hoàn toàn chính xác. Chị chúc em vui và thành công với công việc em đang làm.

Chào chị Thu Uyên, là một đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Bản thân tôi rất cảm kích khi xem các phóng sự gần đây của chị và các đồng nghiệp, có thể nói chị và các đồng nghiệp của mình đã dũng cảm nói nên sự thật, một sự thật đáng lẽ ra phải được nói sớm hơn thế nữa để chúng ta thoát ra khỏi các lối tư duy m& (Lê Bình Nguyên, binhguyen@giaoduc.net.vn, 147 Mai Dịch)

Nhà báo Thu Uyên: Cảm ơn đồng nghiệp. Đây là sự nghiệp chung mà tôi biết các bạn đã làm được nhiều việc và có nhiều nhà báo khác, nhà khoa học, người dân cũng tham gia. Tôi tin là sự lành mạnh sẽ ngự trị trong xã hội của chúng ta.

Hình như chị rất bận rộn đúng không chị, vậy có bao giờ chị có khoảng thời gian rảnh nào không, và khi đó chị thường làm gì? (Minh Đức, Phú Xuyên, Hà Nội)

Nhà báo Thu Uyên: Cảm ơn bạn quan tâm. Giữa lúc bận rộn nhất cũng phải tìm ra thời gian rảnh chứ không thì vỡ tung mất. Gần đây, tôi khám phá được một thú vui rất thích hợp cho người bận rộn là nướng bánh. Giữa những lúc viết bài hoặc dựng video hoặc đọc tài liệu, chỉ cần bỏ ra 1 tiếng thử nghiệm là cả nhà lại thơm mùi bánh nướng và gia đình tôi lại có thứ để tấm tắc.

‘ Cho tôi xin lỗi những độc giả gửi câu hỏi đến mà tôi chưa kịp trả lời vì đã đến giờ phải đi phỏng vấn. Tôi rất trân trọng những câu hỏi đã gửi tới, và mong rằng phần trả lời trên đây đã đáp ứng phần nào.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước