Câu chuyện Sở hữu trí tuệ: Giải pháp giúp các doanh nghiệp bảo vệ nhãn hiệu trong Hiệp định CPTPP

Ban Khoa giáo-Thứ tư, ngày 20/02/2019 11:49 GMT+7

VTV.vn - Với những cam kết về sở hữu trí tuệ trong CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức về việc tuân thủ những quy định mới, đặc biệt là về nhãn hiệu.

Từ tháng 1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Song hành với những cơ hội mà hiệp định này đem lại cũng có nhiều thách thức.

Mặc dù đã đưa ra khỏi hiệp định những quy định rất khắt khe về sở hữu trí tuệ so với TPP, tuy nhiên, CPTPP vẫn giữ lại những quy định khá mới đối với pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam, đặc biệt là về nhãn hiệu.

Dù có lộ trình 3 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực, cho phép Việt Nam chính thức bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi nhưng theo các chuyên gia, đây sẽ là thách thức lớn đối với Việt Nam khi điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống bởi từ trước đến nay, Việt Nam vẫn chỉ quen bảo hộ những nhãn hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ hay hình ảnh.

Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm nhãn hiệu vẫn diễn ra tràn lan cũng là một trong những bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào sân chơi chung CPTPP.

Theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ, mức độ quan tâm về việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của các doanh nghiệp đã tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2017, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của chủ đơn người Việt đã tăng 44% so với năm 2013. Dự kiến, số lượng đơn đăng ký trong năm 2018 sẽ tăng thêm 5%.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, vẫn có một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc bảo hộ cho nhãn hiệu của doanh nghiệp mình khiến tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm nhãn hiệu vẫn diễn ra vô cùng phổ biến.

Vậy các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị những gì để đón đầu những thử thách đó? Giải pháp nào để các doanh nghiệp bảo vệ nhãn hiệu trong Hiệp định CPTPP?

Để giải đáp vấn đề này, chương trình Câu chuyện Sở hữu trí tuệ đã mời tới trường quay ông Nguyễn Văn Bảy - Trưởng phòng Pháp chế và chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ.

Theo chia sẻ của khách mời, giải pháp đưa ra là doanh nghiệp cần phải nâng cao nhận thức trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thiết lập các biện pháp để bảo vệ nhãn hiệu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm nhãn hiệu.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký, xác lập quyền đối với nhãn hiệu, tích cực chủ động, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước