BTV Trần Huy: 5 năm làm VTV Đặc biệt "Còn mãi nhịp đập trái tim", có những lúc tôi nghĩ phải bỏ cuộc vì không có gì trong tay

Chu Anh-Thứ ba, ngày 22/09/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Kết thúc cả một hành trình dài thực hiện bộ phim VTV Đặc biệt "Còn mãi nhịp đập trái tim", BTV Trần Huy và ê-kíp sản xuất đã trải qua quá nhiều cảm xúc khó có thể quên.

Ý tưởng thực hiện bộ phim tài liệu này đã có từ năm 2015. Anh có thể chia sẻ vì lý do gì mà mình tiếp cận đề tài này? 

BTV Trần Huy: Thời điểm đó, anh Đỗ Quốc Khánh - Trưởng Ban Khoa giáo đã gợi ý cho tôi về ý tưởng này, đó là thực hiện một bộ phim nói về sự thay đổi của những người sau khi được ghép tim có liên quan đến người hiến. Sau đó tôi được giới thiệu, kết nối với các bác sĩ ở Học viện 103. Sau thời gian tìm hiểu, tôi thấy hiện tượng này đã từng được nhắc đến ở trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì chưa có bộ phim nào chuyên sâu về mặt khoa học để nghiên cứu vấn đề này. Tôi cảm thấy rất tò mò và chủ động tìm kiếm thêm thông tin qua những bài báo, chương trình đã có ở nước ngoài. Thực tế, đã có nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng như vậy tại Mỹ, Anh. Sau đó, tôi quay trở lại tìm kiếm những câu chuyện tại Việt Nam. Liệu Việt Nam có những trường hợp bệnh nhân như vậy hay không? 

Đến cuối năm 2015 thì có những bài báo đưa ra trường hợp giống như vậy. Nhưng đó chỉ là dưới góc độ của tác giả, còn chưa có một bài báo nào mà tôi cảm thấy thực sự khách quan và rõ ràng. Càng nghiên cứu, càng tìm hiểu sâu về điều này thì tôi thấy càng thú vị. Nếu chỉ nói về kỹ thuật ghép tim thì đã có rất nhiều bộ phim nhắc đến nhưng để giải thích hiện tượng người hiến và người nhận có sự liên quan đến nhau về mặt khoa học như thế nào thì thực sự chưa có một bộ phim nào tại Việt Nam đề cập đến. 

Quá trình tìm kiếm nhân vật của anh đã diễn ra như thế nào trong 5 năm đó? 

BTV Trần Huy: Quá trình đi tìm nhân vật lúc đầu tưởng chừng là dễ, nhưng ngay lập tức tôi gặp phải khó khăn đầu tiên. Đó là số lượng người ghép tim của Việt Nam thì không nhiều. Thời điểm cách đây 5 năm thì mới chỉ có khoảng hơn 10 trường hợp được ghép tim. Điều khó khăn thứ hai là để đánh giá được sự thay đổi của họ thì cần thêm thời gian sau phẫu thuật. Lúc đấy gần như trong tay tôi không có bất cứ một nhân vật nào cả. 

Một điều khó khăn nữa là đề tài này, nếu chỉ dừng lại việc chúng ta nói chuyện với nhau hoặc đọc những bài báo thì cảm thấy rất ly kỳ và hấp dẫn. Thế nhưng, đối với những người làm truyền hình như chúng tôi, làm thế nào để chuyển tải được những nội dung đó sang ngôn ngữ hình ảnh thì bắt buộc phải cần có nhân vật, phải có những hình ảnh thể hiện được nhân vật đó thay đổi thế nào.

Đã có những lúc chúng tôi tưởng chừng phải bỏ cuộc, bởi vì hai năm trôi qua không có một bệnh nhân nào có sự thay đổi như vậy. Tôi đã đến gặp không ít bệnh nhân tại bệnh viện Việt Đức sau khi được ghép tim thì sự thay đổi duy nhất của họ chỉ về mặt sức khỏe là tiến triển rất tốt. 

Thế nhưng như vậy vẫn chưa đủ, nếu chỉ nói về mặt sức khỏe thôi thì bộ phim này không có gì đặc biệt. Điểm đặc biệt chính là sự thay đổi về mặt tính cách, thói quen của người được nhận. Sự thay đổi đó phải có sự tương đồng trùng hợp với người hiến. Sau đó chúng tôi nghĩ rằng mình vẫn phải tiếp tục, không thể từ bỏ được, nếu không thì sẽ mất đi cả quá trình suốt 3 năm ròng rã tìm kiếm. 

BTV Trần Huy: 5 năm làm VTV Đặc biệt Còn mãi nhịp đập trái tim, có những lúc tôi nghĩ phải bỏ cuộc vì không có gì trong tay - Ảnh 1.

Vậy trong bộ phim này của mình, có những nhân vật, câu chuyện nào anh đưa tới khán giả?

BTV Trần Huy: Đến tháng 4/2018, chúng tôi có thông tin của bệnh nhân được ghép tạng xuyên Việt. Thời điểm đó, chúng tôi chỉ biết thu thập tất cả hình ảnh, thông tin về bệnh nhân đó với hy vọng người đàn ông này sẽ có thay đổi về sau. Sau đó đến cuối năm 2018, bệnh nhân được ghép tim này bắt đầu có sự thay đổi và khi đó chúng tôi rất mừng. Đã có những điều hết sức lạ và ly kỳ xảy ra với bệnh nhân này. Nhưng với một bộ phim tài liệu phát sóng trong khung VTV đặc biệt, nếu chỉ để một nhân vật kéo dài xuyên suốt trong 50 phút với đề tài này thì sẽ không đủ tính khách quan. 

Chính vì vậy, chúng tôi lại tiếp tục gặp gỡ những bệnh nhân khác. Đầu tiên là cháu Đạt, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam được ghép tim khi mới 10 tuổi. Tôi đã theo quá trình của cháu và hy vọng rằng cháu sẽ có sự thay đổi. Thế nhưng cuối cùng thì tôi cũng không đạt được mong muốn của mình khi cháu không có nhiều sự thay đổi về mặt tính cách, thói quen. Chúng tôi lại thất bại lần nữa trong việc lựa chọn nhân vật và đến tháng 10/2019 thì biết được bé Chi, bệnh nhân nhỏ tuổi thứ hai được ghép tim tại Việt Nam. 

Khi gặp bé Chi, chúng tôi thực sự bất ngờ. Mặc dù chỉ mới gặp lần đầu tiên thôi nhưng cách nói chuyện của cháu đối với chúng tôi khiến chúng tôi cảm giác Chi không phải là một cháu bé mới 10 tuổi. Chúng tôi tiếp tục đến nhà cháu Chi một vài lần sau đấy thì rõ ràng nhận ra cháu có những cảm xúc rất đặc biệt và có mối liên kết nào đấy đối với gia đình của người hiến.

Vậy, ngoài khó khăn đi tìm nhân vật, anh và ê-kíp thực hiện còn gặp khó khăn nào khác nảy sinh?

BTV Trần Huy: Khó khăn thứ nhất như tôi chia sẻ là tìm được nhân vật. Nhưng tìm được rồi thì mới chỉ được 50% của chặng đường và 50% còn lại là làm thế nào để thuyết phục được bệnh nhân tham gia câu chuyện của mình? Có những bệnh nhân có sự thay đổi mà tôi thấy rất hay. Thế nhưng tôi rất tiếc phải chia tay với họ bởi vì họ đưa ra những lý do cá nhân mà mình cần phải tôn trọng. Họ không muốn xuất hiện, không muốn chia sẻ vì một lý do nào đó thì ở góc độ nhà báo thì tôi không thể làm gì khác. 

Chính vì vậy, 50% còn lại để thuyết phục được nhân vật thì rất khó. Trong trường hợp của cháu Chi thì chúng tôi có những thuận lợi hơn trong việc thuyết phục gia đình. Nhân vật thứ hai trong bộ phim là ông Trần Tuấn thì ban đầu cũng có những trục trặc, khó khăn để kết nối được. 

BTV Trần Huy: 5 năm làm VTV Đặc biệt Còn mãi nhịp đập trái tim, có những lúc tôi nghĩ phải bỏ cuộc vì không có gì trong tay - Ảnh 2.

Cảm xúc của anh thay đổi như thế nào trong suốt hành trình dài 5 năm ấy?

BTV Trần Huy: Cảm xúc của những người thực hiện chúng tôi thay đổi liên tục. Đầu tiên là háo hức mong chờ bởi vì đây là một ý tưởng rất phù hợp cho dự án VTV Đặc biệt. Thế nhưng từ sự háo hức đấy thì chuyển sang tò mò. Tò mò đi tìm và càng tìm hiểu thì càng thấy những điều hấp dẫn. Và tiếp đến là thất vọng. Thất vọng ở chỗ đây là một đề tài rất hay, rất nhiều thứ để kể cho khán giả nhưng mình không có nhân vật thì làm thế nào? 

Sau đó, chúng tôi có một tia hy vọng, đó là tìm được nhân vật. Có nhân vật rồi thì họ lại thay đổi và có những người không đồng ý xuất hiện nữa thì lúc đấy thực sự như chúng tôi rơi xuống đáy của cảm xúc. 

Chúng tôi lại chấp nhận đành phải chờ đợi. Hai, ba năm trôi qua, tôi xác định bộ phim này của mình có khi phải kéo dài đến năm, bảy năm. Thế nhưng cuối cùng thì may mắn cũng đến. Chúng tôi gặp được nhân vật, thuyết phục được họ và thực sự là cả đoàn làm phim cảm thấy thời gian chờ đợi mình vừa qua rất xứng đáng. 

Ở bộ phim này ngoài việc lý giải về khoa học về sự trùng hợp giữa người hiến và người nhận thì việc khuyến khích, thay đổi suy nghĩ của mọi người về việc hiến tạng được anh đưa vào phim như thế nào? 

BTV Trần Huy: Việc nâng cao nhận thức của hiến tạng thì từ trước đến nay truyền thông của Việt Nam nói chung và VTV đã làm rất tốt. Trong bộ phim này, tôi đi trực tiếp từ góc độ của chính người người thân của người hiến tạng. Như chị Giang, vợ anh Soái thì phản ứng đầu tiên không đồng ý hiến tạng chồng là điều hết sức tự nhiên đối với bất kỳ ai trong hoàn cảnh đó. Nhưng sau đấy chị đã có sự thay đổi mang tính quyết định. Tôi nhận thấy có những người dân sống nông thôn nhưng lại có tư tưởng về việc hiến tạng khác trước rất nhiều. Việc chết toàn thây hay những quan niệm cổ hủ trước đây đã được gạt bỏ sang một bên. 

Thế nhưng mà vẫn còn tồn tại một thực trạng là những người xung quanh, họ nhìn những người hiến tạng và gia đình đó bằng một con mắt hoàn toàn khác. Nhận thức của họ chưa thay đổi nhiều so với những gì mà truyền thông chúng ta mong muốn. Chính vì vậy, tôi muốn kể câu chuyện về nỗi khổ của người vợ, của người mẹ và thậm chí là của những đứa con nhỏ hoàn toàn thơ ngây trước những câu nói gièm pha của người xung quanh.

BTV Trần Huy: 5 năm làm VTV Đặc biệt Còn mãi nhịp đập trái tim, có những lúc tôi nghĩ phải bỏ cuộc vì không có gì trong tay - Ảnh 3.

Trong bộ phim này, có những cái chi tiết nào theo anh gây xúc động mạnh và ám ảnh người xem?

BTV Trần Huy: Có một tình huống khiến cho chính bản thân chúng tôi từ các anh quay phim, ánh sáng, kỹ thuật âm thanh ngay tại hiện trường đã thực sự không cầm được nước mắt. Lúc đó chúng tôi chỉ cố gắng làm sao giữ máy của mình không bị run. Đó là khi người vợ của người hiến, chị Giang áp sát tai để lắng nghe nhịp đập trái tim của chồng mình được đặt trong lồng ngực của cháu Chi. 

Ở thời khắc ấy, gần như mọi người cảm giác đều nghe được nhịp đập đó như thế nào. Tôi nghĩ đấy là khoảnh khắc rất khó để có thể quay lại lần thứ hai và nếu có quay lại được thì cảm xúc sẽ mất đi rất nhiều. 

Với những hiện tượng kỳ lại như vậy thì ê-kíp sản xuất đã chọn cách thể hiện đặc biệt nào để tăng thêm tính ly kỳ, hấp dẫn hơn trong bộ phim?

BTV Trần Huy: Một trong những khó khăn nữa mà mà tôi cũng muốn nhắc đến đó chính là về mặt thể hiện hình ảnh. Ngay khi ý tưởng này của chúng tôi được trình bày với các đồng nghiệp thì đã có rất nhiều anh chị đóng góp ý kiến là bộ phim này có ý tưởng rất hay nhưng lại không khả thi. Bởi vì sao? 

Bởi vì chúng ta làm truyền hình thì việc thể hiện như thế nào những câu chuyện của nhân vật, về tính cách, thói quen, những gì ẩn sâu bên trong bộ não, bên trong trái tim của họ. Tôi chỉ nghĩ rằng mình phải cố gắng làm sao vượt qua được những khó khăn đó để bộ phim thực sự là VTV Đặc biệt. 

Chính vì vậy, chúng tôi quyết tâm làm bằng được. Chúng tôi đã phải trao đổi rất nhiều với ê-kíp hình ảnh, đạo diễn hình và quay phim để có được những hình ảnh đắt giá và truyền tải được nhiều lời bình nhất có thể. Trong phim có đoạn nhân vật nằm mơ thấy người hiến tim cho mình. Đây là một trong những chi tiết mà được chúng tôi chọn cách thể hiện vô cùng đặc biệt để hình ảnh để tăng thêm tính ly kỳ, hấp dẫn. 

BTV Trần Huy: 5 năm làm VTV Đặc biệt Còn mãi nhịp đập trái tim, có những lúc tôi nghĩ phải bỏ cuộc vì không có gì trong tay - Ảnh 4.
BTV Trần Huy: 5 năm làm VTV Đặc biệt Còn mãi nhịp đập trái tim, có những lúc tôi nghĩ phải bỏ cuộc vì không có gì trong tay - Ảnh 5.

Với bộ phim này thì theo anh, việc lý giải dưới góc độ khoa học của các bác sĩ có khiến người xem thoả mãn?

BTV Trần Huy: Tôi nghĩ bộ phim sẽ giải đáp được một phần lý do. Hiện tượng những bệnh nhân được ghép tim có suy nghĩ, tư duy, thói quen và thậm chí là xuất hiện những giấc mơ kỳ lạ như vậy thì đến nay vẫn là một giả thuyết về mặt khoa học. Trên thế giới đã có những trường hợp như vậy. Thế nhưng chưa có một nhà khoa học nào dám khẳng định đó là một sự việc tất nhiên, có nghĩa là 100 người ghép tim thì cả 100 người như vậy. 

Ở bộ phim này tôi cũng không kỳ vọng mình có thể thỏa mãn, hoàn toàn giải đáp được vấn đề này. Bởi vì về mặt khoa học thì đây là một vấn đề chưa được chứng minh một cách hoàn toàn. Thế nhưng cũng đã có những giả thuyết được nhiều nhà khoa học trên thế giới tin rằng đó là giả thuyết đúng, ví dụ như giả thuyết tế bào trí nhớ. 

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thăng, bệnh viện TW Huế đã giải thích về mặt tế bào trí nhớ để khán giả có thể hiểu về mối liên hệ giữa bộ não và quả tim trong cơ thể chúng ta. Học thuyết đó rất tương đồng đối với học thuyết của những chuyên gia đầu ngành trên thế giới. 

Một góc độ nữa chúng tôi cũng muốn giải thích về mặt khoa học đấy là sau khi ghép tim thì bản thân những người được nhận tim gần như bước qua được cái ranh giới của sự sống và cái chết. Chính vì vậy, mọi thứ về mặt suy nghĩ của họ rất tích cực và đôi khi họ có những suy nghĩ về trái tim của một người khác đang đập trong cơ thể mình. Họ luôn suy nghĩ về người hiến đó, không biết là ai, như thế nào, từ đó vô hình chung giống như cảm giác bắt chước lại suy nghĩ, những ký ức của những người hiến tim cho mình.

BTV Trần Huy: 5 năm làm VTV Đặc biệt Còn mãi nhịp đập trái tim, có những lúc tôi nghĩ phải bỏ cuộc vì không có gì trong tay - Ảnh 6.
BTV Trần Huy: 5 năm làm VTV Đặc biệt Còn mãi nhịp đập trái tim, có những lúc tôi nghĩ phải bỏ cuộc vì không có gì trong tay - Ảnh 7.

Những gì còn đọng lại với khán giả sau khi xem bộ phim, theo anh đó là gì?

BTV Trần Huy: Thông điệp lớn nhất mà chúng tôi muốn gửi đến thông qua bộ phim này là việc khuyến khích mọi người có sự nhìn nhận tích cực hơn về việc hiến tạng, cứu người. Điều thứ hai đó là không phải tất cả những trường hợp ghép tim đều có sự thay đổi như vậy. Tôi nghĩ ở đây có một ranh giới khá là mong manh. Đó là sẽ có những quan điểm cho rằng là nếu ghép tim mà người nhận có thể thay đổi tư duy, suy nghĩ thì sẽ có người đặt câu hỏi ngược lại. Đó là nếu như bây giờ tôi nhận được một quả tim của một người mà có đạo đức thấp, có những suy nghĩ tiêu cực thì liệu tôi có bị suy nghĩ như vậy không? 

Đây là một ranh giới rất mong manh nhưng tôi muốn nhấn mạnh là không. Bởi vì về mặt khoa học thì cũng có những giải thích rằng chúng ta không thể chuyển hoàn toàn 100% tất cả những suy nghĩ, tư duy của người hiến xác cho người nhận được. Nếu có thì chỉ một phần nào đó thôi. 

Anh có điều gì tiếc nuối không khi nhìn lại cả hành trình dài mình đã trải qua? 

BTV Trần Huy: Điều tôi tiếc nhất là giá như mình có thể tìm thêm được một nhân vật nữa thì câu chuyện trong phim sẽ mở rộng hơn, giúp cho khán giả có sự tiếp cận nhiều hơn. Nhưng đúng là cũng phải dựa trên tình hình thực tế là hiện tại các ca bệnh ghép tim tại Việt Nam chưa có nhiều. Đây cũng là câu chuyện mà bản thân những người trong cuộc vẫn chưa thực sự cởi mở để chia sẻ vì việc hiến tạng cũng là chuyện nhạy cảm ở Việt Nam

Tôi hy vọng sau bộ phim này, ngoài những gì khán giả cảm nhận được, thì tôi mong những nhân vật của mình khi xem phim sẽ có nhiều cảm xúc bởi họ được nhìn lại những gì mà mình đã từng trải qua, được hồi sinh và may mắn có một cuộc sống mới. 

Xin cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn! 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước