Âm hưởng từ "Khúc ca người làm báo"

Trần Hùng-Thứ sáu, ngày 18/06/2021 18:19 GMT+7

VTV.vn - "Khúc ca người làm báo" đã truyền cảm hứng cho đông đảo các thế hệ nhà báo, động viên họ vượt qua những gian nan, thách thức để trở thành những nhà báo chân chính.

Trò chuyện với nhà báo Trọng Ninh - Phó trưởng Đại diện VTV DIGITAL - Đài THVN tại thành phố Hồ Chí Minh, tác giả của ca khúc "Khúc ca người làm báo" đúng dịp kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. 

Dù chưa qua khoá âm nhạc chính thức nào nhưng với năng khiếu bẩm sinh của mình, cùng sự nhiệt thành với nghề nghiệp, anh đã sáng tác một số ca khúc tôn vinh nghề báo. Với anh, âm nhạc là chất xúc tác làm phong phú tâm hồn, tạo động lực cho cuộc sống và công việc, đó cũng là những dòng nhật ký của sự trải nghiệm đầy giá trị.  

Trong giới truyền thông, những ai từng nghe qua nhạc phẩm "Khúc ca người làm báo" hẳn còn chộn rộn trong tim giai điệu hào hùng của dòng nhạc cách mạng, cộng với những ca từ mang tính phổ quát, chắt lọc từ chính nghề nghiệp của mình. Chẳng hạn như: "Cùng nhau hoà nhịp sống với thông tin muôn sắc màu, cùng nhau ta chắp bút cho khát vọng muôn trái tim..." Là một nhà báo có tâm và có tầm, suốt mấy chục năm cống hiến cho nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và VTV Đài THVN nói riêng, nhà báo Trọng Ninh luôn cho thấy sự tâm huyết với nghề nghiệp với hàng loạt bài viết, phóng sự điều tra như "Ma tuý biển"; "Lâm tặc bóng đêm"; "Vàng tặc Quảng Nam"... 

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, anh lại tình nguyện cùng đồng nghiệp xông pha trên khắp vùng biên giới biển Tây Nam, sát cánh cùng lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển và ngư dân để đăng tải các loạt bài cổ vũ tinh thần, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào đất liền như: "Lá chắn thép ngăn dịch bệnh trên biển" hay "Mệnh lệnh không lời". "Đây cũng chính là một trong những chất liệu sống, chất xúc tác để viết lên tác phẩm Khúc ca người làm báo" - nhà báo Trọng Ninh chia sẻ.

Vừa có thể cầm bút tạo nên những tác phẩm báo chí gây tiếng vang trong xã hội, lại thêm khả năng trời phú về sáng tác âm nhạc, đặc biệt là những ca khúc nói về nghề của chính mình, vì vậy ngoài biệt danh "Ngòi bút thép nơi đầu sóng" có người còn gọi nhà báo này với biệt danh: "Tay súng tay đàn".

"Tôi viết ca khúc này không ngoài mục đích tôn vinh những giá trị nghề nghiệp, chia sẻ những hy sinh, gian khổ cùng đồng nghiệp, đồng thời cổ vũ động viên tinh thần đội ngũ những người làm báo, mong muốn qua tác phẩm, mỗi nhà báo, phóng viên đều nhận thấy hình ảnh của chính mình trong đó để cảm thấy tự hào trước sự nghiệp vinh quang, sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam mà họ đã và đang theo đuổi." Nhà báo Trọng Ninh cho biết.

Với giai điệu hào hùng, ca từ bay bổng mà gần gũi, ý nghĩa, "Khúc ca người làm báo" đã truyền cảm hứng cho đông đảo các thế hệ nhà báo, đặc biệt là giới trẻ, động viên họ vượt qua những gian nan, thách thức, cám dỗ tầm thường để trở thành những nhà báo chân chính. "Biển xa ta đã đi, ngọn sóng thấm nét bút, đồng xanh ôi bao la, bao dấu chân của ta, trên những con đường xa." Câu chuyện có thực nhưng được khái quát bằng những ca từ giàu hình ảnh và ý nghĩa.

 "Dù mưa giông ta vẫn đi, dù bão tố ta vẫn đến, ngòi bút vẫn lấp lánh, luôn ánh lên niềm tin. Da diết trong lòng dânCa từ thể hiện lòng dũng cảm ý chí kiên cường của nhà báo cùng sự lạc quan tin tưởng vào sự nghiệp, lòng mến mộ của công chúng, khiến người nghe cảm thấy tự hào." Nhà báo Huỳnh Ngọc Hiếu – Báo Pháp luật Việt Nam nhận xét.

Âm hưởng từ Khúc ca người làm báo - Ảnh 1.

Nhà báo Trọng Ninh

Còn Nhà báo Lê Cường – Trung tâm Báo chí thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những ca từ dù lãng mạn, nhưng vẫn mang bản lĩnh chính trị, mang hơi thở của người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng và văn hoá như: "Lòng son ta tranh đấu cho khát vọng muôn trái tim… Là chiếc cầu nối ý Đảng và lòng dân." Anh chia sẻ: "Ca khúc đem lại cảm giác khí thế, hưng phấn và tự hào về những người hoạt động trong lĩnh vực Báo chí nói chung - Truyền hình nói riêng. Thông thường để có một sản phẩm báo chí có giá trị về mặt chuyên môn thì có sự đầu tư rất nhiều, có sự đóng góp công sức của tập thể (ekip), do đó sự thống nhất, đồng lòng và trách nhiệm rất cần thiết... Và nội dung của ca khúc này đã thể hiện được phần nào điều đó!".

Đứa con tinh thần này của nhà báo Trọng Ninh, ra đời trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào tháng 5/2020 được đông đảo đồng nghiệp chia sẻ. Với tôi, người viết bài này, "Khúc ca người làm báo" không đơn thuần là một sản phẩm âm nhạc ý nghĩa. Nó còn là thông điệp mạnh mẽ, thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết, niềm tin ý chí của những người làm báo chí, truyền thông, là bài ca ca ngợi về nghề báo một cách sâu lắng nhất từ trước đến nay.

Đúng dịp kỷ niệm 96 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), "Khúc ca người làm báo" lại được vang lên. Âm hưởng của bài ca sẽ còn vang vọng mãi trong tâm hồn nhiều thế hệ.

Nhà báo trong 'cơn bão' dịch bệnh COVID-19 Nhà báo trong "cơn bão" dịch bệnh COVID-19

VTV.vn - Để cung cấp những thông tin kịp thời, đa dạng về COVID-19, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng đã phải nhanh chóng có những thay đổi về quy trình tác nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước