Chị Hạnh (sống tại Nam Định) - nhân vật trải nghiệm trong chương trình Cha mẹ thay đổi đang gặp bế tắc trong việc kết nối với con. Sau khi ly hôn chồng, chị Hạnh và con trai về sống với mẹ đẻ.
Người mẹ và những kỳ vọng "trưởng thành" từ con trai 5 tuổi
Chị Hạnh luôn nghiêm khắc với đứa con trai 5 tuổi của mình, yêu cầu bé phải tự lập và biết giúp đỡ gia đình. Sau những bữa ăn, Bi - con trai chị Hạnh sẽ phải làm nhiệm vụ thu dọn bàn ghế, lau bàn giúp đỡ mẹ.
Bên cạnh đó, chị Hạnh cho biết vì trước đây hình ảnh sau mỗi bữa cơm chồng của chị thường ngồi ghế nghỉ ngơi, để mặc chị phải dọn dẹp một mình đã khiến chị cảm thấy rất khó chịu. Vậy nên, chị không muốn hình ảnh đó lặp lại với đứa con của mình.
Chị Hạnh chia sẻ: "Tôi nghiêm khắc với con vì muốn con lớn lên không giống bố nó. Trước đây bố nó đã làm khổ tôi và sau này tôi sợ nó lớn lên sẽ làm khổ một người con gái khác".
"Tôi không phải là người chiều con. Tôi biết nếu mình chiều con là mình đang hại con chứ không phải đang hướng nó đến những điều tốt đẹp. Con tôi rất sợ mẹ. Mỗi hành động của bé luôn để ý đến thái độ của mẹ xem mẹ có đồng ý cho làm hay không. Đó là điều tôi không muốn vì nhiều thứ tôi muốn cháu tự quyết định, không cần nhìn thái độ của người khác", chị Hạnh thừa nhận mình là người mẹ nghiêm khắc.
"Sau khi ly hôn, thật sự tôi không có ý định đi bước nữa. Tôi sẽ dành mọi tâm huyết, tình yêu để nuôi dưỡng con trưởng thành. Tôi cũng rất thương con nhưng mỗi khi con sà vào lòng mẹ, muốn được mẹ ôm ấp thì tôi không thích như vậy. Tôi muốn con trai phải mạnh mẽ, không được yếu đuối".
Không những thế, những lúc Bi không nghe lời, chị Hạnh sẵn sàng dùng gậy để đánh con. Bi vì thế rất sợ mẹ.
Tuy nhiên theo Giáo sư Pek Cho - chuyên gia trong việc giáo dục và tư vấn cảm xúc của trẻ - cho biết cách giáo dục con của chị Hạnh gặp nhiều vấn đề. Chị Hạnh kỳ vọng và bắt ép con mình phải trưởng thành so với lứa tuổi của em.
"Chúng ta không mong đợi điều này ở một đứa trẻ 5 tuổi và người mẹ đang kỳ vọng con mình như một người trưởng thành. Mỗi con người luôn có một người trưởng thành và một đứa trẻ. Người trưởng thành sẽ gắn với trách nhiệm. Ví dụ việc lau bàn, dọn ghế là công việc của người lớn. Một đứa trẻ cần có niềm vui và hạnh phúc", Giáo sư Pek Cho cho biết.
"Cô ấy đang đối xử với con trai như cách cô ấy đối xử với chồng. Cô ấy đang làm cho đứa bé không có tuổi thơ. Đứa trẻ không có tuổi thơ, khi lớn lên sẽ không có hạnh phúc. Cậu bé cần sống đúng là một đứa trẻ".
Hành trình thay đổi của người mẹ trẻ bắt đầu...
Dù rất nghiêm khắc với con nhưng chị Hạnh rất sợ một ngày nào đó con sẽ xa lánh mình, lớn lên sẽ đi theo bố. Sự mâu thuẫn trong suy nghĩ và cách giáo dục con của chị Hạnh khiến các chuyên gia tâm lý của chương trình lo ngại.
Rất nhiều cuộc nói chuyện đã diễn ra, chị Hạnh đã mở lòng chia sẻ về quá khứ đau buồn của mình. Chị là một người con ngoài giá thú, lớn lên thiếu tình yêu thương của bố, mẹ đi làm xa nên chị phải ở nhờ nhà của bà ngoại và cậu. Những trận đòn roi đau đớn từ người cậu đã khiến chị Hạnh bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Chị không nhận được tình yêu thương trong suốt quãng thời gian thơ ấu.
Lớn lên, khi con trai mình thiếu vắng tình cảm của bố, một lần nữa chị lại dùng đòn roi để giáo dục con mình. Không cho con thể hiện tình cảm với mẹ. Mỗi khi con muốn được ôm mẹ, được mẹ vuốt ve, dỗ dành thì chị Hạnh lại lạnh lùng nói: "Xê ra đi".
Sau một thời gian được tư vấn, chị Hạnh nghĩ mình phải thay đổi, phải sống vui vẻ hơn, rũ bỏ quá khứ và cùng con hướng đến những điều tốt đẹp.
Chị Hạnh dành nhiều thời gian ở bên con hơn, thể hiện tình yêu thương với con nhiều hơn. Đặc biệt, chị không còn quát mắng hay dùng đòn roi để giáo dục con. Được mẹ yêu thương, quan tâm, Bi cũng vui vẻ và thoải mái hơn.
Tuy nhiên, tất cả vẫn đang là sự khởi đầu, hành trình cha mẹ thay đổi và lắng nghe từ con vẫn còn tiếp tục. Các bậc phụ huynh luôn phải tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với con và tuyệt đối từ bỏ ý nghĩ dùng đòn roi để giáo dục con cái.
Bên cạnh đó, nếu dùng lời lẽ nhẹ nhàng khuyên răn con thì cũng phải đi sâu vấn đề, hiểu tâm lý, nguyện vọng của trẻ để có thể dễ dàng thuyết phục con. Trẻ em cần có môi trường sống hạnh phúc, bắt đầu từ chính ngôi nhà thân yêu của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!