Cất cánh: Niềm tự hào "Tôi là người Việt Nam"!

Minh Huyền-Chủ nhật, ngày 21/01/2024 11:24 GMT+7

VTV.vn - Cất cánh tháng 1 đã mang tới cho khán giả những câu chuyện của những con người bằng nỗ lực tự thân, sự gắn bó máu thịt với văn hóa, với niềm tự hào mang tên Việt Nam.

Những ngày đầu năm mới cũng là thời điểm chúng ta hay chiêm nghiệm về thời gian đã qua, những gì đã và chưa làm được cho mình và cho cộng đồng. Giữa thế giới phẳng, câu hỏi "Tôi là ai?" trở thành một tự vấn cho mỗi người. Làm thế nào để có dấu ấn của riêng mình? Làm thế nào để khẳng định giá trị của bản thân? Làm thế nào để sống có ích cho cộng đồng, xã hội?

Dù trong bất cứ lĩnh vực nào, thể thao, nghệ thuật hay trong hoạt động sản xuất, người Việt Nam vẫn luôn cho thấy năng lực và sức bật đáng nể của mình. Dù đi đâu ta cũng có quyền tự hào - "Tôi là người Việt Nam". Cội nguồn bản sắc dân tộc, lịch sử, cốt cách Việt Nam chính là sức mạnh để mỗi người nỗ lực và phấn đấu. Đó cũng chính là giá trị thiêng liêng, là "DNA Việt Nam" chảy trong dòng máu mỗi người con đất Việt. Và đó cũng chính là nguyên nhân ê-kíp sản xuất chương trình Cất cánh lựa chọn chủ đề trong số phát đầu tiên là "DNA Việt Nam".

Chương trình Cất cánh đầu tiên của năm 2024 có sự tham gia của khách mời bình luận Phạm Việt Anh - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan; cùng với ba diễn giả: Nguyễn Quốc Hoàng Anh - Giám đốc dự án tại Trung tâm âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm; vận động viên Nguyễn Thị Oanh; Kiều Cao Dũng – người doanh nhân đưa sen Việt ra thế giới.\

Cất cánh: Niềm tự hào Tôi là người Việt Nam! - Ảnh 1.

TỰ HÀO VĂN HÓA VIỆT

Câu chuyện đầu tiên mà Cất cánh mang tới trong chương trình là một chàng trai dám đam mê, dám đi đến tận cùng niềm yêu thích của mình để sáng tạo và khoác lên tấm áo mới cho những giá trị văn hóa truyền thống. Đó chính là con đường giúp cậu tạo ra những nét đẹp truyền thống độc đáo cho chính thời đại mình đang sống.

Nguyễn Quốc Hoàng Anh là một trong số ít những người trẻ tạo được dấu ấn trên con đường đưa những giá trị truyền thống đến gần hơn với công chúng bằng những sáng tạo mới mẻ, mang hơi thở đương đại. Với Hoàng Anh, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật đương đại nói riêng là những biểu hiện quan trọng của con người, kết nối chúng ta với nhau, với quá khứ, hiện tại và tương lai... Đó cũng là con đường giúp chúng ta tạo ra truyền thống mới cho chính thời đại mình đang sống.

Cất cánh: Niềm tự hào Tôi là người Việt Nam! - Ảnh 3.

'Với cá nhân tôi, tôi cho rằng bản sắc giống như một định chế. Chúng ta tạo ra nó. Nhưng thực chất, bản sắc có tính chất tiếp biến'.

Sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên ở Nam Định, trưởng thành tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Hoàng Anh ngấm văn hoá cùng gia đình nhà nội ở Nam Định, rồi mỗi khi hè về, anh lại được chơi cùng các bạn bè người dân tộc Mường, Tày, Cao Lan ở quê ngoại Phú Thọ. Khi về Hà Nội, anh tôi sống trong khu văn hóa nghệ thuật Mai Dịch, xung quanh là các khu tập thể của đoàn chèo, đoàn tuồng, nhà hát nhạc vũ kịch… mà mọi người vẫn hay gọi vui là kinh đô nghệ thuật. Điểm tiếp theo trong hành trình dịch chuyển của Hoàng Anh là Hà Giang – nơi mang đến cho anh nhiều cảm xúc.


Ngã rẽ quan trọng trên hành trình của Hoàng Anh là cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn, nhạc sĩ Trần Kim Ngọc và tham gia Đom Đóm - Trung tâm âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm, bắt đầu hoạt động như một nghệ sĩ và thực hành nghệ thuật đương đại. Bởi trước đó, anh hoàn toàn không có khái niệm gì về đương đại thể nghiệm cũng như chối bỏ và đầy định kiến về di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống. Hoàng Anh bắt đầu đi vào thực hành nghệ thuật đương đại khi tìm thấy trong nghệ thuật phương tiện để biểu đạt mình. Cùng những người bạn của mình, Hoàng Anh tạo nên Lên Ngàn - nền tảng văn hóa nghệ thuật. Những tác phẩm và dự án của Lên Ngàn thúc đẩy sự chuyển tải những cảm hứng từ di sản văn hóa và nghệ thuật truyền thống qua các biểu đạt của nghệ thuật đương đại thể nghiệm.

Cất cánh: Niềm tự hào Tôi là người Việt Nam! - Ảnh 5.

"Với tình yêu dành cho gia đình, quê hương, xứ sở của mình, muốn yêu thương và muốn tìm hiểu nó có thể giúp chúng ta có một sự tự tin. Khi ra với thế giới, chúng ta có thể đóng góp vào bức tranh đa dạng văn hóa của quốc tế qua việc tạo nên hình ảnh một Việt Nam mới trong đa dạng, đó là một Việt Nam tôn vinh sự khác biệt và bao dung", Hoàng Anh chia sẻ.

NIỀM TỰ HÀO TRÊN TỪNG BƯỚC CHẠY

Đam mê và không ngừng sáng tạo, đó là cách mà Hoàng Anh đạt được những thành tựu của riêng mình. Đam mê cũng là cách mà Nguyễn Thị Oanh lí giải về những thành tích mình đạt được. Mỗi bước chạy, mỗi tấm huy chương mà cô đạt được là bao mồ hôi, nước mắt và là những nỗ lực không ngừng nghỉ.

Năm 2023, Nguyễn Thị Oanh đã đạt nhiều thành tích xuất sắc. Cô thi đấu nổi bật ở SEA Games 32 với 4 tấm huy chương vàng tại các nội dung 1.500m, 3.000m chướng ngại vật, 5.000m và 10.000m. Trong đó, Nguyễn Thị Oanh tạo nên kỳ tích khi giành 2 huy chương vàng liên tiếp chỉ trong 20 phút. Tiếp đó, tại Giải vô địch Thế giới 2023, Nguyễn Thị Oanh lập kỷ lục cá nhân mới trên đường chạy 1.500m với thành tích 4 phút 12 giây 28. Ngày 1/1/2024, với thành tích 1 giờ 15 phút 10 giây, Nguyễn Thị Oanh đã lập kỷ lục quốc gia mới ở cự ly bán marathon của nữ, phá kỷ lục cũ của chính cô (1 giờ 15 phút 24 giây). Với Oanh, đằng sau những tấm huy chương là sự khát khao chiến thắng, sự quyết tâm không ngừng nghỉ, sự kiên trì bền bỉ và cả niềm tự hào dân tộc sâu sắc.

Cất cánh: Niềm tự hào Tôi là người Việt Nam! - Ảnh 7.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê thuộc xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, Nguyễn Thị Oanh là cô con gái thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em. Sự trưởng thành của cô gắn với những giọt mồ hôi của bố mẹ trên ruộng đồng. "Trong tất cả các chặng hành trình, thật hạnh phúc và may mắn khi tôi luôn có bố mẹ và gia đình ở bên", Nguyễn Thị Oanh nói.

Nắm 2024 là năm thứ 14 Nguyễn Thị Oanh gắn bó với hành trình của một vận động viên điền kinh. Cô luôn có sự đồng hành, ủng hộ yêu thương của gia đình, thầy cô, bạn bè và người hâm mộ điền kinh trong suốt chặng đường dài đó. Cô luôn biết ơn những điều đó, những điều tốt đẹp mà cuộc sống đã ban tặng cho mình.

Nguyễn Thị Oanh nhớ về năm lớp 9, khi tham gia vào CLB việt dã của huyện thi giải Báo Bắc Giang. Sau khi thi đấu và đạt giải nhì, cô được tham gia lớp tuyển chọn vào Trường năng khiếu của tỉnh. Cùng năm, cô được lên tuyển quốc gia. Vượt qua những khó khăn đầu tiên, Nguyễn Thị Oanh đã bản lĩnh, trưởng thành hơn đối đầu với thử thách.

Cất cánh: Niềm tự hào Tôi là người Việt Nam! - Ảnh 8.

Thành tích mới chớm nở nhưng cánh cửa hi vọng gần như đóng lại khi Nguyễn Thị Oanh phát hiện mình mắc bệnh viêm cầu thận vào cuối năm 2014. "Nghĩ về quãng thời gian ấy, đó là lúc tôi vô cùng sốc và tuyệt vọng, bởi khi đó từ một cô gái năng động, yêu thích vận động thì sau khi bị bệnh đã buộc tôi phải dừng tập luyện hoàn toàn, tập trung vào điều trị, thực sự không còn điều gì tồi tệ hơn thế", Nguyễn Thị Oanh tâm sự.

Hơn 10 ngày nằm tại viện, Nguyễn Thị Oanh cũng được nhận tin tốt từ bác sĩ khi tiếp nhận điều trị thuốc tốt, tình trạng bệnh đã tiến triển, có thể ra viện điều trị tại nhà và tái khám theo lịch. Kiên trì, bền bỉ điều trị, Nguyễn Thị Oanh đã có tiến triển rất tốt. Đặc biệt, cô còn có cơ hội trở lại với điền kinh. Đó là một niềm vui rất lớn với Nguyễn Thị Oanh. Nhưng chặng đường để cô trở lại với đường đua không đơn giả như vậy.

Vì thuốc điều trị bệnh gây teo cơ và có nguy cơ loãng xương nên Nguyễn Thị Oanh vẫn chưa tập luyện được lại. Cô phải tuân theo một chế độ nghiêm ngặt để phục hồi. "Tôi biết nếu mình muốn quay trở lại thì phải kiên trì và bền bì, và tôi đã cố gắng vượt qua", Nguyễn Thị Oanh kể.

Cất cánh: Niềm tự hào Tôi là người Việt Nam! - Ảnh 9.

Một lần nữa, sau huy chương Đồng vào năm 205, Nguyễn Thị Oanh lại được khoác lên mình áo đội tuyển quốc gia, có cơ hội được đại diện cho đất nước tham gia thi đấu các giải quốc tế. Cô nói: "Trong mỗi bước chân của tôi trên đường chạy đó không chỉ là niềm hạnh phúc của riêng tôi mà nó còn là niềm tự hào, sự quan tâm của gia đình, thầy cô và bạn bè và lớn hơn là sự hào dân tộc".

TỰ HÀO GIỮ HỒN NÉT VIỆT


Niềm khao khát khẳng định bản lĩnh của mình, khẳng định tên tuổi của Việt Nam trên trường quốc tế là động lực mạnh mẽ thôi thúc mỗi người Việt dám nghĩ, dám làm. Câu chuyện khép lại Cất cánh là hành trình bền bỉ của một người đàn ông với mong muốn giữ hồn những nét đẹp tinh túy của Việt Nam, mang những nét đẹp ấy đi khắp năm châu. Đó là Kiều Cao Dũng, một người con sinh ra lớn lên trong một gia đình thuần nông, thuộc vùng đất xứ Đoài Hà Nội - một vùng đất đậm nét văn hóa truyền thống đặc trưng của cửa ngõ phía Tây Hà Nội.

Cất cánh: Niềm tự hào Tôi là người Việt Nam! - Ảnh 11.

Cuộc sống gắn bó với những nét văn hóa truyền thống đã thôi thúc anh Dũng mong muốn có cơ hội khám phá nhiều hơn các mảnh đất trên dải đất hình chữ S. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường mỗi lần được xem các chương trình về văn hóa trên TV hoặc đọc những cuốn sách giời thiệu về văn hóa lịch sử dân tộc Việt Nam anh lại càng yêu thêm những giá trị truyền thống đó.

Có một câu chuyện anh Cao Dũng không thể quên là có lần đưa cô khách người Nhật đến làng lụa Vạn Phúc. Cô mua được một cái chăn chần bông do nghệ nhân làm. Đây là kĩ thuật khâu đặc trưng vì để hoàn thành một sản phẩm yêu cầu người nghệ nhân phải tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ và thủ công hoàn toàn bằng tay không có sự hỗ trợ từ bất kì các loại máy móc nào. Nhìn thấy trong mắt một người nước ngoài niềm yêu thích, ngưỡng mộ với văn hoá Việt Nam khiến anh vô cùng tự hào và thôi thúc trong lòng mình về một dự án sẽ đưa những giá trị truyền thống đó đi xa hơn nữa trong tương lai đồng thời lưu giữ và đưa những hình ảnh giá trị văn hoá đó đi xa hơn trong tương lai.

Cất cánh: Niềm tự hào Tôi là người Việt Nam! - Ảnh 12.

Với mong muốn ấy, Cao Dũng đã bắt đầu thực hiện ý tưởng đầu tiên của mình với dự án Sen bất tử. Tại sao là hoa sen? Vì Sen được coi là Quốc hoa của Việt Nam và là biểu tượng cho tâm hồn, nhân cách của người Việt. Không ở đâu trên thế giới này sen lại được trồng nhiều như ở Việt Nam và sen có mặt trong rất nhiều sinh hoạt của người Việt. Hoa sen vừa để cắm vừa để làm trà, lá sen được dùng làm thuốc, củ sen được dùng làm thực phẩm…

Với dự án này, anh Cao Dũng đã đưa những chất liệu tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng lên chất liệu Lá sen và lưu lại vẻ đẹp của những bông hoa sen để dù bất cứ ở đâu, bất cứ mùa nào không chỉ người Việt Nam mà cả những du khách quốc tế đều có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sen Việt trên những sản phẩm như vậy.

Dự án lớn thứ 2 của Cao Dũng đó là kết nón với lá Bồ Đề. Anh đã thực hiện dự án biến những chiếc lá Bồ Đề thành những chiếc nón. Anh mong muốnkhi chiếc lá rụng xuống, sẽ muốn viết tiếp phần đời cho lá, biến chúng thành những chiếc nón để tiếp tục sứ mệnh che chở cho đời, cho người.

Cất cánh: Niềm tự hào Tôi là người Việt Nam! - Ảnh 13.

"Từ Sen bất tử đến nón lá Bồ Đề, tôi mong muốn mình có thể giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Thông qua sản phẩm quà tặng lưu niệm, tôi mong muốn đưa hình ảnh Việt Nam đi xa hơn đến bạn bè quốc tế và đưa bạn bè thế giới đến gần hơn với văn hóa, đất nước và con người Việt Nam", anh Cao Dũng nói.

Cất cánh tháng 1 đã mang tới cho khán giả những câu chuyện của những con người bằng nỗ lực tự thân, sự gắn bó máu thịt với văn hóa, với nguồn cội cùng sự tự hào mang tên Việt Nam, đang và sẽ cống hiến để xây dựng quê hương, để khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Mời quý vị theo dõi chương trình Cất cánh qua video dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước