Câu chuyện phía sau "82h ở Đạ Dâng"

N.A-Thứ bảy, ngày 07/02/2015 15:38 GMT+7

Một hình ảnh xúc động khi 12 công nhân được giải cứu trong vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nói về 82h ở Đạ Dâng – bộ phim vừa lên sóng VTV1 ngày 6/2, đạo diễn trẻ Trịnh Quang Bách và Thiện Thi nói cảm thấy ưng ý nhưng nếu được làm lại sẽ hay hơn.

Phóng viên VTV News gặp gỡ 2 đạo diễn trẻ Trịnh Quang Bách và Thiện Thi sau khi bộ phim tài liệu 82h ở Đạ Dâng – bộ phim đầu tiên nói về vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, một trong những sự kiện gây chấn động vào cuối năm 2014 - lên sóng truyền hình. Với 25’48 giây, bộ phim đã đưa đến cho khán giả một cái nhìn tổng thể về toàn bộ sự việc với những phân tích mang tính khoa học. Bộ phim đã tạo được hiệu ứng đặc biệt với người xem sau khi trình chiếu.

Chia sẻ với VTV News về bộ phim, 2 đạo diễn nói: “Sau khi xem lại bộ phim chúng tôi vẫn cảm thấy rất xúc động, như thể mọi việc mới xảy ra ngày hôm qua thôi”.

Vậy các anh có hài lòng khi xem lại bộ phim không?

- Chúng tôi ưng ý nhưng nếu làm lại thì sẽ làm hay hơn, chỉn chu hơn và chắc chắn sẽ hay hơn nữa.

Quay lại một chút với thời điểm đầu khi các anh thực hiện bộ phim này, ý tưởng và mọi thứ đã diễn ra như thế nào?

- Đã có nhiều vụ sập hầm xảy ra tại Việt Nam, tuy nhiên, đây có lẽ là vụ đầu tiên được báo chí đưa tin nhiều và cặn kẽ như thế. Cũng giống như rất nhiều những người Việt Nam khác theo dõi sự việc vào thời điểm đó, chúng tôi cũng rất nóng ruột khi nghe tin tức hàng ngày. Đó cũng là lúc những ý tưởng manh nha đầu tiên của bộ xuất hiện. Chúng tôi nghĩ nếu làm được một bộ phim về quá trình giải cứu các nạn nhân thì đó sẽ là một bộ phim hay. Khi đề xuất với lãnh đạo phòng thì ê-kíp đã nhận được sự đồng ý ngay.

Đạo diễn trẻ Trịnh Quang Bách. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đạo diễn trẻ Trịnh Quang Bách. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Các anh có thể nói một chút về quá trình làm phim này được không?

- Chúng tôi vào đến nơi chỉ trước một ngày khi 12 công nhân được giải cứu. Thú thực, lúc đi vào đó vẫn chưa có hình dung cụ thể mình sẽ làm gì cả.

Không có một hình dung cụ thể về bộ phim sẽ làm, đó có phải là một khó khăn không?

- Đúng vậy. Khi vào tới nơi, ghi lại tất cả những hình ảnh của cuộc giải cứu thì mọi thứ sau đó mới hình thành và thật sự rõ ràng điều mình muốn làm là gì là khi trở về Hà Nội.

Những khó khăn ê-kíp của các anh đã gặp trong quá trình làm phim là gì?

- Thời điểm chúng tôi vào cũng là cũng là thời điểm các lãnh đạo cũng như công nhân giải cứu đều đang bận rộn với việc làm thế nào để giải cứu được các nạn nhân và họ cũng đã rất mệt mỏi. Báo chí đã làm phiền họ rất nhiều trong những ngày trước đó nên không ai còn nhiệt tình nữa (cười).

Một điều khó khăn nữa là bối cảnh rất rộng, khoảng cách giữa 2 phía đường hầm hạ lưu và thượng lưu khá xa, khoảng gần 2 cây số, nên việc di chuyển cũng có những khó khăn nhất định.

So với những hình dung trước khi các anh đi tác nghiệp nó có nhiều khác biệt không? Mình đã hình dung – như anh nói – sẽ là một cuộc giải cứu với nhiều kịch tính?​

- Trước khi chúng tôi vào đã hỏi những đồng nghiệp đang tác nghiệp trong đó và họ nói ít nhất phải 2 ngày nữa các công nhân mới được giải cứu. Tuy nhiên, mọi thứ đã diễn ra nhanh hơn. Vì thế, khi 12 công nhân được cứu ra đó hoàn toàn là bất ngờ với tất cả mọi người. Thông tin thật sự về thời gian giải cứu 12 công nhân chỉ rất ít người được biết. Thông tin đó được giấu, không được cho quá nhiều người biết vì sợ vỡ trận, sợ người nhà của các nạn nhân có thể bị xúc động quá hoặc cánh báo chí sẽ săn tin dồn dập… cản trở công tác cứu hộ. Có rất nhiều khách du lịch cũng đến đây chỉ vì tò mò.

Mình cũng hoàn toàn bị động theo vì không có thông tin nào được tiết lộ cả. Tất cả đều bất ngờ. Chỉ khi người công binh hô là cứu được rồi thì mọi người ở ngoài mới biết.

Có thể nói, diễn biến của sự việc khác một chút với kịch bản mình hình dung trước đó nhưng mình cũng đã quay được khá nhiều và trọn vẹn quá trình đưa các công nhân từ trong hầm ra và cảm xúc của người nhà, nạn nhân, các lãnh đạo... rất rõ ràng.

Hình ảnh các công nhân được đưa ra khỏi hầm thuỷ điện Đạ Dâng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hình ảnh các công nhân được đưa ra khỏi hầm thuỷ điện Đạ Dâng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cảm xúc của các anh khi chứng kiến cảnh các công nhân được giải cứu như thế nào?

- Chúng tôi rất xúc động khi 12 người được giải cứu ra an toàn, ai cũng mong muốn có một kết thúc có hậu. Ngay cả khi ngồi xem lại phim vẫn rất cảm xúc, như thể sự việc chỉ mới xảy ra hôm qua thôi.

Vâng, bộ phim của hai anh cũng đã tạo được rất nhiều xúc động khi lên sóng truyền hình tối 6/2. Một câu hỏi cuối, cái khó của hai anh và ê-kíp khi thực hiện 82h ở Đạ Dâng là gì?

- Khó khăn lớn nhất, ngoài niềm đam mê, đó là trách nhiệm - trách nhiệm về việc phải làm được một sản phẩm tốt. Và chúng tôi nghĩ đây cũng là cái khó cũng như thách thức đối với chúng tôi ở tất cả những sản phẩm truyền hình mà chúng tôi đang và sẽ làm.

Cảm ơn hai anh về cuộc trò chuyện!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước