10 điều có thể chưa biết về Đường lên đỉnh Olympia

T.H-Thứ ba, ngày 22/03/2016 09:28 GMT+7

VTV.vn - Đằng sau những phần chơi thú vị được phát sóng trên màn ảnh nhỏ, còn rất nhiều điều bất ngờ khác về Đường lên đỉnh Olympia mà khán giả chưa biết đến.

Lên sóng từ 21/3/1999, sau 17 năm đồng hành cùng khán giả, Đường lên đỉnh Olympia vẫn chứng minh được sức lan tỏa mạnh mẽ. Chương trình đã thu hút hàng nghìn người tham gia. Tuy nhiên, đằng sau những phần chơi thú vị, căng thẳng được phát sóng trên màn ảnh nhỏ, còn rất nhiều điều bất ngờ khác mà khán giả chưa biết đến. Hãy cùng VTV News tìm hiểu những thông tin ít người biết về gameshow đặc biệt này.

Đường lên đỉnh Olympia - Gamesshow có số tuổi kỷ lục của VTV

10h Chủ nhật, ngày 21/3/1999 là thời điểm lần đầu tiên lên sóng của Đường lên đỉnh Olympia trên kênh VTV3. Đến nay, với 17 năm liên tục phát sóng, đây là chương trình có số tuổi kỷ lục của Đài THVN.

Hơn 2300 thí sinh tham gia thi Đường lên đỉnh Olympia

17 năm trôi qua, Đường lên đỉnh Olympia đã thu hút sự tham dự của hơn 2300 thí sinh đến từ khắp mọi vùng miền của Tổ quốc: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Điều này đã cho thấy sự lan tỏa rộng lớn của một trò chơi hoàn toàn mang format Việt.

Tên gọi Đường lên đỉnh Olympia: Bắt nguồn từ trí tưởng tượng

Theo chia sẻ của nhà báo Tạ Bích Loan, đỉnh núi Olympia trong tên chương trình chỉ nằm trong tưởng tượng, là giấc mơ chinh phục của các thí sinh. Bởi trên thực tế, Olympia là tên của một đồng bằng tại Hy Lạp. Tuy nhiên, vì tên Đường lên đỉnh Olympia đã trở nên gần gũi với mọi người nên BTC vẫn quyết định giữ lại tên này.

Ý nghĩa tên gọi các phần thi Đường lên đỉnh Olympia là...

4 phần thi trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia gồm Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc, Về đích tương tự như quá trình khi leo một ngọn núi ở ngoài cuộc sống. Thí sinh sẽ phải trải qua những giai đoạn đó trước khi chinh phục được đỉnh ngọn núi.

Chung kết Olympia 2009 có tới 5 thí sinh

Thông thường, mỗi số chương trình Đường lên đỉnh Olympia chỉ có 4 người chơi. Tuy nhiên, trong cuộc thi chung kết năm 2009, Đường lên đinh Olympia có tới 5 thí sinh tham gia. Lý do dẫn đến việc có 5 người cùng góp mặt trong trận chung kết là bởi câu hỏi cuối phần thi Về đích ở quý III đã gây khá nhiều tranh luận. Sau khi cân nhắc, BTC quyết định công nhận giải Nhất quý 3 cho cả hai thí sinh Hồ Ngọc Hân và Bạch Đình Thắng.

Cuộc thi chung kết năm đó đã được đặt tại 5 điểm cầu: THPT Bỉm Sơn (Thanh Hóa), Phổ thông năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM, Quốc học Huế, THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) và THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Nhà báo Tạ Bích Loan - người tạo ra vòng nguyệt quế

Nhà báo Tạ Bích Loan chính là người đã đưa ra ý tưởng về biểu tượng Vòng nguyệt quế - phần thưởng cho những người thắng cuộc - trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia.

BTV Tùng Chi - người gắn bó lâu nhất với Đường lên đỉnh Olympia

Để làm nên một chương trình uy tín và hấp dẫn như Đường lên đỉnh Olympia, không thể thiếu được đội ngũ làm việc cống hiến hăng say và nhiệt huyết trong mỗi số. Trải qua 17 năm, đã có rất nhiều thế hệ nhóm biên tập, đồ họa, quay phim, làm việc tại đây - thế nhưng chỉ có một người duy nhất gắn bó với Olympia trong suốt quãng thời gian đó, chính là BTV Tùng Chi. Ngoài vai trò MC, công việc thường xuyên nhất của BTV Tùng Chi là đạo diễn của Đường lên đỉnh Olympia.

Đường lên đỉnh Olympia - nơi se duyên cho nhiều cặp đôi

Tham gia Olympia, các thí sinh không chỉ có cơ hội được thử thách bản thân và học hỏi thêm kiến thức, mà còn được giao lưu với bạn bè mới, mở rộng mối quan hệ. Đường lên đỉnh Olympia là nơi se duyên cho nhiều cặp đôi, ví dụ như 4 cặp đôi Phạm Ngọc Viễn Linh và Cao Minh Thùy Linh (năm thứ 7 - 2006), Mai Thanh Tiếp và Nguyễn Thanh Xuân (năm thứ 3 - 2002), Phạm Văn Thắng ( năm thứ 2 - 2001) và Phương Quỳnh ( năm thứ 4 - 2003), Trần Văn Ngọc Tân và Nguyễn Ngọc Trang (năm thứ 8 – 2007).

Bên cạnh đó, nhiều gia đình có đến 2 con đi thi Đường lên đỉnh Olympia, như hai anh em Phan Minh Đức (vô địch năm thứ 10) và Phan Thị Phương Thảo (năm thứ 13), Nguyễn Thị Ngọc Thơ (năm thứ 5) và Nguyễn Ngọc Khánh (năm thứ 12), Nguyễn Vũ Hưng (năm thứ 6) và Nguyễn Vũ Hội (năm thứ 11), Nguyễn Ngọc Trang (năm thứ 8) và Nguyễn Hữu Trí (năm 2015)...

460 - Số điểm kỷ lục của Đường lên đỉnh Olympia

Trong chương trình Olympia ngày 11/1/2015, thí sinh Hồng Chiến đến từ trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã đoạt vòng nguyệt quế hết sức ấn tượng với số điểm lên tới 460. Với số điểm này, Hồng Chiến đã phá vỡ kỉ lục 15 năm của cuộc thi Olympia (điểm kỷ lục Olympia 3 năm trước đó là 395 điểm do Nguyễn Minh Quang - THPT chuyên Quốc học Huế nắm giữ). Và tính tới thời điểm hiện tại, 2 năm kể từ khi Hồng Chiến xác lập kỷ lục, vẫn chưa có thí sinh nào vượt qua số điểm của thí sinh này.

Đường lên đỉnh núi - ca khúc chủ đề của Đường lên đỉnh Olympia trong suốt 17 năm

Đường lên đỉnh núi chính là bài hát mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác dành riêng cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Trong suốt 17 năm qua, nó đã trở thành một giai điệu khắc sâu vào tâm trí của những thế hệ khán giá yêu thích và cổ vũ cho chương trình này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước