Cất cánh tháng 11: Câu chuyện về những bạn trẻ nỗ lực học tập để vươn tới ước mơ

Thanh Huyền-Chủ nhật, ngày 19/11/2023 10:57 GMT+7

VTV.vn - Các diễn giả của Cất cánh tháng 11 - Đường đến ngày mai - đều thông qua con đường học tập để được tận hiến, được biết ơn, được đóng góp vào sự phát triển của quê hương.

Lên sóng vào tối 18/11, Cất cánh tháng 11 với chủ đề "Đường đến ngày mai" là những câu chuyện về những bạn trẻ đã nỗ lực học tập để vươn tới những ước mơ, thực hiện những điều tốt đẹp, được sống tận hiến, được sống biết ơn, được đóng góp vào sự phát triển của quê hương, xứ sở. Chương trình có sự tham gia của khách mời bình luận NGND - GS. TS Nguyễn Hữu Đức - Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cất cánh tháng 11: Câu chuyện về những bạn trẻ nỗ lực học tập để vươn tới ước mơ - Ảnh 1.

Ở vùng núi Tây Bắc của Tổ quốc, có một cô giáo người Tày muốn dạy cho các em nhỏ tình yêu quê hương đất nước bằng các bài hát theo một cách đặc biệt, để rồi từ đó những bài học cứ nhẹ nhàng ngấm vào tâm hồn những đứa trẻ hồn nhiên trong trẻo. Đó là cô giáo trẻ Hoàng Thị Luyến, sinh năm 1986. Cô đã hai lần nhận được giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương.

Cất cánh tháng 11: Câu chuyện về những bạn trẻ nỗ lực học tập để vươn tới ước mơ - Ảnh 3.

Xuất thân là một gái dân tộc Tày yêu ca hát, với mong muốn có thể mang con chữ, lời ca tiếng hát tạo động lực cho các em học trò nghèo vùng cao, cùng với nỗ lực học tập tốt để sau này có cuộc sống tươi sáng hơn, Hoàng Thị Luyến đã chọn con đường trở thành một giáo viên âm nhạc và chủ động xin về công tác tại trường THCS Bảo Nhai, một trường có tỷ lệ 90% là đồng bào dân tộc miền núi. Hơn 10 gắn bó cùng ngôi trường miền cao, đảm nhiệm cùng lúc 2 vị trí là giáo viên bộ môn và Tổng phụ trách Đội, cô giáo Luyến đã không ngừng cố gắng để truyền cảm hứng cho học sinh, thông qua từng tiết dạy, từng bài giảng cùng các hoạt động phong trào của nhà trường, giúp các em thêm hiểu, thêm yêu những khúc hát từ núi rừng, từ con người Tây Bắc để từ đó gắn bó hơn với trường lớp, với thầy cô và bạn bè.

Chia sẻ trên đường băng Cất cánh, cô giáo Luyến bộc bạch về những khó khăn khi chọn lựa con đường trở thành một nhà giáo. Môi trường mới, đối tượng học sinh cũng khác, với hơn 90% là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là con em đồng bào người dân tộc Mông, nên cô gặp không ít khó khăn về phương pháp, cách thức truyền đạt sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, do đặc thù của bộ môn mỗi trường chỉ có một giáo viên nên việc học tập kinh nghiệm giảng dạy là vô cùng khó khăn. Để giúp các em học sinh gần gũi với các bài học hơn, cô Luyến đã có 6 sáng kiến kinh nghiệm về lĩnh vực giảng dạy bộ môn ứng dụng có hiệu quả tại đơn vị.

Cô giáo Hoàng Thị Luyến cho biết cô luôn tâm niệm "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo, luôn luôn cố gắng phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Mong muốn lớn nhất của cô là tiếp tục được gắn bó với mảnh đất Bắc Hà – quê hương thứ 2 của mình.

Cách đây không lâu, trong buổi lễ tốt nghiệp tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Ngô Công Tiến Anh đã có một bài diễn văn làm lay động lòng người. Những giọt nước mắt xúc động cảm phục không phải bởi Tiến Anh là một chàng tân kỹ sư xuất sắc mà bởi sự biết ơn về người mẹ sở hữu 2 bằng kỹ sư của cậu sinh viên giỏi giang ấy. Trên con đường đi đến ngày mai của chàng kỹ sư luôn là bóng dáng của mọt người mẹ nông dân để khiến cho con đường của chàng thanh niên luôn vững chắc hơn bao giờ hết.

Cất cánh tháng 11: Câu chuyện về những bạn trẻ nỗ lực học tập để vươn tới ước mơ - Ảnh 6.

Ra trường với điểm số trung bình là 3,69/4, Tiến Anh nằm trong nhóm 7% sinh viên xuất sắc của trường Đại học Bách Khoa đợt này. Ít ai biết rằng con đường học tập của anh cũng gặp nhiều khó khăn và thử thách. Chặng đường đến thành công của Tiến Anh luôn có bóng dáng của những "người thầy" đặc biệt, những người chưa một lần bước lên bục giảng đường. Đó chính là những người thân của Tiến Anh.

Lớn lên và đã quen với việc thiếu đi bóng dáng người cha, người vất vả nhất trong gia đình Tiến Anh là mẹ. Mẹ anh làm nhiều nghề để kiếm tiền, vừa làm nông, vừa mở tiệm may mặc nhỏ để xoay sở cho cuộc sống và mẹ vẫn luôn đầu tư cho hai anh em theo đuổi con đường học hành.

"Tôi biết rằng hoàn cảnh của gia đình em không phải là trường hợp vô cùng đặc biệt, thậm chí có rất nhiều gia đình còn khó khăn hơn. Tuy nhiên thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn đều tiếp tục sống và phải sống, thật tốt, thật có ích", Tiến Anh kể lại.

Cất cánh tháng 11: Câu chuyện về những bạn trẻ nỗ lực học tập để vươn tới ước mơ - Ảnh 7.

Khác với người anh trai tài giỏi, thành tích học tập của Tiến Anh vào những năm đầu học tiểu học rất kém, thậm chí năm lớp 1 Tiến Anh còn suýt ở lại lớp. Thời điểm đó cả nhà đều rất lo cho anh. Lần đầu tiên Tiến Anh đạt học sinh giỏi là vào năm lớp 5, năm đó anh cũng có được cho vào đội đi thi Học sinh giỏi của trường nhưng cũng chỉ nhận về kinh nghiệm.

Việc học cứ thế tiếp tục cho tới quãng thời gian Tiến Anh thi đại học. Anh đặt nguyện vọng cao nhất không phải là Cơ điện tử, mà là một ngành khác cũng ở ĐH Bách Khoa, tuy nhiên điểm thi không đủ, và anh đỗ vào ngành Cơ điện tử. Thời gian đó, anh cũng khá buồn, tuy nhiên anh vẫn quyết tâm theo học và sẽ cố gắng trở lên vượt trội ở trong lĩnh vực đó.

Tuy nhiên, đến một môi trường mới, Tiến Anh nhận được những cơn sóng thử thách đầu tiên. Đó là nỗi nhớ gia đình, là cú sốc khi bắt đầu bước vào những buổi học đầu tiên. Phần vì kiến thức rất lớn và khó, rất khác so với bậc phổ thông, phần nữa vì chứng kiến các bạn bè ở đây đều là những học sinh rất xuất sắc, rất thông minh. Chính anh trai lại là người giúp Tiến Anh vượt qua giai đoạn khó khăn này.

"Ngoài những thầy cô đã dạy dỗ tôi từ nhỏ tới lớn, với tôi, còn 2 người thầy không ở trường, ở lớp nhưng đó là hai con người đối với tôi là phi thường" – Tiến Anh tâm sự - "Người đầu tiên là bà nội, người có tuổi thơ cùng cực khi mưu sinh tại mảnh đất Hà Nội này, sau này khi lên trên Mộc Châu gây dựng theo tiếng gọi của Đảng, bà cũng trải qua vô vàn những khó khăn, từ những biến cố trong gia đình, từ chiến tranh, và nỗi đau không gì lớn hơn khi mất đi 2 người con, là bác và bố tôi. Dù vậy thì cuộc sống vẫn tiếp diễn, bà luôn gác lại những đau thương và vun vén cho hạnh phúc của các con các cháu. Tôi rất vui khi thấy bà vẫn cất tiếng hát, vẫn quan tâm tới đàn con cháu và miệt mài tham gia đóng góp cho chi hội chi bộ Đảng".

Tiến Anh nói tiếp: "Người thứ 2 là mẹ của tôi, một người phụ nữ không rõ với sự mạnh mẽ như nào, khi thiếu đi người đồng hành, một chỗ dựa mỗi lúc mệt mỏi, một lá chắn với thói đời khi phải nuôi lớn hai đứa con mà không biết tương lai sẽ diễn ra như nào. Bằng cách nào đó mà mẹ vẫn quyết tâm để chấp nhận tất cả. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ coi chúng tôi như gánh nặng của mình, tôi thấy mẹ đã cố gắng, đã chăm chỉ để lo cho hai anh như vì chính bản thân mình. Chính mẹ đã tạo nên gia đình thành một thể thống nhất và dạy cho chúng tôi bài học, khi mà thế hệ trước cố gắng vì thế hệ sau, thế hệ sau lại tiếp tục vì thế hệ sau nữa. Có lẽ đó là cách mà gia đình tôi vượt qua hoàn cảnh mà tiến bộ lên dần".

Trần Việt Hùng là nhà sáng lập và chủ tịch công ty công nghệ Got It có trụ sở tại thung lũng Silicon và đội ngũ kỹ sư tại Việt nam. Got It phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực giáo dục, bắt đầu với nền tảng chia sẻ kiến thức dưới dạng dịch vụ đang được hơn 300 đại học trên khắp nước Mỹ sử dụng và gần đây công ty đang tập trung xây dựng nền tảng trí tuệ nhân tạo tạo sinh MathGPT để biến sách giáo khoa thành các quyển sách thông minh có thể tự dạy được học sinh bằng cách cho học sinh chat với bất kỳ nội dung nào trong sách và xem các bài giảng video tương tác được tạo ra từ nội dung của sách theo yêu cầu của học sinh, để học sinh có thể phần nào hoàn toàn tự học. Nền tảng này cũng là trợ giảng đắc lực cho các giáo viên bằng cách giúp soạn giáo án, giáo trình, tạo bài tập, bài thi, chấm thi và viết phản hồi cho từng học sinh.  

Cất cánh tháng 11: Câu chuyện về những bạn trẻ nỗ lực học tập để vươn tới ước mơ - Ảnh 10.

Theo Trần Việt Hùng, trong ngành công nghệ, yếu tố con người là quan trọng nhất. Các công ty công nghệ khổng lồ như Google, Meta, Microsoft đều đầu tư rất mạnh tay để có được lực lượng kỹ sư hùng hậu làm nòng cốt để xây dựng lên những sản phẩm công nghệ có ảnh hưởng tới hàng tỷ người dùng trên toàn cầu. Để xây dựng được một nền kinh tế phát triển dựa trên công nghệ, Việt Nam cần một lực lượng kỹ sư công nghệ và các nhà quản lý sản phẩm chất lượng cao có khả năng xây dựng những sản phẩm công nghệ đột phá.

"Khi nhìn thấy một nguồn tài năng thô rất lớn ở trong nước, làm sao để tận dụng được, để các tài năng không bị phí hoài là một trong những trăn trở khiến tôi và đồng nghiệp liều mình đặt bước chân đầu tiên thực hiện phương án mới, phi truyền thống", Trần Việt Hùng chia sẻ.

Theo đó, Trần Việt Hùng và các đồng nghiệp đã xây dựng chương trình thứ nhất, GEMO, là chương trình đào tạo thực chiến đặc biệt dành cho các bạn sinh viên sắp ra trường hoặc mới đi làm trong vòng 2 năm để lấp các khoảng trống về kiến thức nền, kỹ năng thực tế, ngoại ngữ, và kỹ năng mềm để các bạn có khả năng cạnh tranh tương đương như các sinh viên mới tốt nghiệp ở nước ngoài, sẵn sàng làm việc được ở các tập đoàn công nghệ lớn. Các kỹ sư tham gia chương trình được dẫn dắt chỉ bảo bởi đội ngũ cố vấn chính là các kỹ sư phần mềm người Việt đang làm việc ở các tập đoàn công nghệ ở khắp nơi trên thế giới thông qua việc xây dựng các dự án công nghệ thực tế. GEMO hướng tới mục tiêu đào tạo 6000 kỹ sư phần mềm và các nhà quản lý sản phẩm một năm.

Cất cánh tháng 11: Câu chuyện về những bạn trẻ nỗ lực học tập để vươn tới ước mơ - Ảnh 11.

Tuy GEMO có hướng tiếp cận rất khác biệt để có thể đẩy nhanh quá trình lấp lỗ hổng để đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thực chiến, nó chỉ giải quyết vấn đề ngắn hạn. Để có một nguồn nhân lực có chiều sâu cho tương lai, công nghệ nên được đào tạo từ lứa tuổi rất sớm. Đó chính là lý do Trần Việt Hùng tham gia chương trình thứ hai, STEAM for Vietnam. Đây là một hoạt động phi lợi nhuận để mang giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế về cho học sinh Việt nam một cách hoàn toàn miễn phí. STEAM for Vietnam được thành lập và vận hành bởi các chuyên gia người Việt trên toàn thế giới. Đặc biệt năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử STEAM for VietNam tổ chức cuộc thi Robotics cấp quốc gia để lựa chọn ra 19 đội tuyển với hơn 120 học sinh đi tham gia giải đấu Robotics lớn nhất hành tinh VEX World tại Hoa Kỳ.

"Có một mục tiêu rõ ràng là điều quan trọng nhưng một điều khác nữa là việc học tập không ngừng nghỉ" – Trần Việt Hùng nói – "Thế giới không còn tĩnh nữa, nó luôn chuyển động. Có những thứ hôm nay là trên đỉnh nhưng ngày mai lại có thể trở thành không có ý nghĩa nữa. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo là điều vô cùng quan trọng, không chỉ với những người làm công nghệ. Nó có thể là chiếc đũa thần cho các bạn. Tôi hy vọng mọi người đều có thể học để sử dụng AI".

Đường đến ngày mai có điểm khởi đầu từ ngày hôm nay. Bạn có thể lựa chọn cho mình một cách học khác nhau như những diễn giả tham gia Cất cánh tháng 11 đã có cách lựa chọn của riêng mình. Nhưng tri thức luôn là hành trang để bạn có một tương lại tốt đẹp hơn...

Cùng theo dõi chương trình Cất cánh tháng 11 qua video dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước