Nhìn lại quãng thời gian đầu 2023 vẫn còn rất nhiều thử thách. Mỗi người sẽ có mục tiêu, có phương hướng để thay đổi và phát triển của riêng mình. Nếu như chúng ta cứ đi theo quán tính, với một đường thẳng liệu thành công có thể đến hay ta cần có sự thay đổi, một ngã rẽ bất ngờ?
Giữa guồng quay cuộc sống nhiều thách thức này, khi gặp khó khăn mỗi người sẽ phải đối diện như thế nào? Ở lĩnh vực nào cũng có thể tìm thấy những cơ hội trong biến cố nếu như chúng ta có những nỗ lực tự thân, sự sáng tạo, bển bỉ, kiên định hoặc dũng cảm chọn những lối đi riêng độc đáo. Khó khăn không thể cản ngăn, mà đôi khi khó khăn sẽ là động lực. Đâu sẽ là những bước ngoặt để ta thay đổi cuộc đời?
Cất cánh tháng 4 là những câu chuyện về những con người khi đứng trước những khó khăn đã đưa ra những lựa chọn quyết liệt, dũng cảm vì bản thân, gia đình và cộng đồng của mình. Cất cánh gọi đó là những BƯỚC NGOẶT ĐỔI THAY.
Với một số người, hành trình của họ có lẽ là bằng phẳng, trải đầy hoa hồng. Nhưng với nhiều người, hành trình ấy lại bập bềnh, nhiều thử thách, khó khăn. Câu chuyện đầu tiên của Cất cánh tháng 4 là một người đàn ông đã không chỉ quyết định bước tiếp mà còn tạo ra được cơ hội từ chính khó khăn của mình.
Sinh ra trong một gia đình làm nông nghèo khó, con đường đi học không bằng phẳng, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng với 4 con số không tròn trĩnh - không quan hệ, không kinh nghiệm, không khách hàng, không tiền. Tuy nhiên, không vì khó khăn mà Hoàng Hữu Thắng lùi bước. Lựa chọn một lĩnh vực còn nhiều mới mẻ và thách thức, rất người dám theo đuổi khi đó, Hoàng Hữu Thắng từng bước khẳng định được vị trí của bản thân trên con đường theo đuổi, đưa doanh nghiệp có chỗ đứng trên thương trường. Điều gì giúp Hoàng Hữu Thắng biến khó khăn thành cơ hội, thay đổi cuộc đời mình và nhiều người khác?
Trên đường băng Cất cánh tháng 4, Hoàng Hữu Thắng không quên những ngày tháng nghèo khó lúc nhỏ. "Tôi sợ cái nghèo, thương bố mẹ nghèo đang nuôi mình nên tôi luôn muốn thoát cảnh đồng ruộng, thoát khỏi nghèo khó. Tôi đặt mục tiêu phải ra ngoài và nó trở thành bước ngoặt quan trọng của cuộc đời" – anh kể - "Tôi bước chân ra cổng làng thi đại học, mang theo bao nhiêu hoài bão nhưng kết quả quả là 4, 5 năm thi đại học đều trượt…"
"Luôn tu dưỡng, rèn luyện để có ý chí đối diện và vượt qua khó khăn của cuộc sống" – Hoàng Hữu Thắng chia sẻ về những yếu tố giúp anh có được thành công – "Thứ 2 là kiên trì, bền bỉ và nỗ lực đến cùng để thực hiện hoài bão của mình. Thứ 3 là luôn cố gắng học hỏi. 12 năm tôi khởi nghiệp là 12 năm tôi luôn học tập".
Năm 2001, khi mới 19 tuổi, Trương Minh Sang đạt huy chương Đồng thể dục dụng cụ tại SEAGames 21, một bước ngoặt quan trọng của cậu bé đường phố. Kể từ dấu mốc quan trọng đó, anh liên tục gặt hái được những tấm huy chương quý giá, đóng góp vào thành tích chung của thể thao Việt Nam tại các kỳ SEAGames.
Tuy nhiên, năm 2011, sau tấm huy chương vàng đồng đội tại SEAGames 26, Trương Minh Sang tuyên bố giải nghệ sau đúng 10 năm kể từ lần đầu giành thành tích tại đấu trường thể tha này. Những thành tích đáng tự hào khi còn là vận động viên chính là động lực giúp Trương Minh Sang tự tin trong vai trò huấn luyện viên của đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam, huấn luyện viên trẻ tuổi nhất của bộ môn này. Đồng hành cùng nhiều lứa học sinh, anh đã mang về nhiều thành tích đáng nể ở các giải đấu khu vực và quốc tế, khẳng định vị trí thể thao Việt Nam trên các đấu trường thế giới.
Trương Minh Sang cho biết, anh tự hào vì sống trên đường phố, tiếp xúc với rất nhiều cám dỗ và tệ nạn hàng ngày nhưng được ba mẹ dạy dỗ, anh không vấp ngã. Anh gọi cơ duyên đến với bộ môn thể dục dụng cụ là một phép màu. Từ 30 người trong lứa vận động viên ban đầu được chọn, anh là người cuối cùng còn trụ lại.
"Tôi chính thức trở thành vận động viên được đào tạo bài bản và được trả lương. Đồng lương đầu tiên tôi mang về cho gia đình là 60.000 đồng. Nếu tôi đi bán kẹo cao su, tôi cũng có thể kiếm được như thế nhưng đây là đồng tiền tôi kiếm ra được từ công việc chính thức, bằng sức lao động của mình. Tôi đã khóc khi cầm về đưa cho ba mẹ", Trương Minh Sang kể.
Thời điểm Trương Minh Sang đau buồn nhất là khi ba mất, các em còn nhỏ tuổi. Đám tang của ba anh được tổ chức ở vỉa hè. Những khó khăn ấy cũng là động lực để anh cố gắng hơn. Năm 2001, anh có mặt trong đội tuyển quốc gia, thuộc danh sách tham gia SEAGames. Nhưng điều không may mắn là anh lại bị chấn thương trước thời điểm SEAGames diễn ra 3 tháng.
"Bác sĩ đã chẩn đoán tôi phải dừng thi đấu 3 – 6 tháng để phục hồi. Tôi đã nghĩ cuộc đời thể thao của mình có lẽ phải dừng ở đây" – Trương Minh Sang kể tiếp – "Lúc ấy có lẽ vì quen nên không còn cảm thấy đau nữa. Tôi có rơi nước mắt nhưng tôi cũng không cảm thấy đau… Kết quả của sự kiên trì là tôi đã đạt được tấm huy chương đồng".
Bước ngoặt tiếp theo của Trương Minh Sang chính là trở thành huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia bộ môn thể dục dụng cụ. Đạt thành công trong sự nghiệp thể thao nhưng Trương Minh Sang cũng có những niềm hối tiếc. Vì quá đam mê công việc mà không thể dành thời gian cho gia đình. Thậm chí, khi mẹ bệnh nặng, anh cũng không thể về thăm vì bận lịch trình huấn luyện của đội tuyển. Chỉ vài ngày trước khi giải đấu diễn ra, Trương Minh Sang nhận được tin mẹ đã qua đời. "Tôi bay ngay về thăm má nhưng lúc ấy má đã đắp chiếu rồi. Trước khi bà mất, bà luôn muốn nhìn đứa con út của má đầu tiên. Nhưng tới khi má mất, tôi cũng không thể nhìn bà lần cuối. Tôi tự hỏi rằng tại sao mình không về lúc biết má bệnh. Điều đó làm tôi day dứt đến bây giờ. Tôi đã có một điều hối tiếc đến cuối cuộc đời", Trương Minh Sang ngậm ngùi nói.
"Trong cuộc đời ai cũng có bước ngoặt. Trong cuộc đời tôi, ngoài sự cố gắng và nỗ lực, tôi có sự yêu thương của gia đình và nhiều người hỗ trợ, đồng hành cùng tôi. Chính điều đó mới có Trương Minh Sang ngày hôm nay", anh kết lại.
Đứng trước mỗi thay đổi, mỗi người lại có sự lựa chọn để có cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn. Câu chuyện khép lại Cất cánh là của một thầy giáo rất trẻ. Anh luôn mong muốn mang đến cho mọi người sự thay đổi từ tri thức và chính câu chuyện của bản thân mình.
Câu lạc bộ tiếng Anh vì cộng đồng được thành lập vào tháng 8/2018, trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Bình Dương. Đây là nơi tập hợp các bạn trẻ yêu thích và mong muốn trau dồi khả năng giao tiếp tiếng Anh. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ 2 buổi/ tháng. Tại đây, các thành viên sẽ thuyết trình và hùng biện tiếng Anh, sau đó đóng góp giúp nhau hoàn thiện các kỹ năng cần thiết. Các thành viên thường xuyên trao đổi qua mạng xã hội về các chủ đề hot bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, câu lạc bộ cũng lan tỏa giá trị yêu thương, đem đến niềm vui cho các em nhỏ khó khăn bằng các chương trình thiện nguyện. Ngoài ra, một lớp học tiếng Anh cũng được mở, hỗ trợ 50 – 100% học phí cho các học sinh nghèo. Người thầy giáo bắt đầu lớp học ấy là Trương Chấn Sang.
Trương Chấn Sang có một tuổi thơ kinh hoàng. 3 tuổi, ba mẹ ly dị, sau đó lần lượt ba, các anh chị lần lượt qua đời. Anh gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng và cuối cùng Trương Chấn Sang lựa chọn con đường học tập, để vừa vượt qua khó khăn của bản thân vừa hy vọng có thể giúp ích cho người khác.
"Một điều hạnh phúc với tôi là khi tôi lan tỏa được giá trị yêu thương đến một số người và họ lại tiếp tục đem những giá trị ấy lan tỏa cho những người xung quanh", Trương Chấn Sang nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!