BTV Quang Minh: Để đạt hai từ "Đặc biệt", tôi đã mất 1 năm

T.H-Thứ sáu, ngày 02/09/2016 09:12 GMT+7

VTV.vn - Đây là chia sẻ của BTV Quang Minh về bộ phim phát sóng khung VTV Đặc biệt tháng 9 - Những người ở lại trong lòng đất.

Những người ở lại trong lòng đất là chương trình truyền hình thực tế sẽ phát trong khung giờ VTV Đặc biệt tháng 9, do Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN thực hiện. Thông qua trải nghiệm của các nhân vật, chương trình đem lại cho người xem một bức tranh sinh động về cuộc sống của những người dân tại địa đạo Vịnh Mốc, Quảng Trị trong những năm kháng chiến gian khổ.

Trước khi bộ phim chính thức được ra mắt khán giả, hãy cùng VTV News trò chuyện với BTV Quang Minh - Phó Phòng Tương tác, Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN để tìm hiểu về quá trình thực hiện tác phẩm đặc biệt này.

Chào anh Quang Minh! Anh có thể chia sẻ cùng khán giả về ý tưởng ban đầu để ê-kíp thực hiện bộ phim Những người ở lại trong lòng đất?

- Lúc đầu, Phòng Tương tác, Ban Thanh thiếu niên được giao nhiệm vụ làm một chương trình giao lưu tại Quảng Trị vào tháng 4/2015. Chúng tôi đã đến Quảng Trị làm cuộc khảo sát để thực hiện cuộc giao lưu đó. Nhưng khi đến nơi, gặp gỡ rất nhiều nhân vật, tìm hiểu câu chuyện, đọc tài liệu chúng tôi nghĩ rằng nếu chỉ làm một cuộc giao lưu rất lãng phí, với chất liệu tốt như vậy nên làm thành phim.

BTV Quang Minh: Để đạt hai từ Đặc biệt, tôi đã mất 1 năm - Ảnh 1.

BTV Quang Minh trong những ngày tìm kiếm nhân vật tại Quảng Trị

Vậy tại sao ê-kíp lại lựa chọn dạng phim truyền hình thực tế?

- Kịch bản ban đầu của bộ phim chỉ là một bộ phim tài liệu đơn thuần. Chúng tôi tính toán chỉ làm một bộ phim tài liệu có thời lượng 60 phút. Nhưng đến khi có chất liệu trong tay, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN đều mong muốn ê-kíp cố gắng hơn để sản xuất thành chương trình VTV Đặc biệt.

Thực ra, nghe đến VTV Đặc biệt, cả đoàn đều rất hào hứng và bắt đầu họp ý tưởng. Tôi chắp bút viết kịch bản từ tháng 5/2015. Sau đó, đoàn có trở lại Vĩnh Linh nhiều lần để tìm ra một cách làm cụ thể. Bên cạnh đó, ê-kíp cũng chia thành nhiều nhóm để nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu câu chuyện, gặp gỡ nhân chứng. Sau này, chúng tôi cho rằng nếu làm một bộ phim bình thường để kể cho khán giả câu chuyện lịch sử thì rất khó để trở thành một bộ phim đặc biệt.

Ở thời điểm đó, nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng Ban Thanh thiếu niên có gợi ý về việc tìm cách thể hiện đặc biệt nhất. Khi ấy, chúng tôi gặp đạo diễn người Nhật Bản Sakistu. Ông nói thế mạnh của chúng tôi là tương tác, vậy tại sao chúng tôi lại không chọn hình thức tương tác cho bộ phim tài liệu này? Chúng tôi đã tìm một cách tương tác để khán giả ngầm hiểu đó là nét mới của mình. Sự tương tác trong bộ phim không chỉ là giữa chương trình với khán giả, đó còn là sự tương tác giữa hai thế hệ, giữa những người trẻ và những nhân chứng lịch sử.

Không phải vô tình mà chúng tôi chọn những nhân vật có hồ sơ cá nhân khá đặc biệt. Chúng tôi chọn một giáo viên Văn vì đó là người có khả năng nói, có cách để dung hòa cuộc sống trong địa đạo. Một người nước ngoài để nói ra tiếng nói của họ dưới con mắt khác biệt với người Việt Nam, vì bạn ấy chưa bao giờ có cơ hội biết về chiến tranh Việt Nam. Một người thứ 3 có kiến thức về kiến trúc để hình dung ra nhiệm vụ đào địa đạo là như thế nào. Tôi nghĩ ba ngày ở dưới lòng đất và trải nghiệm đào địa đào là những ngày cực kỳ đáng nhớ trong cuộc đời họ.

BTV Quang Minh: Để đạt hai từ Đặc biệt, tôi đã mất 1 năm - Ảnh 2.

Ê-kíp thực hiện bộ phim Những người ở lại trong lòng đất

Ngoài những yếu tố này, bộ phim còn mang tới cho khán giả những điều đặc biệt nào khác?

- Cách thể hiện cho bộ phim chính là những yếu tố đặc biệt, nó giúp người trẻ dễ tiếp cận hơn. Chúng ta nói quá nhiều tới chiến tranh, nhưng khán giả bây giờ có nhiều cách để tiếp cận câu chuyện lịch sử. Họ có thể không cần xem phim mà đọc sách, tham khảo qua internet để hiểu về địa đạo Vịnh Mốc nhưng trên thực tế, nếu không bước chân vào nơi này, họ sẽ khó có thể hình dung địa đạo như thế nào.

Thậm chí, những người bước chân vào địa đào cũng khó biết mình đang ở vị trí nào, tổng thể toàn bộ hệ thống địa đạo ra sao. Vì thế, chúng tôi có sử dụng công nghệ scan 3D trong hình ảnh truyền hình cho bộ phim. Công nghệ này từng được sử dụng trong bộ phim Bản hòa tấu Sơn Đoòng. Tuy nhiên, với địa đạo Vịnh Mốc, công nghệ này dùng hiệu quả hơn rất nhiều. Địa đạo được làm bằng tay nên máy quét có thể "chạm" đến từng góc cạnh trong khi với hang tự nhiên thì điều đó khó làm hơn.

Chắc hẳn ê-kíp đã gặp nhiều khó khăn để thực hiện được bộ phim này?

- Quá trình ghi hình cuộc sống trong lòng địa đạo là khó khăn nhất. Bởi vì không gian rất hẹp, trong khi quay trải nghiệm thực tế đòi hỏi phải di chuyển nhiều, chúng ta lại không thể can thiệp vào cuộc sống của nhân vật. Bạn hãy thử tưởng tượng việc di chuyển trong địa đạo chật có khi chỉ vừa một người, trong khi anh em quay phim nào cũng cao 1,70m thì sẽ khó khăn như thế nào, chưa kể thiết bị âm thanh ánh sáng trong đó. Mỗi nhân vật phải có ít nhất một biên tập viên, một quay phim, một kỹ thuật viên âm thanh đi cùng, mỗi lần họ di chuyển là cả ê-kíp phải theo, lại không được để lọt hình quay, âm thanh, ánh sáng phải đảm bảo. Trong địa đạo hẹp, trải dài hơn 3 ngày, anh em quay phim cực kỳ vất vả.

Việc bộ phim được phát sóng trong khung VTV Đặc biệt có làm ê-kíp cảm thấy áp lực?

- Thực ra, chữ "Đặc biệt" cực kỳ áp lực. Để đạt được chữ "Đặc biệt", tôi và đồng nghiệp đã mất hơn 1 năm từ lúc viết kịch bản, cho đến thực hiện những cảnh quay đầu tiên.

BTV Quang Minh: Để đạt hai từ Đặc biệt, tôi đã mất 1 năm - Ảnh 3.

Lê Nguyên Thiêm, Nguyễn Vy Trang và Rory Martin Taylor là ba nhân vật được trao cơ hội tham gia trải nghiệm trong bộ phim VTV Đặc biệt "Những người ở lại trong lòng đất".

Vượt qua nhiều khó khăn như vậy, anh kỳ vọng bộ phim đặc biệt này sẽ mang đến cho khán giả thông điệp gì?

- Địa đạo Vịnh Mốc đã kỷ niệm 51 năm ngày người dân Vĩnh Linh bổ nhát cuốc đầu tiên xây dựng. Trải qua hơn 50 năm, nhiều người gần như đã lãng quên lịch sử. Có thể, họ vẫn biết sự tồn tại của địa đạo nhưng nó không còn đủ sức hấp dẫn để họ tìm hiểu, khác thác sâu về nó.

Tôi nghĩ trong bộ phim này, chúng tôi đặt mình vào tâm thế của người trẻ, mong muốn tìm hiểu, khám phá về cội nguồn của địa đạo, để đưa đến cho khán giả một góc nhìn hoàn toàn mới. Góc nhìn đó được thể hiện bởi 3 bạn trẻ tham gia trải nghiệm. Những người tương tác với họ là bốn vị khách. Đây là những người đã trực tiếp tham gia cuộc chiến, có người bổ nhát cuốc đầu tiên xây địa đạo, có người lại là văn công sinh hoạt trong lòng địa đạo.

Cá nhân anh có suy nghĩ gì khi bộ phim sắp lên sóng ra mắt khán giả?

- Tôi rất có duyên nợ với Quảng Trị, chưa bao giờ đến nơi này mà tôi không có cảm xúc đặc biệt. Tôi luôn đau đáu muốn làm gì đó về mảnh đất này. Đây là bộ phim đầu tay nhưng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều đồng nghiệp từ đạo diễn, quay phim đến biên tập viên, các chuyên gia nước ngoài... tham gia các công đoạn sản xuất. Đặc biệt là tôi đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Đài THVN, lãnh đạo ban Thanh thiếu niên. Tôi hy vọng khi phát sóng, bộ phim sẽ giúp khán giả có những góc nhìn đa chiều với giá trị của địa đạo Vịnh Mốc.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Bộ phim Những người ở lại trong lòng đất sẽ được phát sóng vào 20h15 hôm nay (2/9) trên kênh VTV1. Mời quý vị và các bạn đón xem!

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước