Nữ BTV đảm nhận vị trí dẫn dắt của chương trình đã viết khá dài về cuộc thi, các thí sinh, câu chuyện hậu trường chưa từng xuất hiện trên ti vi.
BTV Diệp Chi viết: "Bức ảnh chụp vội của 2 chị em, khi cô nàng bên cạnh đang "tám" chuyện vui gì đó với á quân Quốc Anh. Trong các bức ảnh chụp cùng 3 bạn nam sau khi chương trình kết thúc, Hằng không đội vòng nguyệt quế. Cả nhóm vẫn trò chuyện vui vẻ, cười đùa bên nhau như... không có gì xảy ra. Olympia là vậy. Phút trước có thể vừa là đối thủ giành nhau từng điểm một, phút sau đã vỗ vai "tao, mày" tíu tít rồi.
Là người dẫn chương trình, mình và Huy thường xuyên khuyến khích các bạn hãy cứ thoải mái, thả lỏng suốt cuộc chơi. Nếu buồn cứ khóc, khi vui cứ cười, khát thì cứ... xin uống nước trên sóng truyền hình, không sao cả. Thấy lúc đứng khó suy nghĩ quá thì ngồi hẳn trên sàn mà tính cho ra đáp án. Hoặc nằm bẹp xuống luôn, như bạn Hoàng trường Ams mới đây, cũng được. Có người trả lời câu hỏi kiểu thong thả, điềm đạm thì cũng có bạn ăn to, nói lớn, trả lời như... "mắng" MC. Mình vừa đọc câu hỏi vừa cố nhịn cười thôi chứ chẳng bao giờ cảm thấy bị thiếu tôn trọng. Thi xong vẫn một câu dạ chị, hai câu vâng anh, có gì đâu mà nghĩ. Các bạn còn trẻ lắm nên chúng mình chẳng bao giờ cậy mình là người lớn để phán xét. Có nhắc thì chỉ cần nói khẽ một câu là mọi thứ ổn ngay.
Olympia bao nhiêu năm nay đã chủ động tạo ra bầu không khí thoải mái, gần gũi, thân thuộc để khuyến khích các bạn trẻ cứ-là-chính-mình. Thế thì mới có những người chơi đa sắc, những cá tính đa dạng được khán giả ghi nhớ như vậy. Thế thì lâu rồi mới không phải nghe câu "em tới đây để giao lưu, học hỏi" nữa. Bạn nào cũng thể hiện khát khao mạnh mẽ, xác định đích đến rõ ràng "em sẽ thi hết mình", "em đi thi để giành vòng nguyệt quế cho nhà trường, cho gia đình, cho bản thân em". Thẳng thắn, chân thành, quyết tâm, ấy là điều bọn mình luôn chờ đợi và động viên các bạn thể hiện.
Ai cũng biết thi Olympia khó lắm. Hàng chục câu hỏi kiến thức Đông Tây kim cổ. Thời gian giới hạn, bạn thi xuất sắc, áp lực từ kỳ vọng của gia đình, thầy cô, từ chính bản thân mình... Chỉ tập trung cao độ cho cuộc thi thôi đã hết cả hơi sức rồi. Sao có thể vừa nghĩ về câu hỏi khó, vừa suy tính xem lên hình thế nào cho nết na, lịch sự, cử chỉ điệu bộ từ tốn, lựa lời ăn nói nhỏ nhẹ, vừa lòng bạn chơi, vui lòng khán giả? Thế thì đi thi học sinh thanh lịch cho rồi.
Đến với Olympia, chắc chẳng bạn nào chuẩn bị trước các tình huống, kiểu như nếu ghi điểm thì ăn mừng ra sao, bạn mình thắng thì chúc mừng thế nào, hay lỡ vô địch rồi mà bạn vẫn còn trả lời thì ta nên cư xử làm sao cho nhã nhặn. Tất cả đều là bộc phát, bản năng, là hồn nhiên, vô tư hết. Mười bảy tuổi thôi mà, hơn Sumo nhà mình có 7 tuổi. Thấy vui thì cứ vui thôi, nào kịp nghĩ gì. Mà đáng vui quá đi chứ. Vô địch chung kết năm cơ mà. Nếu bạn không xem Olympia thì không bàn, nhưng xem thường xuyên, bạn sẽ hiểu cái chức vô địch này thực sự rất... khủng đấy. Nhất tuần, nhất tháng, nhất quý rồi mới tới chung kết năm. Cuộc thi nào cũng phải căng não tối đa, đối thủ thì càng ngày càng mạnh. Là đại diện ưu tú duy nhất của khắp các trường trên cả nước cơ mà. Để thắng và thắng thuyết phục thì kiến thức thôi chưa đủ. Thực sự cần cả tinh thần "thép". Thế thì chúng ta mới phải đợi tới tận 9 năm để lại có một bạn nữ đăng quang. Nếu Hằng không quyết đoán, mạnh mẽ, không bộc phát, bản năng như thế, chắc gì vòng nguyệt quế năm nay đã thuộc về em. Cú bấm chuông ghi số điểm 80 ở phần thi "Vượt chướng ngại vật" cũng phần nhiều là bộc phát. Quyết định chỉ trong tích tắc, giây phút đó nào ai kịp nghĩ nhiều.
Rất khó để bắt một cô gái còn rất trẻ lại có cá tính mạnh phải hành xử theo kiểu tinh tế. Sự tinh nhạy ấy cần rất nhiều trải nghiệm trong đời. Nhiều người lớn đến tuổi U40 như mình và hơn nữa còn cư xử hết sức vụng dại thì với người trẻ đáng tuổi con cháu, có là gì.
Trong thời khắc ấy, sau bao dồn nén của những lo lắng, căng thẳng, áp lực, nếu vui đến muốn hét lên cho cả thế giới biết thì sao phải kìm, phải giấu? Có bạn comment: chỉ đứng một chỗ chỉ tay lên trời là cũng đã kìm lắm rồi :). Các bạn bằng tuổi hãy thử một lần đặt mình vào vị trí của cô gái ấy để cảm nhận. Nhớ xem lần mình cảm thấy tự hào, hãnh diện về bản thân nhất là khi nào, mình hành xử lúc đó ra sao... Còn người lớn với rất nhiều bài học và trải nghiệm, cũng đã từng là người trẻ, lẽ ra nên hiểu những xúc cảm của tuổi trẻ quí vô cùng. Nhất là trong khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời như vậy. Có khắt khe, khó tính mà nhắc nhở, góp ý thì cô bé sẽ tiếp thu thôi. Đằng này, thành "ném đá" hội đồng, dùng từ ngữ nặng nề thì theo mình là rất thiếu văn minh và rất ác.
Mình định không nói, nhưng rồi thấy cũng cần có trách nhiệm bảo vệ cô gái nhỏ. Cuộc thi gay cấn kết thúc, lẽ ra người chiến thắng phải được sống trong men say ngất ngây hạnh phúc thì giờ lại phải lên báo thổ lộ là em thấy chạnh lòng, tổn thương... Lý do chỉ là vì vài ba động tác ăn mừng chẳng ảnh hưởng tới ai trên sóng truyền hình. Liệu có đáng? Rồi sau này còn ai dám "hết mình" nữa? Thể hiện cảm xúc, dẫu thái quá còn hơn là gặp chuyện vui đấy, có chuyện buồn đấy mà cứ phải lạnh te, không dám thể hiện gì. Vì sợ bị đánh giá. Sống mà cứ phải lựa, phải lấm lét nhìn trước ngó sau, lo bị người này soi, sợ bị người kia xét thì còn gì là đời mình.
Với bản lĩnh và sự cứng cỏi vốn có, mình tin Hằng sẽ sớm vượt qua chuyện này để tiếp tục theo đuổi ước mơ em ấp ủ. Cái gì cần học thì đã học được ngay rồi. Anh Trần Lập từng viết: "Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai...". Thành công nào cũng có chút trái đắng. Việc của mình là nhấm nháp nó cho biết vị, rồi sau đó, ngẩng cao đầu mà đi tiếp thôi em".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!