Cất cánh tháng 7: Đã có những tuổi đôi mươi như thế...

Thanh Huyền-Chủ nhật, ngày 21/07/2024 11:43 GMT+7

VTV.vn - Những diễn giả của Cất cánh tháng 7 đã mang đến câu chuyện tuổi đôi mươi của chính mình, gửi hồi đáp thật đẹp dành cho thanh xuân ấy và truyền cảm hứng tới cộng đồng.

Những ngày vừa qua, câu chuyện mà chúng ta được nghe nhiều nhất là điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển Đại học. Một bước ngoặt cực lớn sẽ mở ra cho chàng trai, cô gái tuổi 18, đôi mươi. Lựa chọn con đường nào, mục tiêu nào để theo đuổi?

Và những ngày cuối tháng 7 này cũng nhắc nhớ chúng ta về quá khứ, về lịch sử hào hùng của dân tộc, về những câu chuyện về cả một thế hệ đã lên đường, không tiếc tuổi trẻ, máu xương để chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Để rồi khi nhiều năm trôi qua, trải qua những thăng trầm đắng cay của cuộc đời, thậm chí đối diện với lằn ranh sinh tử, ai cũng sẽ nhận ra quá khứ đáng giá, thử thách chính là lửa thử vàng. Cứ như vậy, lời hồi đáp tuổi đôi mươi chính là lời tri ân từ tận đáy lòng tới thanh xuân, thời gian tuyệt vời nhất của con người.

Cất cánh tháng 7: Đã có những tuổi đôi mươi như thế... - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên TGĐ Đài TNVN, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Với chủ đề "Hồi đáp tuổi đôi mươi", Cất cánh gửi tới khán giả những câu chuyện về những con người nỗ lực để khẳng định bản thân. Để mỗi khi nhớ lại về những tháng ngày đã qua, có nỗi nhớ, có day dứt, có đôi chút tiếc nuối nhưng chắc chắn sẽ đong đầy yêu thương. Và mỗi bước ngoặt trong cuộc đời sẽ khiến ta thêm cứng rắn, vững vàng hơn trong cuộc sống.

LỰA CHỌN CỦA THANH XUÂN ĐỂ LÀM NÊN CON ĐƯỜNG RIÊNG

Dám đột phá, không ngại ngược chiều dư luận, tự tạo nên những bước ngoặt trong cuộc đời mình, Hà Lê luôn là một cái tên mang đến những trải nghiệm âm nhạc mới cho khán giả. Là một trong những ca sĩ tiên phong trong việc làm mới ca khúc đi cùng năm tháng và định hình bởi phong cách đối với người nghe, Hà Lê luôn biết cách tận dụng những thế mạnh sẵn có, dám khác biệt để mang đến những sản phẩm âm nhạc có màu sắc riêng biệt tới khán giả. Từ chỗ bị nghi ngờ âm nhạc của anh đã tạo được chỗ đứng cho riêng mình và được một bộ phận đông đảo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đón nhận. Ít người biết được, để có thể đứng trên sân khấu với vai trò là một ca sĩ như hiện tại, Hà Lê đã phải mất nhiều năm tìm kiếm chính mình thông qua những bước ngoặt của cuộc sống.

Cất cánh tháng 7: Đã có những tuổi đôi mươi như thế... - Ảnh 2.

Trong chương trình Cất cánh, Hà Lê hiếm hoi chia sẻ về dị tật bẩm sinh ở bên tai trái của mình, khiến anh chỉ còn nghe được khoảng 10 - 20%. “Bằng cách nào đó, bên trong mình có niềm đam mê lớn dành cho nghệ thuật, một thôi thúc rất lớn bước lên sân khấu biểu diễn, ca hát và nhảy múa cho tất cả quý vị” - nam ca sĩ nói - “Đối với Hà Lê, đó là một hành trình rất dài, một con đường vòng để có thể đến nơi mình muốn”.

Hà Lê đã chia sẻ về ba cột mốc hoàn toàn thay đổi cuộc đời mình, cho anh cơ hội đến với khán giả. Cột mốc đầu tiên vào năm Hà Lê 19 tuổi, khi anh đang đi du học nước ngoài. Hà Lê được bạn rủ đi xem một bộ phim về nhảy Hiphop, một cánh cửa đã mở ra trong con người nam ca sĩ, đưa anh đến với nghệ thuật.

Cột mốc thứ hai là khi Hà Lê năm 31 tuổi, sau nhiều năm cống hiến cho cộng đồng Hiphop ở Việt Nam. Nam ca sĩ cảm thấy thiếu một điều gì đó trong cuộc sống của mình, đó chính là ca hát.

“Lúc đó tôi 31 tuổi rồi, tôi cần những điều khác chứ không chỉ là giọng hát. Tôi cần ngoại hình, cần một xuất phát điểm đủ trẻ để mọi người có thể nhớ và ấn tượng với mình nhưng tôi không có. Tôi chỉ có đam mê của mình thôi”, Hà Lê tâm sự. Giữa lúc phải lựa chọn, Hà Lê tham gia một chương trình truyền hình và nó đã đưa anh đến với ca hát.

Cất cánh tháng 7: Đã có những tuổi đôi mươi như thế... - Ảnh 3.

“Có nhiều thứ mình đã đánh đổi nhưng không mang lại cho mình cái gì cả. Bài hát viết ra không hit được, chương trình mang lại thu nhập cho mình thì không có. Đó là giai đoạn thấp nhất của cuộc đời mình, rất chán nản” - Hà Lê kể lại - “Nhưng một lần nữa, trong lúc mình thấp nhất, kém nhất, hèn nhất thì một thôi thúc về làm nhạc đã đến. Đó là lúc những giai điệu gắn bó với mình từ thủa bé đã đưa tôi đến cột mốc thứ 3”.

“Trong hành trình làm dự án về nhạc Trịnh, chính những tác phẩm ấy đã giúp Hà Lê hiểu hơn về mình, về cuộc đời, về sứ mệnh tại sao nghệ thuật lại chọn mình. Trong số rất nhiều người cũng có niềm đam mê giống mình, tại sao nghệ thuật lại cho mình cơ hội, ý tưởng để được làm và thành công? Tôi nhận ra câu trả lời là bởi tôi đang thực hiện thực hiện sứ mệnh phục vụ mọi người. Khi những bài hát được cất lên, Hà Lê được chữa lành và quý vị được chia sẻ” - Hà Lê nói tiếp - “Để tặng cho bản thân ở tuổi 20 và những ai ngoài kia đang tuổi 20, còn đam mê cháy bỏng trong người thì tôi muốn nói lại một câu mà người bạn thân nhất đã từng nói cho tôi nghe - Thử thì chưa chắc đã được, nhưng không thử thì chắc chắn không bao giờ được”.

ƯỚC MƠ THANH XUÂN GIEO MẦM HY VỌNG

Dám thay đổi, dám đi theo tiếng gọi của đam mê, dám đối diện với khó khăn để bước tới và tự tạo cho mình những bước ngoặt, những dấu ấn riêng. Thành công hiện tại chính là lời hồi đáp đầy ý nghĩa dành cho quãng thời gian tuổi trẻ nhiều sóng gió. "Lời hồi đáp tuổi đôi mươi" của Cất cánh đã được tiếp tục với câu chuyện ươm những hạt mầm vươn mình thành cây của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.

Cất cánh tháng 7: Đã có những tuổi đôi mươi như thế... - Ảnh 4.

Hơn 17 năm trước, quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát được thành lập bởi tâm nguyện của người kiến trúc sư, Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sinh thời, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát luôn mong muốn giúp đỡ sinh viên nghèo hiếu học. Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát ra đời vì người yếu thế, theo đuổi sứ mệnh tạo cơ hội phát triển cho các sinh viên tài năng giàu nghị lực. Trong suốt quá trình hoạt động, quỹ học bổng đã hỗ trợ tài chính cho gần 300 sinh viên, đem đến cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho hơn 10.000 lượt sinh viên qua 9 chương trình - dự án lớn. Và diễn giả Phạm Tuấn Nam xuất hiện trên đường băng Cất cánh tháng 7 chính là một trong những sinh viên đã được nâng bước bởi quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát.

Phạm Tuấn Nam hiện là Giảng viên Khoa Quy hoạch, Trường đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. Hành trình theo đuổi ước mơ chưa bao giờ là lựa chọn dễ dàng, nhất là khi người trẻ bị buộc phải rời xa những điểm tựa tinh thần từ rất sớm. Câu chuyện của Phạm Tuấn Nam là minh chứng cho điều đó.

Điều kiện gia đình khó khăn nhưng Phạm Tuấn Nam yêu thích vẽ từ nhỏ. Tới lớp 5, mẹ của anh phát hiện bị u não. Vài năm sau đó, mẹ qua đời, bố của Phạm Tuấn Nam lập gia đình mới và anh được người họ hàng nhận nuôi. Tuy không có điều kiện kinh tế khá giả nhưng ông bà đã cố gắng để anh tiếp tục được theo đuổi đam mê vẽ.

Cất cánh tháng 7: Đã có những tuổi đôi mươi như thế... - Ảnh 5.

Giữa muôn vàn lựa chọn, Phạm Tuấn Nam muốn trở thành kiến trúc sư, vì đơn giản làm kiến trúc sư vừa được vẽ, vừa kiếm được tiền. Cuối năm 2011, đợt sóng thứ hai xảy đến với cuộc đời anh khi vừa bước chân vào đại học thì ông của anh qua đời. Ngoài giờ học, anh tranh thủ mọi cách để kiếm tiền, từ vẽ mẫu thêu/ mẫu in quần áo đến trang trí giày, thiết kế danh thiếp, làm quà lưu niệm; thậm chí một thời gian dài giấu gia đình đi phục vụ cơm trưa ở căng-tin tòa soạn báo Mực Tím đối diện trường mà vẫn không đủ tài chính cho việc học. Giữa tình cảnh bấp bênh đó, cánh tay thứ hai đã chìa ra để kéo Phạm Tuấn Nam về phía trước, đó là cô Huỳnh Xuân Thảo và Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát – một quỹ học bổng dành riêng cho sinh viên tài năng, giàu nghị lực đang theo đuổi đam mê kiến trúc – quy hoạch. Quỹ không chỉ là sự hỗ trợ tài chính đúng lúc mà còn cho anh một mái nhà thứ hai tại chính văn phòng Quỹ.

Sau khi may mắn có được cơ hội hành nghề tại nhiều tỉnh thành và nhận được một số sự công nhận nhất định trong lĩnh vực quy hoạch, hiện tại Phạm Tuấn Nam đã chọn trở thành một giảng viên đại học và quay lại đồng hành cùng Quỹ để tiếp tục truyền đi kiến thức và cảm hứng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên.

“Tôi rất hy vọng, các bạn trẻ sẽ nhìn thấy một phần của mình ở đâu đó trong phần chia sẻ này, để tiếp tục hành trình tìm được lời hồi đáp ý nghĩa nhất cho tuổi đôi mươi của chính mình”, Phạm Tuấn Nam nói.

CÓ NHỮNG TUỔI ĐÔI MƯƠI NHƯ THẾ

Cất cánh tháng 7: Đã có những tuổi đôi mươi như thế... - Ảnh 6.

Diễn giả Nguyễn Hữu Mão xuất hiện trên đường băng Cất cánh với câu chuyện của một những con người xếp bút nghiên lên đường chiến đấu theo tiếng gọi của từ trái tim với sứ mệnh giành lại độc lập cho quê hương, đất nước mình.

Năm 1970, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Thực hiện lệnh tổng động viên, các địa phương đồng loạt kêu gọi thanh niên, sinh viên đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Gác lại việc học để lên đường chiến đấu, mỗi thanh niên khi đó đều mang trong mình một thông điệp sâu sắc, đó là tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Từ năm 1970 đến 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở miền Bắc đã lên đường nhập ngũ. Đông nhất là sinh viên các trường Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng, Kinh tế kế hoạch (nay là Kinh tế quốc dân), Sư phạm, Mỏ-địa chất, Y dược..

Tháng 8 năm 1970, khi vừa học hết năm thứ 2, khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, cùng đông đảo sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, Nguyễn Hữu Mão đã xếp bút nghiên ra trận. Trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngay trong những ngày ở chiến trường, Nguyễn Hữu Mão vừa đánh giặc, vừa ghi chép nhật ký và viết bài gửi báo chí. Ông là tác giả cuốn Hồi ký và nhật ký "Những năm tháng không quên"...

Tôi vẫn còn nhớ, sau ngày hòa bình ở miền Bắc năm 1954, những người lớn thường chỉ vào chúng tôi và nói rằng “Lũ trẻ này là sướng nhất vì được sống trong hòa bình, không còn chịu cảnh bom đạn chiến tranh”. Thế nhưng thực tế lại không phải như vậy! Năm 1965, khi chúng tôi bắt đầu vào học cấp 3 thì Hà Nội đã thực sự là nơi chiến địa ác liệt không kém các địa phương nơi tuyến lửa. Máy bay Mỹ đã bị bắn rơi ngay trên đường phố Lê Trực. Đã có phi công Mỹ nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch sau khi máy bay bị trúng đạn tên lửa của bộ đội Phòng không ta. Trường cấp 3 Việt Nam – Ba Lan nơi chúng tôi học bị máy bay Mỹ đánh bom 3 lần và bị san phẳng nên chúng tôi phải sơ tán ra học ở đình, chùa, nhà hầm ở các làng xóm xung quanh… Đó là những năm tháng học trong bom đạn nhưng chúng tôi đã vượt lên không chút nao núng. Đến mùa hè năm 1968, lứa học trò chúng tôi đã tốt nghiệp cấp 3 để vào các trường đại học.

Cất cánh tháng 7: Đã có những tuổi đôi mươi như thế... - Ảnh 7.

“Trên đời này chẳng ai sinh ra để đi chiến đấu cả. Đây là bổn phận làm trai khi nước có giặc thì phải đi đánh giặc. Chứ còn mục tiêu chính, ước vọng chính của mỗi người khi còn ở lứa tuổi đôi mươi là được học tập, được cống hiến xây dựng đất nước trong hòa bình và xây dựng tương lai của mình. Chính vì vậy, mặc dù rất mong sẽ có một ngày được trở lại trường học tiếp nhưng quả thực lúc ấy, khi nhiệm vụ đánh giặc cứu nước được đặt lên hàng đầu, thì chúng tôi không nghĩ đến ngày trở về…”, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mão chia sẻ.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mão cho hay mái trường đại học ngày ấy được ví như một thế hệ “tài hoa ra trận”. Bởi bên cạnh khẩu súng, ba lô trên vai, nhiều thanh niên thời ấy vẫn mang theo những cuốn giáo trình đại học, mang theo giấy bút vẽ và đặc biệt là hầu hết đều mang theo những cuốn sổ tay để viết nhật ký. Ông cũng có thói quen ghi nhật ký trong suốt những tháng năm chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, ông đã ghi được 8 cuốn nhật ký lớn nhỏ, dày mỏng khác nhau và vẫn lưu giữ được đến hôm nay.

Qua những tháng năm chiến tranh, thế hệ sinh viên nhập ngũ năm 1970 đã thực sự là những người lính đầy bản lĩnh, chiến đấu giỏi, lập công xuất sắc. Một số người đã trở thành tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, được tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại. “Nhiều năm qua, lứa lính sinh viên đồng ngũ chúng tôi vẫn tổ chức gặp mặt thường niên để ôn lại những ngày tháng khốc liệt, gian khổ, hy sinh ấy. Bây giờ nhìn lại đời sinh viên và đời lính sinh viên chúng tôi sao mà nhiều kỷ niệm đến thế! Chúng tôi đứng trước bao nhiêu thử thách, gian lao, vất vả, ác liệt, hy sinh… nhưng tất cả đều vượt qua và trở về”, nhà văn Nguyễn Hữu Mão nói.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Cất cánh qua video dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

cất cánh

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước