Cuộc chuyển đổi số hóa đặt ra thách thức, vất vả đối với việc sản xuất chương trình truyền hình

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 20/12/2018 18:22 GMT+7

Qua mạng Internet, khán giả đã có thể theo dõi trực tiếp mọi diễn biến trên tất cả 14 chặng đua của giải xe đạp VTV Cup 2018

VTV.vn - Vào chiều nay (20/12), trong khuôn khổ LHTHTQ lần thứ 38 đã diễn ra Hội thảo "Giải pháp sử dụng thiết bị cơ động nhỏ gọn cho sản xuất chương trình".

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, các Đài PT-TH cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình. Nếu không đổi mới nội dung, công nghệ, truyền hình sẽ tụt hậu rất xa so với loại hình truyền thông khác.

Phát biểu tại cuộc hội thảo "Giải pháp sử dụng thiết bị cơ động nhỏ gọn cho sản xuất chương trình" vào chiều nay, ông Đinh Đắc Vĩnh - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh về những thách của ngành truyền hình trong thời đại mới: "Công nghệ Internet, công nghệ viễn thông đã xâm nhập vào ảnh hướng rất nhiều đến truyền hình. Xu hướng của truyền hình là social TV. Trong thời gian qua, cả thế giới cũng như Việt Nam lăn lộn với cuộc chuyển đổi số hóa. Công cuộc chuyển đổi này hiện nay mới là bước đầu, các đài địa phương cũng không tránh khỏi sự thách thức và vất vả. Những thách thức mang đến về tổ chức bộ máy, về quy trình sản xuất, về nội dung trên internet và mạng xã hội và đặc biệt những thách thức về kinh phí đầu tư và sản xuất chương trình".

Cuộc chuyển đổi số hóa đặt ra thách thức, vất vả đối với việc sản xuất chương trình truyền hình - Ảnh 1.

Ông Đinh Đắc Vĩnh - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam phát biểu tại cuộc hội thảo

Ông Đinh Đắc Vĩnh nhấn mạnh, bất kỳ đài truyền hình nào trên thế giới theo quy trình chuyển đổi số cũng phải cơ cấu lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt khó khăn nhất là nguồn tài chính để làm thế nào giảm được chi phí và tăng thu nhập. Một trong nhữn ggiải pháp của Đài Truyền hình Việt Nam trong những năm qua là giảm chi phí sản xuất bằng nhiều hình thức, trong đó có phương pháp sử dụng thiết bị hiệu quả trong sản xuất chương trình.

"Trong khuôn khổ Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hội thảo "Giải pháp sử dụng thiết bị cơ động nhỏ gọn cho sản xuất chương trình" với mong muốn giao lưu, trao đổi với anh chị em kỹ thuật các đài truyền hình trên toàn quốc. Từ đó, chúng ta có cách tổ chức sản xuất mới với thiết bị nhỏ gọn, giảm chi phí đầu tư. Đây không phải chỉ là thiết bị nhỏ gọn cho "xe màu" mà còn thiết bị của chúng ta có, tùy thuộc vào chương trình nào để sử dụng tiết kiệm chi phí" - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ.

Ông Đinh Đắc Vĩnh cũng cho biết, dự kiến, vào khoảng năm 2020, Việt Nam sẽ triển khai công nghệ 5G. Vào năm 2022, công nghệ 5G sẽ phát triển. Đến năm 2024, theo dự báo sẽ có khoảng 2 tỷ người sử dụng 5G.

"Đây là công nghệ được thiết kế đặc biệt cho truyền dẫn video. Chúng ta cũng đã truyền video qua 4G nhưng 5G có băng thông lớn hơn. Lúc đó, tôi tin rằng việc sản xuất sẽ là từ xa, thông qua công nghệ IP và xe màu sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều trong sản xuất, đặc biệt trong sản xuất chương trình thể thao" - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam phát biểu.

Cuộc chuyển đổi số hóa đặt ra thách thức, vất vả đối với việc sản xuất chương trình truyền hình - Ảnh 2.

Buổi hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu đến từ các đơn vị làm truyền hình trên toàn quốc

Cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia của Đài THVN và một số đơn vị đã giới thiệu và trình diễn công nghệ, thiết bị lưu động nhỏ gọn để sản xuất chương trình cũng như chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sử dụng hiệu quả thiết bị. Qua đó mang đến những thông tin bổ ích thiết thực cho các Đài PT-TH và các đơn vị sản xuất truyền hình trên cả nước, đặc biệt là những người làm công tác kỹ thuật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước