Bản quyền truyền hình: Cần một cơ chế linh hoạt

Đức Huỳnh-Thứ bảy, ngày 27/04/2013 18:33 GMT+7

 Khai thác, sử dụng bản quyền truyền hình của Đài THVN như thế nào cho hợp lý để không vi phạm, tiến tới ký kết hợp đồng giữa VTV với các đơn vị về vấn đề sử dụng bản quyền chương trình truyền hình... là nội dung chính được đưa ra thảo luận trong Hội thảo về bản quyền của Đài THVN được tổ chức vừa qua.

Vì sao dẫn tới vi phạm bản quyền?

Vấn đề bản quyền và bản quyền truyền hình là một khái niệm còn khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam trong việc tiếp nhận thông tin, sử dụng và bảo vệ chính quyền lợi của mình.

Đối với Đài THVN, Phó TGĐ Nguyễn Thành Lương cho biết: “Hai năm trở lại đây, Đài THVN đã quan tâm đến vấn đề bản quyền chương trình, cung cấp cho người dân những chương trình tự sản xuất và các chương trình mua bên ngoài. VTV cũng không sử dụng các chương trình không có bản quyền để phát sóng”.

‘ Phó TGĐ Nguyễn Thành Lương phát biểu tại Hội thảo

Một ví dụ cho việc Đài THVN thực hiện tốt công tác bản quyền: VTV là một trong những cơ quan đầu tiên đã tiến hành ký kết với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để chi trả cho các nhạc sĩ, các bài hát mà Đài sử dụng trên sóng.

Tuy nhiên, trong khi VTV đang thực hiện tốt những vấn đề về bản quyền chương trình truyền hình thì chính VTV lại bị các đơn vị ngoài, các trang mạng sử dụng các chương trình của mình mà không xin phép, không có hợp đồng trao đổi.

Cùng mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm bản quyền của các tổ chức, công ty đối với các chương trình của Đài THVN, các đại biểu tham dự Hội thảo có nhiều ý kiến rất thiết thực.

Theo bà Lê Hương Giang – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, việc VTV bị vi phạm bản quyền là do sự phát triển của hệ thống phát thanh truyền hình. Nhiều kênh ra đời cần một lượng chương trình lớn trong khi năng lực sản xuất có hạn dẫn đến việc sẽ lấy các chương trình của đơn vị khác mà VTV là một trong số đó. Bên cạnh đó, do khoa học công nghệ phát triển nên việc trao đổi chương trình dễ dàng hơn (qua vệ tinh, cáp quang, internet) khiến việc sử dụng lại các chương trình truyền hình cũng dễ dàng hơn.

Ở một khía cạnh khác, luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh cho rằng: “Trong lĩnh vực truyền hình các luật chồng chéo lẫn nhau, hiểu biết về người tạo sản phẩm và người khai thác chưa đầy đủ nên việc vi phạm bản quyền đã trở thành “thói quen” mà chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc mình làm”.

Nguyên nhân dẫn đến vi phạm bản quyền được thể hiện ở nhiều khía cạnh song điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cũng như uy tín của các chương trình của VTV, dẫn đến nhiều hệ lụy kéo theo.

Ảnh hưởng từ việc vi phạm bản quyền

Theo thống kê chưa đầy đủ, việc các đơn vị sử dụng lại các chương trình của VTV mà không có xin phép, không có hợp đồng đăng phát trên các kênh, bằng các hình thức khác nhau đã thu lại số tiền không nhỏ từ những chương trình này. Và đương nhiên, lợi nhuận này VTV sẽ không được hưởng.

Theo bà Vũ Thị Thanh Tâm, Trưởng ban Kiểm tra – Đài THVN, hợp đồng mà Đài THVN mua bản quyền rất khắt khe, việc vi phạm bản quyền của các tổ chức cá nhân ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của Đài, ngoài ra còn đẩy VTV đến vấn đề vi phạm hợp đồng bản quyền đã ký với đối tác.

‘ Nhiều đơn vị sử dụng lại các chương trình của VTV mà không có xin phép...

Với vị thế là Đài Truyền hình quốc gia, ngoài lợi ích kinh tế mà VTV chịu ảnh hưởng mà còn liên quan đến hình ảnh, thương hiệu của Đài trong mắt khán giả truyền hình cả nước và những đối tác của mình.

Để hạn chế vấn đề xâm phạm bản quyền của mình, việc Đài THVN cần làm ngay là có những biện pháp kịp thời và linh hoạt, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và có những thỏa thuận hợp tác, trao đổi mua bán bản quyền chặt chẽ.

Tiến tới giảm mức vi phạm đến mức thấp nhất

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, chúng ta có luật tác giả và quyền liên quan tương đối hoàn thiện nên phía VTV cần có ý kiến về những nơi đã xâm phạm bản quyền của mình. Song song với đó, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với VTV, Cục PTTH và TTĐT chấn chỉnh từng bước vấn đề xâm phạm bản quyền.

Theo Phó TGĐ Nguyễn Thành Lương, từ 1/7/2013, Đài THVN sẽ giao cho Trung tâm Quảng cáo làm đơn vị đầu mối ký kết hợp đồng kinh tế trong việc trao đổi, mua bán bản quyền với tất cả các đơn vị có nhu cầu khai thác tư liệu chương trình của Đài THVN (miễn phí hoặc có tính phí bản quyền).

Đại diện đến từ Công ty BHD, Tập đoàn truyền thông Hoàng Gia, hai trong số các đơn vị có hợp tác với Đài THVN mong muốn rằng cần có một cơ chế linh động trong các hợp đồng bản quyền chương trình phát sóng, các quy chế phải thực hiện rõ ràng hai bên cùng có lợi.

“VTV nên đưa ra nguyên tắc xác định giá, có sự thuận lợi cho đối tác dựa trên vai trò bình đẳng chi phí”, đại diện đến từ MyTV cho biết thêm.

Phó TGĐ Nguyễn Thành Lương cho biết, Đài THVN tổ chức Hội thảo nhằm mục đích đưa ra vấn đề bản quyền để các bên có thể nắm rõ được thông tin, thiện chí của VTV trong việc hợp tác vấn đề bản quyền, trao đổi chương trình. VTV và các đối tác sẽ đàm phán trên cơ sở đảm bảo sự bình đẳng, phát triển lẫn nhau và có những cơ chế linh hoạt theo đúng luật pháp.

Cùng với việc vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước chấn chỉnh lại hoạt động bản quyền là cơ chế linh hoạt của Đài THVN trong việc khai thác, trao đổi, sử dụng chương trình truyền hình. Hy vọng thời gian tới, mức độ vi phạm bản quyền đối với các chương trình của Đài sẽ giảm xuống, đảm bảo sự phát triển đúng hướng theo đúng khuôn khổ pháp luật, nâng cao hơn nữa vị thế của Đài THVN trong lòng khán giả và bạn bè quốc tế.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước