Truyền hình trong thời đại số: Thay đổi để tồn tại!

PV-Thứ năm, ngày 20/12/2018 12:00 GMT+7

VTV.vn - Trong thời đại số, truyền hình truyền thống nếu không thay đổi sẽ đứng trước nguy cơ đi vào ngõ cụt, thậm chí liên quan đến vấn đề tồn tại hay không tồn tại.

"Trước đây khi nói đến truyền hình, chúng ta hình dung ngay là những cột phát sóng, là những chiếc tivi cồng kềnh, là cả ekip với thiết bị lên đến hàng tạ để có một bản tin, một tác phẩm.

Nhưng bây giờ chỉ cần một nhóm rất nhỏ, thậm chí một phóng viên hay một người bình thường với những thiết bị thông minh, thậm chí là một chiếc smartphone cũng có thể làm được tin, làm được một tác phẩm, cũng có thể xem được truyền hình ở mọi nơi, mọi lúc", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc LHTHTQ lần thứ 38 vào tối qua.

Truyền hình trong thời đại số: Thay đổi để tồn tại! - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phát biểu của Phó Thủ tướng đã phản ánh một cách cô đọng và rõ ràng nhất về sự thay đổi của truyền hình truyền thống hiện nay.

Không quá để nói rằng, ngành truyền hình chưa bao đối diện với nhiều thách thức phải thay đổi như hiện nay khi mà sự phát triển của mạng xã hội, Internet, công nghệ số đã và đang làm thay đổi gần như hoàn toàn cách tiếp nhận thông tin từ khán giả.

Khán giả hiện này không còn tiếp cận thông tin một cách thụ động, thay vào đó họ chủ động tìm thông tin mà họ muốn trên Intertnet, trên mạng xã hội.

"Truyền hình truyền thống ngày càng mất dần, điều này đã được đã cảnh báo từ 5, 6 năm trước đây. Xu thế này ngày càng trở nên rõ hơn với sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội... Nếu chúng ta không dịch chuyển, chúng ta sẽ tụt hậu, chúng ta sẽ mất khán giả", ông Nguyễn Thành Lương - Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam cho biết tại Hội thảo "Mạng xã hội và Truyền hình".

Truyền hình trong thời đại số: Thay đổi để tồn tại! - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thành Lương - Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.

Làm thế nào để các chương trình truyền hình có thể đến với đông đảo khán giả, tăng tỷ lệ rating trong bối cảnh khán giả dần dần xa rời màn hình truyền thống để sử dụng các thiết bị thông minh khác, đang là câu hỏi được rất nhiều những người làm truyền hình đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Nguyễn Thành Lương, thay đổi là điều tất yếu bởi nếu không thay đổi, truyền hình truyền thống có thể đi vào ngõ cụt, thậm chí liên quan đến vấn đề tồn tại hay không tồn tại. Để dần thích ứng với bối cảnh hiện nay, hàng năm Đài Truyền hình Việt Nam đều có ngân sách riêng dành cho sản xuất nội dung số, được tăng dần theo hàng năm. Cùng với đó là đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển nội dung số.

Để những người làm nghề trên cả nước hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển của truyền hình hiện nay ra sao? Cần làm gì và đâu là những công cụ mới giúp các chương trình truyền hình có thể tiếp cận và đến với nhiều khán giả hơn? 

Trong khuôn khổ LHTHTQ lần thứ 38, Ban Thanh thiếu niên, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Mạng xã hội và Truyền hình" để giúp phần nào những người làm truyền hình có thể định hình những điều sẽ phải thay đổi, phải làm trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước