Cất cánh tháng 5: Những người nông dân mới gieo mầm trên cánh đồng quê hương

PV-Chủ nhật, ngày 22/05/2022 16:59 GMT+7

VTV.vn - Xuất hiện trong chương trình Cất cánh chủ đề Những người gieo hạt là 3 khách mời sinh ra từ làng quê và gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất nông nghiệp quê hương.

Việt Nam là một nước nông nghiệp. Năm 2021, nền kinh tế cả nước gặp muôn vàn khó khăn do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên ngành nông nghiệp không chỉ đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra mà còn tiếp tục giữ vững vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ đã khẳng định một mục tiêu: đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành "nơi đáng sống", văn minh, xanh, sạch, đẹp.

Để những chiến lược, mục tiêu đó trở thành hiện thực, Việt Nam cần một lớp những người "nông dân" mới, với tư duy mới, cách làm mới đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới.

Xuất hiện trong chương trình Cất cánh chủ đề Những người gieo hạt là 3 khách mời vô cùng thú vị gồm: Anh Nguyễn Thanh Nhị, CEO & Founder Công ty An Đình - Người nâng tầm hạt gạo Việt bằng công nghệ Việt; Anh Phạm Ngọc Anh Tùng, 32 tuổi, 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020, người sáng lập trang thương mại điện tử nông sản Foodmap - nơi quy tụ hầu hết các loại nông sản, đặc sản từ mọi miền Tổ quốc và anh Lê Minh Hưng - người sáng lập và điều hành HTX Nông nghiệp Hòa Bình.

Họ đều là những con người sinh ra từ làng quê, thấu hiểu được nỗi vất vả của cha ông mình bao đời mà nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo vào sản xuất, cung ứng nông nghiệp.

Những người nông dân "mới" đó chính là những người đang gieo những hạt mầm tốt lành trên cánh đồng quê hương.

Cất cánh tháng 5: Những người nông dân mới gieo mầm trên cánh đồng quê hương - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Thanh Nhị, CEO & Founder Công ty An Đình - Người nâng tầm hạt gạo Việt bằng công nghệ Việt.

Câu chuyện đầu tiên mà Cất cánh tháng 5 muốn gửi tới khán giả là câu chuyện "Nâng tầm hạt gạo Việt" đến từ diễn giả Nguyễn Thanh Nhị.

Từ một cậu bé sinh ra từ làng dến một sinh viên nông nghiệp, một nghiên cứu viên nhà nước, một nhân viên doanh nghiệp nước ngoài và giờ là một ông chủ, CEO Nguyễn Thanh Nhị đã và đang theo đuổi nông nghiệp như một niềm đam mê cũng là lý tưởng của mình.

Nguyễn Thanh Nhị là một kỹ sư trồng trọt lại là người đứng đầu một doanh nghiệp hơn 20 năm gắn bó với ngành lúa gạo. Anh đã đi khắp các cánh đồng lúa Bắc Trung Nam để tìm ra câu trả lời.

Và hành trình ấy đã gặt hái được "quả ngọt" khi mà những tiến bộ kỹ thuật được anh áp dụng triệt để trong canh tác lúa như: Ngập-khô xen kẽ ( chỉ điều tiết nước vào ruộng lúa ở những giai đoạn nhất định) giúp lúa có bộ rễ khỏe và tiết kiệm nước, giảm lượng giống và phân bón, nhất là đạm (đạm dư thừa không được lúa hấp thụ hết là nguyên nhân hàng đầu phát thải C02), không đốt rơm rạ sau thu hoạch và phân hủy chúng bằng vi sinh để trả lại độ phì nhiêu cho đất ...

Những điều chỉnh này đã giúp giảm .... lượng khí nhà kinh tính trên một diện tích. Qua suốt 3 năm tương đương với 6 vụ thử nghiệm và chứng minh hiệu quả, năm 2021, Anh Nguyễn Thanh Nhị giành giải nhì với phần thưởng trị giá 400.000 USD ( tương đương 9 tỷ đồng) trong cuộc thi "Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults" do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tổ chức.

Có thể khẳng định rằng, cách làm này không những cho ra đời những hạt gạo thơm ngon mà quy trình canh tác ấy còn thân thiện với môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam cam kết lượng thải bằng 0 vào năm 2050.

Phạm Ngọc Anh Tùng, 32 tuổi, 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020, người sáng lập trang thương mại điện tử nông sản Foodmap - nơi quy tụ hầu hết các loại nông sản, đặc sản từ mọi miền Tổ quốc

Cất cánh tháng 5: Những người nông dân mới gieo mầm trên cánh đồng quê hương - Ảnh 2.

Phạm Ngọc Anh Tùng (SN 1989, Thừa Thiên - Huế), vốn là "chàng trai robot" của lớp kỹ sư tài năng khoa Điện tử - Tự động Đại học Bách khoa TP. HCM, có nhiều sáng chế ứng dụng công nghệ. Năm học thứ 3, anh quyết định rời trường để theo đuổi đam mê trong lĩnh vực ứng dụng tự động hóa vào nông nghiệp cho các tập đoàn. Tùng chọn vùng Cầu Đất, Đà Lạt để thực hiện ước mơ công nghệ. Cái duyên với nông nghiệp đã đưa chàng trai trẻ đến với vai trò Giám đốc Cầu Đất Farm Đà Lạt trong 3 năm. 3 năm làm ở nông trại Cầu Đất, Tùng được nuôi dưỡng tình yêu với nông nghiệp. Anh Tùng có cơ hội đến 15 quốc gia để tập huấn, học tập và nghiên cứu các mô hình nông nghiệp.

Từ một người học kĩ thuật, rẽ ngang, anh đi sâu vào các chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp. Anh đã có một quyết định táo bạo là xin nghỉ vị trí giám đốc nông trại để nghiên cứu đưa công nghệ vào lĩnh vực này. Rời Cầu Đất Farm, Phạm Ngọc Anh Tùng có hơn một năm đi tới nhiều quốc gia trên thế giới, tham quan các mô hình nông nghiệp, lang thang ở các siêu thị lớn. Anh tới nhiều nơi nhưng hầu như không thấy bóng dáng thực phẩm, nông sản của Việt Nam. Và những suy nghĩ, trăn trở cộng với "máu" tự động hóa sẵn, những trải nghiệm của bản thân trong nông nghiệp đã thúc đẩy Phạm Ngọc Anh Tùng thành lập ra FoodMap. Tháng 12/2018, FoodMap khởi đầu từ một căn phòng nhỏ tại TP. HCM.

Hành trình từ khởi đầu đến lúc gọi vốn thành công là chuỗi ngày tháng đầy thử thách. Tùng "đau đáu" tìm lời giải xây dựng sàn thương mại điện tử kết nối giữa người mua và người bán. Đến làm việc với nông dân, anh phải đối diện với hàng loạt thắc mắc lẫn hoài nghi về khả năng bán được hàng, thu mua giá cao, được mùa không "rớt" giá… Vào những thời điểm khó khăn, chàng trai 8X luôn kiên định quan điểm: FoodMap, nhà sản xuất và nông dân cùng mang lại giá trị cho nhau, cùng xây dựng những câu chuyện thật, sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng.

Theo đó, FoodMap được xây dựng theo phương châm: đưa sản phẩm nông sản từ trang trại thẳng tới bàn ăn, bớt trung gian, để người nông dân và người tiêu dùng cùng được lợi nhất. FoodMap thực sự đã trở thành cầu nối để người nông dân có đầu ra cho sản phẩm với giá cả hợp lý. Gần 1 năm rưỡi kể từ khi thành lập, FoodMap hiện đang liên kết với hàng trăm hộ nông dân tại Đà Lạt, miền Tây… đồng hành cùng họ để tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Năm 2021, trong suốt thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP. HCM, FoodMap là một trong số ít startup được cấp phép hoạt động liên tục và đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Lê Minh Hưng - người sáng lập và điều hành HTX Nông nghiệp Hòa Bình

Cất cánh tháng 5: Những người nông dân mới gieo mầm trên cánh đồng quê hương - Ảnh 3.

Hòa Bình là tỉnh trung du miền núi, với đặc điểm địa hình núi non trùng điệp, có đập thủy điện sông Đà tạo nên một vùng lòng hồ mênh mông trên núi, tạo cảnh sắc nên thơ hấp dẫn, môi trường trong lành và là điểm đến của du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tương lai.

Bên cạnh những tiềm năng lợi thế, Hòa Bình cũng mang những đặc trưng khó khăn của vùng cao, vùng núi khó khăn, nơi mà điều kiện sinh sống của bà con nông dân đến nay vẫn còn nhiều cách biệt so với vùng xuôi.

Với điều kiện xa xôi, giao thông khó khăn, bà con chỉ làm nghề nông, trồng lúa, trồng ngô, sắn và trồng cây lâm nghiệp, cuộc sống tự cung tự cấp, những sản phẩm nông nghiệp bà con làm ra do đường xa, khó khăn nên giá bán rất thấp. cuộc sống lam lũ nhưng ít đổi thay bởi lối canh tác vẫn truyền thống như xưa.

Bản thân anh Hưng luôn nỗ lực tìm cách vươn lên, vượt khó giúp người nông dân phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.

"Tôi đã thử đầu tư nhiều thứ, từ nuôi trồng nấm linh chi đỏ, nuôi lợn bản địa, trồng cây sa chi…. Nhưng đều thất bại do thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm sản xuất, sản phẩm làm ra không có thị trường ổn định, giá cả bấp bênh, dịch bệnh nguy hiểm… Có lúc thất bại tôi cảm giác nản chí muốn buông xuôi nhưng nhìn thấy nguồn tài nguyên đất đai nhiều mà đời sống bà con nông dân vẫn còn lam lũ đã thôi thúc tôi tìm kiếm cơ hội đầu tư mới", Anh Lê Minh Hưng chia sẻ

"Trong một dịp tình cờ tôi biết đến chiến lược phát triển cây gai xanh AP1 theo chuỗi liên kết bền vững tôi thấy đây là một cơ hội cho mình phát triển và mang lại giá trị cho nhiều hộ nông dân vùng cao, vùng sâu trong tỉnh Hòa Bình có điều kiện chuyển đổi cây trồng và mang lại thu nhập cao hơn. Tôi đã tìm hiểu kỹ về cây gai xanh và thật may mắn tôi đã được công ty nông nghiệp An Phước chọn làm đối tác phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh AP1 trên tỉnh Hòa Bình.

Khi bắt đầu triển khai thực hiện tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là vợ tôi không đồng tình bởi lúc đó tôi đang có công việc làm ổn định, xin nghỉ việc để đi trồng cây gai là một mạo hiểm với tôi lúc đó nên bị vợ tôi và gia đình hết sức ngăn cản.

Khi xuống với bà con nông dân để vận động bà con chuyển đổi cây trồng có lúc tôi đã cảm thấy hoang mang vì bà con không tin tưởng bởi sản phẩm cây gai nếu không bán được thì ko biết làm gì. Trồng cây ngô, cây sắn tuy hiệu quả thấp nhưng còn bán được, nuôi gà nuôi lợn được".

"Sau 1 năm từ khi bắt đầu trồng những cây gai đầu tiên, bằng quyết tâm của HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình, bằng sự hỗ trợ tạo điều kiện của các cấp các ngành trong tỉnh Hòa Bình, huyện Đà Bắc, huyện Mai Châu và sự hỗ trợ của công ty nông nghiệp An Phước đến nay HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình đã đồng hành cùng bà con nông dân xây dựng chuỗi sản xuất liên kết cây gai xanh được gần 200ha với khoảng hơn 300 hộ dân tham gia chuỗi liên kết. Với tiềm năng đất đai và nguồn lực tại các địa phương trong thời gian tới HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình phấn đấu chuỗi liên kết cây gai xanh với hàng nghìn hộ dân các vùng cao vùng khó khăn trong tỉnh chuyển đổi thành công cây trồng mới và xây dựng vùng nguyên liệu tập trung quy mô bền vững. Đó cũng là ước mơ và mong muốn của tôi cùng cất cánh với bà con nông dân vùng miền núi khó khăn".

Từ những gốc gai xanh đầu tiên được trồng trên huyện đà bắc đến nay cây gai đã có sự lan tỏa nhanh chóng trở thành những cánh đồng gai xanh mướt và rộng lớn đó chính là giá trị đích thực của cây gai xanh mang lai cho người nông dân. Những lứa gai đầu tiên lưu gốc của năm thứ 2 đã cho thu hoạch với năng xuất 8 tạ/ha hứa hẹn thu nhập năm thứ 2 mỗi ha bà con có mức thu từ 100 đến 120 tr đồng/ha, nhìn gương mặt phấn khởi của bà con nông dân khi ra đi lao động trên cánh đồng gai anh Hưng thấy tự hào và hạnh phúc, hạnh phúc vì đã được bà con tin tưởng, hạnh phúc vì thấy cuộc sống bà con bớt khó khăn, các cháu nhỏ được đến trường được chăm sóc tốt hơn.

Cất cánh tháng 4: Câu chuyện về những con người nỗ lực gìn giữ những giá trị cho thế hệ mai sau Cất cánh tháng 4: Câu chuyện về những con người nỗ lực gìn giữ những giá trị cho thế hệ mai sau

VTV.vn - Chương trình Cất cánh tháng 4 chủ đề Mai sau đã mang đến 3 câu chuyện đẹp về những con người không ngừng gìn giữ lưu truyền cho hiện tại và ngày mai những di sản quý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

cất cánh

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước