Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp khoa học công nghệ đều có tên thương mại hoặc sở hữu một hay nhiều nhãn hiệu. Một số doanh nghiệp sở hữu các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ khác như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh… Đó đều là những tài sản vô hình quan trọng, cần được bảo vệ và khai thác hiệu quả.
Dù cung cấp sản phẩm hay dịch vụ nào, các doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng đang tạo ra và sử dụng rất nhiều tài sản trí tuệ. Do đó, các doanh nghiệp này đều cần có những biện pháp bảo hộ, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ? Đây cũng là nội dung chính trong chương trình Câu chuyện Sở hữu trí tuệ. Để làm rõ hơn về chủ đề này, chương trình đã mời tới trường quay PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị thương hiệu, Đại học Thương Mại.
Theo PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh, các doanh nghiệp khoa học công nghệ gồm những doanh nghiệp mà hàng hóa, dịch vụ của họ là kết quả của quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Đối với những doanh nghiệp này, tài sản lớn nhất là những kết quả do nghiên cứu hoặc do ứng dụng khoa học công nghệ mà có.
Tài sản trí tuệ khác với những sản phẩm, hàng hóa quen thuộc. Nếu như hàng hóa thông thường có thể nhìn thấy và chiếm giữ dễ dàng thì tài sản trí tuệ lại là một loại tài sản vô hình. Muốn bảo vệ tài sản trí tuệ, cần phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Đây là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển, qua đó thúc đẩy nội lực của nền kinh tế. Để khai thác lợi thế này, các doanh nghiệp cần hiểu và có cách tiếp cận, quản trị tài sản trí tuệ của mình hợp lý.
PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh cũng cho biết, để khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ, bên cạnh việc đầu tư vào nguồn lực con người, doanh nghiệp cần xây dựng và thực hiện chiến lược quản trị thông minh. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong quá trình khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ đồng thời phát triển những quan hệ đối tác cũng như khối tài sản trí tuệ nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!