Với những vũ khí tự chế, kết quả nó mang đến là khoảng 5000 xe tăng đã bị phá hủy. Và năm 1967, khi mới chỉ 24 tuổi, chàng trai trẻ Tô Văn Đực được tuyên dương Anh hùng LLVTND Việt Nam bởi những sáng kiến cùng chiến tích của ông cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước.
"Không phải liều mạng. Ra chiến trận thì một viên đạn nhỏ cũng chết mà làm nhiệm vụ này bom nổ cũng chết. Bom đạn đã tránh tôi để tôi sống đến bây giờ".
Anh hùng LLVTNDVN Tô Văn Đực.
Anh hùng Tô Văn Đực trong một bức ảnh lúc còn trẻ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
MUỐN GIỮ QUÊ HƯƠNG ĐƯỢC BÌNH YÊN...
Chia sẻ với những người thực hiện chương trình Những anh hùng thế kỷ XX, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam Tô Văn Đực nói về lý do ông quyết định tham gia cách mạng rất đơn giản, đó là ông muốn quê hương mình được yên bình, không còn ngày đêm bị kẻ thù dội bom, càn quét...
"Ở Củ Chi rất căng go" - anh hùng Tô Văn Đực nhớ lại - "Ngày cũng như đêm, B52 thả bom rồi càn quét. Làm thế nào để mình giữ cho quê hương của mình được yên ổn? Lúc bấy giờ, bộ đội đi chiến đấu rất rầm rộ thì tôi cũng rất thích chiến đấu".
Với mong muốn mạnh mẽ ấy, vào tháng 2 năm 1962, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Tô Văn Đực - một người con của Củ Chi, mảnh đất thép - với khát khao được tham gia chiến đấu đánh đuổi đế quốc xâm lược, đã gia nhập vào đội ngũ dân quân du kích xã Nhuận Đức. Ông được tổ chức phân công phụ trách công xưởng sửa chữa những vũ khí hỏng hóc trong quá trình chiến đấu.
Người thanh niên Tô Văn Đực với công việc được giao - phụ trách công xưởng sửa chữa những vũ khí hỏng hóc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
LÀM SÚNG TRƯỜNG TỪ ĐỐNG SẮT VỤN VÀ CÁI LÒ RÈN...
Nhớ lại những năm tháng được giao phân công phụ trách công xưởng sửa chữa vũ khí hỏng, anh hùng Tô Văn Đực cho biết thời gian đó thiếu vũ khí, du kích mình không có súng để dùng trong khi phải chiến đấu với quân thù được trang bị đầy đủ.
Ông nói: "Khi đó rất thiếu vũ khí. Lúc đó không có súng, có những đơn vị du kích người ta đánh bằng kiếm. Địch thì nó bắn súng, mình mang dao, kiếm ra đánh với nó thì đâu có đánh lại được".
Vậy là từ những vật liệu bỏ đi như ống thép xe ô tô, ông đã cắt "từ đường ray xe lửa, trong mảnh boom, từ cái đống sắt vụn mà hai bàn tay không và cái lò rèn thôi mà làm ra cái nòng súng, cái thanh súng rồi các bộ phận khác...".
"Tôi chỉ biết đọc biết viết thôi, thành ra cái bản vẽ không rành lắm. Mình hình dung trong đầu mình ra để làm. Mỗi người hoàn thành trong 1 tháng đó được 1 khẩu súng trường".
Anh hùng LLVTNDVN Tô Văn Đực.
(Ảnh chụp từ phim tư liệu)
Thừa nhận bản thân chỉ biết chữ đủ để biết đọc biết viết nhưng người thanh niên Tô Văn Đực của mảnh đất Củ Chi ấy đã làm được những điều khiến người ta ngưỡng mộ. Ông đã cải tiến từ súng ngựa trời bắn tầm gần đến súng trường bắn tầm xa cho du kích chiến đấu. Khẩu súng ngắn K54 dành cho cán bộ vào thành cũng được nâng cấp từ 8 lên 14 viên. Thu gom của kẻ địch loại đạn nào thì sản xuất, cải tiến súng bắn được loại đạn đó...
Khẩu súng ngắn K54 được nâng cấp từ 8 lên 14 viên.
NGƯỜI MỸ THUA NÔNG DÂN VIỆT NAM.
Anh hùng LLVTNDVN Tô Văn Đực.
Anh hùng LLVTNDVN Tô Văn Đực.
Một bước ngoặt trong những sáng chế của anh hùng Tô Văn Đực là vào năm 1966. Năm này, Mỹ tiến hành càn quét trên diện rộng với sự yểm trợ của xe tăng, máy bay, phi pháo hạng nặng âm mưu nhằm tiêu diệt quân chủ lực của ta, giành dân – lập ấp, cố tạo ra thế đi mới trên bàn cờ chiến lược quân sự.
"Xe tăng, xe lửa nước nó vào đồng vụ để càn quét vùng Củ Chi. Lúc đó mình toàn súng thô sơ, nhất là du kích làm gì có B40 để chống lại xe tăng" - anh hùng Tô Văn Đực nói - "Anh Tám Thạnh lúc ấy cho tôi mượn 2 quả mìn cán. Tôi đặt ngay lỗ châu mai, cách khoẳng 50 thước, xe đi ngang cán đúng mìn nổ. Từ đó tôi thấy tính năng của mìn có thể bẻ được cuộc càn của xe tăng".
Sau khi phát hiện ra điều này, ngay lập tức, ông cùng đồng đội bắt tay vào sản xuất mìn cán nhằm chặn bước tiến của xe tăng địch.Thế nhưng, để chế tạo được mìn, chàng trai trẻ Tô Văn Đực khi ấy không ít lần đứng giữa ranh giới sinh tử.
"Ban ngày mình tranh thủ đi nhặt bom không nổ về cưa ra"- ông nhớ lại - "Trong cái đợt đó bom nó thả xuống rất nhiều và có một loạt bom nó không nổ. Mình đào tới từ trên xuống trái bom nó khoảng chừng 2 thước. Trái bom rất to, khoảng 300 ký".
"Tôi mới nói thôi bây giờ các anh, các chị đi xa ra để mình tôi xuống tôi coi. Thì lúc đó có những người người ta mới thấy thế, nói "anh này còn trẻ mà chết thế tội quá". Bởi họ biết chắc là tôi sẽ chết".
"Trong cái gian khổ khó khăn thì mình phải đi đầu".
Anh hùng LLVTNDVN Tô Văn Đực.
Không chỉ giải nguy cho người dân, những khối bom được phát hiện trở thành nguồn thuốc nổ quý giá cho du kích của ta chế tạo bom mìn. Anh hùng Tô Văn Đực tiếp tục nghiên cứu và chế ra loại mìn gạt – đảm bảo hiệu quả mỗi khi đụng độ với xe tăng địch.
Với sức công phá của mìn gạt, khoảng 5000 xe tăng Mỹ đã bị hạ gục trước cỗ máy phá tăng Tô Văn Đực. Xe tăng địch trúng mìn, trực thăng sà xuống lấy xác, cánh quạt thổi mạnh làm nổ tung những quả mìn gạt được gài ngửa trên cây khiến trực thăng cũng tan xác.
Mìn gạt - sáng chế của anh hùng Tô Văn Đực.
Với những chiến tích từ sáng tạo của chàng trai trẻ Tô Văn Đực, rất nhanh chóng, dư luận thế giới kháo nhau về một anh nông dân chế tạo mìn phá tăng khiến Mỹ ngỡ ngàng và điêu đứng. Chính người Mỹ không bao giờ nghĩ rằng chỉ với một đội quân "chân trần", nhân dân Việt Nam đã làm nên những kì tích tưởng chừng như không thể giữa thế kỷ XX.
(Ảnh chụp từ phim tư liệu)
Anh hùng Tô Văn Đực nói về sự rúng động tạo ra từ những việc mình làm: "Thằng Mỹ không ngờ đến, thành ra nó không tưởng tượng được một người nông dân như vậy mà tạo được một loại vũ khí mà diệt xe tăng được như vậy. Nó cũng rất bất ngờ".
"Trong chiến tranh, cũng có những nhà báo đến tìm hiểu. Có lần tôi tiếp một Trung tá, cựu chiến binh Mỹ qua tìm hiểu tại sao Mỹ thua Việt Nam. Tôi cũng trình bày hết cái cách tôi làm như vậy, như vậy... thì sau cùng nó mới nói một câu như thế này: Người Mỹ mà thua nông dân Việt Nam".
Cho đến khi hòa bình lặp lại, Anh hùng Tô Văn Đực tiếp tục có những cống hiến ở lĩnh vực kỹ thuật quân sự, trong vai trò là Phó Chủ nhiệm kỹ thuật Quân khu 7. Giờ đây khi đã gác lại việc nhà binh, ông vẫn hằng ngày nghiên cứu và hoài niệm về những chiến tích xưa như để không quên những ngày tháng cùng đồng đội chiến đấu. Nhìn và ôn lại quá khứ, cũng là cách để trân quý hơn những gì đang có của hiện tại...
"Sống ở mảnh đất Củ Chi bom đạn mà bom đạn nó tránh tôi để tôi sống đến bây giờ".
"Không có gì quý bằng cuộc sống hết".
Là một chương trình mới được sản xuất bởi Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) của Đài Truyền hình Việt Nam, "Những anh hùng thế kỷ XX" đã được phát sóng trên chương trình Chuyển động 24h và các nền tảng số của VTV Digital bắt đầu từ ngày 15/7. Các số của "Những anh hùng thế kỷ XX" - chương trình được đồng hành của công ty Golf Long Thành - được đăng tải trên Báo điện tử VTV.VN và Fanpage Trung tâm Tin tức VTV24.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!